Site banner

Nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân vùng biên giới, hải đảo

 

Hệ lụy do thiếu kiến thức pháp luật

Em Siu H’L (sinh năm 2002), ở làng Bua, xã biên giới Ia Pnôn (Đức Cơ, Gia Lai) lấy chồng, rồi ly hôn mà vẫn chưa trở thành người lớn. Không việc làm và chưa có kiến thức, kỹ năng sống nên “vợ chồng trẻ con” thường xuyên cãi vã, xung đột, cuối cùng đường ai nấy đi. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại những hệ lụy nặng nề cho gia đình, xã hội, nhưng nó tồn tại dai dẳng trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn 7 xã biên giới tỉnh Gia Lai có 500 cặp vợ chồng với 752 trường hợp tảo hôn, chủ yếu là người DTTS; trong đó có 216 cặp cả vợ lẫn chồng đều tảo hôn. Đây cũng là vấn đề "nóng" ở khu vực biên giới các tỉnh Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông trong những năm qua. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh Đắc Lắc có hơn 3.000 trường hợp tảo hôn, tập trung nhiều nhất ở hai huyện biên giới Buôn Đôn, Ea Súp và các huyện Krông Bông, M’Drắk, Lắk... Tỉnh Kon Tum và Đắc Nông tuy số lượng có ít hơn, song vẫn rất đáng lo ngại.

Lại có một thực tế khác. Trước đây, ở khu vực biên giới biển thường xảy ra tình trạng đánh bắt thủy sản trái pháp luật, dẫn đến bị Ủy ban châu Âu cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu. Anh Trần Thanh Thật, ở thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) đã có hơn 20 năm hành nghề trên biển. Trước năm 2017, đời sống kinh tế gia đình đang ổn định bỗng chốc mất hết chỉ vì không tuân thủ pháp luật, quy định đánh bắt cá trên biển.

 

11.jpg 
Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai hướng dẫn người dân xã Ia Nan, huyện Đức Cơ tra cứu, tìm hiểu pháp luật.

 

Tàu cá mới đóng bằng tiền tích cóp trong nhiều năm của gia đình và tiền vay mượn ngân hàng bị lực lượng chức năng nước bạn tịch thu. Lúc đó, anh Thật nghĩ đơn giản, ở đâu cá nhiều thì đánh bắt và có lấn sang vùng biển nước bạn một chút cũng không sao. Nhận thức sai lầm đó đã khiến anh phải trả giá và rút ra bài học cho mình. “Giờ thì tôi luôn tuân theo sự hướng dẫn, nhắc nhở của chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng và sẽ không bao giờ vi phạm quy định đánh bắt hải sản trên biển nữa”, anh Thật chia sẻ.

Giống như anh Thật, thời gian qua vẫn còn một số người dân ở tỉnh Bình Định hành nghề trên biển vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt, bị tịch thu tàu, thậm chí phải chịu cảnh tù tội. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó, phải kể đến là do một số ngư dân hám lợi, không tuân thủ pháp luật, nhưng cũng có nguyên nhân do công tác PBGDPL chưa được quan tâm đúng mức. Nội dung, hình thức tuyên truyền, PBGDPL cho hơn 500.000 dân tuyến biển còn đơn điệu, hiệu quả chưa cao.

Những mô hình hay, cách làm hiệu quả

Trở lại xã biên giới Ia Pnôn (Đức Cơ, Gia Lai) những ngày này, chúng tôi được cán bộ, nhân dân nói nhiều về “Nghị quyết chuyên đề chấm dứt nạn tảo hôn” của Chi bộ làng Ba và Câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn” xã Ia Pnôn. Đại úy Nguyễn Thanh Bảo, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia Pnôn, Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai, cho biết, xã Ia Pnôn là một trong những “điểm nóng” xảy ra nạn tảo hôn trên tuyến biên giới tỉnh Gia Lai với 73 trường hợp vi phạm.

