Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ưu tiên cho nước Mỹ, không ít đồng minh của Mỹ ở châu Á cảm thấy lo lắng.
Những động thái gần đây cho thấy quân đội Mỹ đang tìm cách thuyết phục vị tổng tư lệnh của mình.
“Khu vực châu Á - Thái Bình Dương bao gồm nhiều lợi ích cho chính sách đối ngoại của Mỹ, đòi hỏi Chính phủ Mỹ phải tiếp tục ưu tiên đầu tư thời gian và các nguồn lực cho khu vực này". (Trích thư của nhóm nghị sĩ Mỹ thuộc hai đảng Dân chủ và Cộng hòa gửi tới Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis) |
Chuẩn bị “phóng” tiêm kích cơ F18 trên boong tàu sân bay Carl Vinson - Ảnh: Reuters
Đã có thời điểm nhiều đồng minh của Mỹ ở khu vực châu Á phải đặt câu hỏi về thái độ của cường quốc này, khi nhà lãnh đạo mới ở Nhà Trắng tỏ thái độ muốn xóa bỏ nhiều chính sách của người tiền nhiệm.
Bước đi “thoát khỏi” Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã khiến nhiều quốc gia lo ngại Tổng thống Donald Trump cũng sẽ xem lại chính sách xoay trục sang châu Á đang được thực thi.
Khẳng định và xoa dịu
Ngay cả những hục hặc của chính quyền mới từ Philippines đối với đồng minh lâu năm của mình cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi về khả năng Mỹ mất vị thế quan trọng trong khu vực.
Thế rồi có những tín hiệu nhỏ cho thấy Tổng thống Trump có thể nói chuyện được với Tổng thống Rodrigo Duterte.
Hôm qua, người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Philippines Molly Koscina cho biết theo lời mời của hải quân Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana, Bộ trưởng Tài chính Carlos Dominguez, Bộ trưởng Tư pháp Vitaliano Aguirre II cùng 3 nhân viên an ninh đã bay ra thăm tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ đang tuần tra trên Biển Đông.
Theo bà Koscina, đại sứ Mỹ Sung Kim đã đi cùng các quan chức Philippines để chứng kiến các máy bay chiến đấu F18 cất - hạ cánh trên tàu sân bay và gặp gỡ các chỉ huy của con tàu nặng 95.000 tấn này.
Tổng thống Rodrigo Duterte hẳn không thể không biết về chuyến đi thăm của ba bộ trưởng dưới quyền của mình.
Thậm chí có thể nói ông đã bật đèn xanh! Chuyến thăm vì thế cho thấy việc tiếp tục những cam kết cấp cao giữa các quan chức Philippines và quân đội Mỹ. Cứ như thể những tuyên bố ồn ào thời gian qua của ông Duterte chỉ là một chiêu thức để đàm phán lại có lợi hơn trong quan hệ với Mỹ.
Chưa kể việc hải quân Mỹ mời một lúc ba bộ trưởng của Philippines chẳng khác hành động xoa dịu đồng minh thân thiết, đồng thời khẳng định với các đối thủ lẫn đồng minh khác trong khu vực rằng Mỹ không dễ để mất đồng minh lâu năm của mình.
Như một bằng chứng cho diễn biến hiện nay, khi tổng thống Barack Obama rời Nhà Trắng, người ta cũng thấy Tổng thống Duterte đã bớt hẳn chuyện chỉ trích đối với Mỹ.
Các chuyên gia cho rằng đây là cách mở lại cơ hội để hai bên trở lại với các cam kết quân sự trước đó. Vị lãnh đạo của Philippines đang đặt niềm tin là đội ngũ an ninh của ông Trump có thể có một lập trường cứng rắn về tranh chấp lãnh thổ.
Khéo léo khoe hàng
Ngay cả đợt hoạt động được thông báo kéo dài đến 5 tháng của đoàn tàu chiến Mỹ trong khu vực châu Á cũng thể hiện ý đồ của Mỹ: chúng tôi luôn bảo vệ tự do hàng hải trong khu vực này.
Hải quân Mỹ đã đăng tải công khai về hoạt động của nhóm tàu USS Carl Vinson cho các hoạt động tuần tra thông thường trên Biển Đông từ ngày 19-2.
Để khẳng định hoạt động tuần tra minh bạch của mình, ngày 3-3 hải quân Mỹ còn cho mời một nhóm nhà báo bay tới thăm tàu Carl Vinson. Nhân dịp này, chỉ huy tàu cho biểu diễn cả chục cuộc cất và hạ cánh của máy bay trước mắt các nhà báo quốc tế.
Đương nhiên sau đó, các quan chức hải quân Mỹ công bố thông điệp việc Washington triển khai tàu chiến nhằm đảm bảo tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông - một tuyến đường biển trọng yếu đối với thương mại và an ninh toàn cầu.
“Chúng tôi đã hoạt động ở khu vực này trước đây. Chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động ở đây trong thời gian tới và chúng tôi sẽ tiếp tục để trấn an các đồng minh của mình” - chuẩn đô đốc James Kilby đã thông qua nhà báo của các hãng thông tấn lớn được mời lên tàu để gửi thông điệp đến các đồng minh của Mỹ trong khu vực.
Theo chuyên gia Ernest Bower thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, gần đây khi Mỹ thay đổi lãnh đạo, rất nhiều quốc gia ở khu vực tỏ ra “lo lắng về những gì ý định của Trung Quốc”.
Bắc Kinh liên tục đe dọa về mọi can thiệp từ bên ngoài đối với “vấn đề của khu vực”.
Chính vì vậy theo nhận định của vị cố vấn cấp cao thuộc chương trình Đông Nam Á của CSIS, cách thể hiện của hải quân Mỹ hiện nay là câu trả lời thẳng thắn rằng “trong bất kỳ trường hợp nào, người Mỹ không để cho Trung Quốc chiếm cứ Biển Đông”, rằng “đó là chuyện không thể chấp nhận được với cộng đồng quốc tế”.
________________________________________
Tàu sân bay USS Carl Vinson được trang bị đầu đạn hạt nhân và có biên chế 5.500 quân nhân. Tàu này nằm trong nhóm tác chiến gồm 12 tàu chiến và 9 đội máy bay.
Tàu Carl Vinson sẽ tới cảng Busan ở phía nam của Hàn Quốc vào giữa tháng này, tham gia cuộc tập trận quân sự chung thường niên giữa hai nước mang tên “Đại bàng non”.