Site banner

Mỹ chỉ trích tập trận Trung - Nga trên Biển Đông

Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Scott Swift, ngày 9/8 đã lên tiếng chỉ trích cuộc tập trận hải quân chung giữa Trung Quốc và Nga dự kiến vào tháng 9 tới ở Biển Đông, đồng thời cho rằng việc hai nước chọn lựa địa điểm này không có lợi cho việc tăng cường sự ổn định trong khu vực.

 

Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Scott Swift (Ảnh: Defense.gov)

 Theo New York Times, Đô đốc Scott Swift đã chỉ trích kế hoạch tập trận hải quân chung giữa Trung Quốc và Nga vào tháng 9 tới trên Biển Đông, đồng thời cho rằng việc hai nước chọn lựa địa điểm này không có lợi cho việc tăng cường sự ổn định trong khu vực.

“Tôi nghĩ rằng đây là vấn đề đáng quan ngại và (cuộc tập trận Nga - Trung) là điều nên được cân nhắc, xét trong bối cảnh những hành động này không hề làm tăng tính ổn định trong khu vực”, ông Swift nói. "Lẽ ra cuộc tập trận có thể diễn ra ở các địa điểm khác".

Cũng theo Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, ông không ngạc nhiên trước phản ứng của Trung Quốc và những nước khác đối với phán quyết của Tòa trọng tài theo Phụ lục VII Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc liên quan tới yêu sách “đường chín đoạn” phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông. Mặc dù tòa đã ra kết luận cuối cùng bác bỏ yêu sách trên của Trung Quốc nhưng Bắc Kinh vẫn ngang nhiên tuyên bố không công nhận và thực thi bất kỳ phán quyết nào.

Cũng theo ông Swift, kể cả trong trường hợp Bắc Kinh không tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài thì nước này cũng cần tăng cường tính minh bạch quân sự nhằm làm giảm căng thẳng trong khu vực. Ông còn nhấn mạnh rằng bất kỳ quyết định nào của Trung Quốc nhằm tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại vùng biển chiến lược này cũng sẽ “rất mất ổn định xét từ góc độ quân sự”.

Đô đốc Scott Swift cho biết ông tự tin khẳng định Hải quân Mỹ sẽ vẫn tiếp tục di chuyển gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng phi pháp trên Biển Đông trong động thái được gọi là sứ mệnh tự do hàng hải nhằm củng cố những điều khoản quy định trong UNCLOS.

Nguồn Vietnam.vn