Site banner

Nâng cao hiệu quả phát triển du lịch

Số lượng khách du lịch đến TP. Bến Tre tuy mỗi năm tăng 8 - 10% nhưng những hạn chế từ cơ sở hạ tầng đến việc liên kết du lịch là rào cản đối với sự phát triển du lịch của thành phố trong tương lai.

6 tháng đầu năm 2014, có gần 30 ngàn lượt du khách đến TP. Bến Tre, trong đó khách quốc tế chiếm hơn 56%, tổng doanh thu trên 6 tỷ đồng. Sản phẩm du lịch của thành phố dựa trên những thế mạnh mang đậm nét Nam Bộ, các di tích đình còn giữ nguyên giá trị và nét đẹp văn hóa, cảnh quan môi trường sông nước xanh, sạch. Bên cạnh đó, con người địa phương thân thiện đã tạo ấn tượng đẹp đối với du khách. Theo kế hoạch phát triển du lịch của thành phố giai đoạn 2012-2015, chỉ tiêu khách du lịch đến thành phố mỗi năm tăng 10%, doanh thu tăng 10%. Song những hạn chế về cơ sở vật chất phục vụ du lịch và mối liên kết kinh doanh du lịch cần được tháo gỡ, tạo đà phát triển cho du lịch trên địa bàn.

Nâng cấp các bến tàu thuyền phục vụ du lịch sông nước. Ảnh: Thanh Vũ

Thời gian qua, thành phố chủ yếu tập trung phát triển du lịch theo hướng sinh thái sông nước kết hợp với bảo vệ môi trường tại xã Phú Nhuận và Nhơn Thạnh. Cụ thể, có 9 cơ sở dừng chân hoạt động du lịch sinh thái, 2 điểm du lịch cộng đồng (homestay), hầu hết các điểm này đều thuận tiện giao thông thủy và bộ. Trong đó, cơ sở Hai Hồ (Phú Nhuận), Mười Nở (Nhơn Thạnh) có diện tích rộng, thoáng mát, với hình thức nhà dừa có lưu trú, phục vụ chủ yếu du khách nước ngoài. Thành phố có 45 cơ sở lưu trú, 9 nhà hàng, trong đó có 2 nhà hàng - khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 sao, 1 khu nghỉ dưỡng. Nổi bật là điểm dừng chân Phú An Khang (xã Bình Phú) được đầu tư quy mô với diện tích 3ha, phục vụ khách du lịch từ ẩm thực đến chèo ghe trong các vườn cây, câu cá thư giãn, tát mương bắt cá… Nằm bên bờ sông Hàm Luông (thuộc xã Mỹ Thạnh An), Khu nghỉ dưỡng Mỹ An rộng 2ha được trang bị đầy đủ tiện nghi theo chuẩn 3 sao, hội trường, nhà hàng được thiết kế hiện đại, sân vườn thoáng mát phục vụ khách du lịch, hội nghị, hội thảo. Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung hỗ trợ phát triển làng nghề đan lát, dệt chiếu tại xã Nhơn Thạnh, làng nghề kẹo dừa Phường 7, cơ sở làm đồ thủ công mỹ nghệ chế biến từ dừa tại Phường 1 để phục vụ khách du lịch tham quan, mua sắm.

Du khách tát mương bắt cá ở Khu du lịch Phú An Khang. Ảnh: Văn Phong

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch còn gặp một số hạn chế như: các cầu tàu lên xuống tại các điểm dừng chân chưa an toàn, chưa có cầu tàu công cộng phục vụ khách du lịch; việc bố trí bãi đỗ xe còn mang tính chất tạm thời và không đáp ứng được qui mô tổ chức các tour du lịch lớn; các sản phẩm du lịch tại các cơ sở dừng chân còn mang tính tương đồng với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, chưa có điểm nhấn riêng; hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp còn rời rạc, chưa khai thác, phát huy hết tiềm năng trên địa bàn.

Tại cuộc tọa đàm về giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển du lịch TP. Bến Tre năm 2014, được tổ chức vào trung tuần tháng 9 vừa qua, ông Trần Khánh Dư - Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh: Các đơn vị du lịch cần có sự liên thông, liên kết với nhau và có mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch; hỗ trợ các điểm dừng chân trong hoạt động kinh doanh để cùng nhau phát triển, nâng cao hiệu quả du lịch. UBND thành phố thống nhất xây dựng bến tàu tại cầu chợ Nhơn Thạnh, đồng thời sẽ xây dựng nhà vệ sinh công cộng phục vụ du khách; khảo sát xây dựng cầu tàu tại Phường 2 hoặc Phường 3 để phục vụ khách du lịch đến các xã Mỹ Thạnh An, Phú Nhuận, Nhơn Thạnh; bến tàu ở bến phà Hàm Luông cũ sẽ được thực hiện theo quy hoạch của tỉnh; tiến hành khảo sát, nâng cấp cầu Ba Rọi (xã Nhơn Thạnh); đề xuất ngành chức năng tỉnh phương án thiết kế cải hoán tàu, thuyền từ chở hàng hóa sang chở khách du lịch. Đặc biệt, các doanh nghiệp, người dân, các điểm tuyến du lịch phải cùng tham gia để chọn sản phẩm du lịch tiêu biểu, đặc trưng cho TP. Bến Tre. Các công ty lữ hành cần linh hoạt xây dựng các tour du lịch liên hoàn với nhau để tạo sự thuận tiện cho khách du lịch.

Theo baodongkhoi.com.vn