Đây được coi là phép thử với chính sách châu Á của chính quyền Donald Trump.
Các chỉ huy hải quân Mỹ đang muốn tăng cường số lượng tàu chiến đi gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông.
Nhóm tác chiến hộ tống tàu sân bay USS Carl Vinson. Ảnh: Wikipedia.
Các nhiệm vụ bảo đảm tự do hàng hải (FONOPS) tại Biển Đông sẽ được thực hiện bởi nhóm tàu sâu bay chiến đấu Carl Vinson. Hải quân Mỹ dự kiến cho các tàu này đi qua vùng nước 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng tại khu vực quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, Navy Times ngày 12/2 đưa tin.
Kế hoạch này đang được đệ trình lên cấp trên, trước khi nhận được sự phê chuẩn từ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đây được coi là phép thử với chính sách châu Á của chính quyền Trump.
Hải quân Mỹ tin rằng FONOPS giúp làm rõ các quyền lợi theo luật pháp quốc tế, cũng như bảo đảm sự ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng đây là các hoạt động khiêu khích nhằm vào tuyên bố chủ quyền của nước này, cũng như các lợi ích của Bắc Kinh trên Biển Đông.
"Chính quyền Trump phải quyết định họ muốn đạt được gì. Tôi không nghĩ điều này có thể buộc Trung Quốc rút lui khỏi các đảo nhân tạo được xây dựng phi pháp tại quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, Mỹ có thể phát triển chiến lược ngăn cản Trung Quốc bồi đắp thêm, cũng như răn đe việc sử dụng nơi đây làm tiền đồn đe dọa các nước láng giềng", bà Bonnie Glaser thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) cho biết.
Thông tin về chiến dịch FONOPS của Mỹ trong năm 2017 trùng khớp với các tuyên bố được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đưa ra trong chuyến thăm châu Á. Ông Mattis cam kết rằng quân đội Mỹ có kế hoạch tiếp cận cứng rắn đối với Trung Quốc.
Tuy nhiên, sức mạnh quân sự đơn thuần khó có thể giải quyết các vấn đề trên Biển Đông, phó giáo sư Zhiqun Zhu thuộc Viện nghiên cứu Trung Quốc của đại học Bucknell, Mỹ cho biết.
"Tôi nghĩ việc gửi nhóm tàu sân bay chiến đấu tới Biển Đông là hành động mang tính biểu tượng, thể hiện rằng Mỹ sẵn sàng bảo vệ lợi ích quốc gia, bao gồm cả tự do hàng hải. Tuy nhiên, hành động này không giúp giải quyết vấn đề mà chỉ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực", ông Zhu phát biểu.
Bất kỳ tính toán sai lầm nào từ cả hai bên đều sẽ làm căng thẳng leo thang, thậm chí vượt tầm kiểm soát. Trung Quốc khó có thể chấp nhận thua thiệt, cả hai bên cần giữ cái đầu lạnh, tránh những bước đi khiêu khích lẫn nhau, phó giáo sư Zhu kết luận.