Theo hãng tin Kyodo (Nhật Bản), Trung Quốc đã nói với một số nhà ngoại giao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) rằng, Bắc Kinh có thể rút khỏi Công ước Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) 1982 nếu phán quyết tới của tòa án quốc tế đối với vụ kiện trọng tài của Philippines đi ngược lại với lập trường của họ.
Trung Quốc định "lờ" phán quyết của tòa trong vụ kiện Biển Đông
Kyodo cho hay, những gì Trung Quốc quan tâm nhất trong vụ kiện trọng tài do Philippines khởi xướng (thường được gọi là vụ kiện Biển Đông, hay vụ kiện "đường 9 đoạn") là phán quyết của tòa đối với việc áp dụng cái gọi là “đường 9 đoạn” mà Bắc Kinh “vin” vào để đòi hỏi chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông.
Philippines, nước phản ứng gay gắt nhất các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông trong tất cả các bên tranh chấp, đã nộp đơn kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai UNCLOS 1982 ở Biển Đông lên Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Haye (Hà Lan) vào năm 2013. Trong số các đề nghị của Manila với tòa, có đề nghị tòa tuyên bố yêu sách “đường 9 đoạn” của Bắc Kinh là bất hợp pháp và vô giá trị.
Trung Quốc cho rằng, kết quả tồi tệ nhất từ tòa án trọng tài được thành lập theo UNCLOS 1982 là việc tòa sẽ bác tuyên bố về “quyền lợi lịch sử” của Bắc Kinh trên Biển Đông do chúng không dựa theo luật pháp quốc tế, đồng thời vô hiệu hóa “đường 9 đoạn”.
Bắc Kinh đã “đánh tiếng” với một số nhà ngoại giao của ASEAN rằng nước này sẽ không loại trừ việc rút khỏi UNCLOS 1982 nếu điều đó xảy ra.
Điều Trung Quốc lo sợ cũng trùng hợp với các dự đoán của giới quan sát. Nhiều chuyên gia tin rằng, phán quyết dự kiến sẽ có trong vài tuần tới từ tòa án sẽ bất lợi cho Bắc Kinh.
Trong khi đó, dù là một thành viên của UNCLOS 1982 từ năm 1996, nhưng Trung Quốc luôn khăng khăng sẽ không chấp nhận và không tôn trọng phán quyết của tòa.
Bắc Kinh chỉ trích Philippines đơn phương kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế và phá vỡ các thỏa thuận trước đây giữa hai nước nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ thông qua đàm phán song phương. Đồng thời, Bắc Kinh cũng đã khẳng định rằng tòa án trọng tài được thành lập theo UNCLOS 1982 không có thẩm quyền xét xử vụ kiện của Philippines.
Tuy nhiên, hành động của Philippines đã được nhiều quốc gia trên thế giới ủng hộ, trong đó có Mỹ và Nhật Bản. Cộng đồng quốc tế nhìn chung đều xem nỗ lực của Manila là một bước tiến tới giải quyết các bất đồng và giảm bớt căng thẳng một cách hòa bình thông qua luật pháp quốc tế, đồng thời khẳng định dù không đứng về phía nào trong tranh chấp, nhưng họ phản đối bất kỳ nỗ lực nào phá hoại trật tự dựa trên quy tắc ở khu vực.
Làn sóng quốc tế thúc ép Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp quốc tế, tuân thủ phán quyết của tòa án trong vụ kiện của Philippines khiến Bắc Kinh rất hậm hực. Trung Quốc đã kêu gọi các quốc gia bên ngoài không can thiệp vào tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, thậm chí còn nói Mỹ "không có quyền nói về vụ kiện của tòa trọng tài" vì Washington không tham gia ký UNCLOS. Bắc Kinh cáo buộc Mỹ cùng các đồng minh trong khu vực đang tìm cách "kiềm chế tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh" trong luật pháp quốc tế.
Nhiều tháng trước khi tòa trọng tài ra phán quyết, Trung Quốc đã liên tục rêu rao rằng nước này hiện nhận được sự ủng hộ từ gần 60 nước đối với lập trường của họ trong vụ kiện của Philippines, cũng như các tranh chấp Biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh rất “nhập nhằng”, không biết rõ cụ thể đó là những nước nào.
Theo tờ Thời báo Phố Wall (WSJ) của Mỹ, cho tới nay, chỉ 8 quốc gia công khai đứng về phía Trung Quốc trong vụ này, gồm Afghanistan và Lesotho (châu Phi) là hai nước không tiếp giáp biển. Các nước khác trong danh sách gồm: Gambia, Kenya, Niger, Sudan, Togo, Vanuatu ở tận châu Phi.
Kyodo bình luận, mặc dù phán quyết của tòa trọng tài không có cơ chế thực thi, nhưng việc Trung Quốc chối bỏ trách nhiệm thực thi phán quyết của tòa án trọng tài sẽ phá hỏng hình ảnh quốc tế của họ.