Vì vậy, chống nạn tảo hôn được cấp ủy, chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng Ia Pnôn xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân. Đảng ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Ia Pnôn đã tham mưu cho xã thành lập Câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn” và hướng dẫn các đảng viên sinh hoạt tại chi bộ thôn, làng biên giới đề xuất với chi ủy, chi bộ ra nghị quyết chuyên đề hoặc đưa nội dung vào nghị quyết thường kỳ để lãnh đạo chấm dứt nạn tảo hôn.

Nghị quyết chuyên đề và nghị quyết thường kỳ hằng tháng của chi bộ 4 làng đồng bào DTTS khu vực biên giới xã Ia Pnôn, gồm làng: Bua, Chan, Ba và Têl đều xác định các chủ trương, giải pháp quyết liệt, sát thực để loại bỏ nạn tảo hôn, như: Phân công đảng viên đến các hộ gia đình trong làng gặp gỡ, trò chuyện, chia sẻ, giải thích cho người dân hiểu về hệ lụy nặng nề của tảo hôn; giúp đỡ và vận động các gia đình cam kết không để con tảo hôn; định hướng nghề nghiệp cho thanh niên...

Câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn” xã Ia Pnôn do Đồn Biên phòng Ia Pnôn tham mưu, đề xuất thành lập vào tháng 7-2021 đang được kỳ vọng như “ngọn đuốc xua tan bóng đêm tảo hôn”. Câu lạc bộ tập hợp, quy tụ các gia đình, thanh niên tìm hiểu Luật Hôn nhân và Gia đình, các vấn đề về bình đẳng giới, sức khỏe sinh sản, hệ lụy của tảo hôn thông qua những hình thức phong phú, như: Tọa đàm, diễn đàn, xem phim, sinh hoạt văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao, phát tờ rơi...

Thượng tá Rơ Mah Tuân, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai cho biết, với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo thực hiện đề án của tỉnh Gia Lai, Đảng ủy, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng đã tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh triển khai toàn diện, hiệu quả công tác PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới. Các mô hình: "Tủ sách pháp luật", "Tiếng loa biên phòng", "Câu lạc bộ tư vấn pháp lý", "Tổ hòa giải", "Ngày pháp luật", các tổ tự quản, câu lạc bộ tự quản... được triển khai rộng rãi; phát huy được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, cơ quan chức năng, đội ngũ già làng, trưởng thôn, chức sắc, chức việc tôn giáo, người có uy tín trong PBGDPL ở vùng biên giới.

Qua đó, không chỉ góp phần làm giảm tình trạng tảo hôn mà ý thức, kỹ năng sống và làm việc theo pháp luật của cán bộ, nhân dân khu vực biên giới cũng được nâng lên. Các hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ, an ninh biên giới, an ninh nông thôn được duy trì ổn định.

Tìm hiểu tại tỉnh Bình Định, chúng tôi ghi nhận dư luận đánh giá tích cực về vai trò của Bộ đội Biên phòng trong triển khai thực hiện đề án. Anh Trần Thanh Thật và những người từng vi phạm quy định đánh bắt hải sản trên biển cho rằng, nếu cơ quan chức năng, Bộ đội Biên phòng có các hình thức PBGDPL phong phú, hấp dẫn, cùng với sự giám sát chặt chẽ như hiện nay thì họ đã không vi phạm.

Theo khảo sát của chúng tôi, người dân khu vực biên giới biển hào hứng và tiếp thu được nhiều kiến thức pháp luật thông qua các cuộc triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam-Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”; các đợt chiếu phim lưu động; chương trình “Điểm sáng văn hóa biên phòng”, “Chuyến xe tri thức”; các hoạt động sinh hoạt văn hóa, lễ hội trong cộng đồng dân cư, thiết chế văn hóa, câu lạc bộ, thực hiện hương ước, quy ước, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật lưu động... do Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng tổ chức thực hiện.

 

Theo: qdnd.vn