Site banner

Phản bác luận điệu ngụy biện của Trung Quốc

Giới chuyên gia vạch rõ việc Trung Quốc lợi dụng một thỏa thuận với UNESCO để phục vụ những toan tính của mình trên Biển Đông.

Trung Quốc đang xây đường băng phi pháp trên phần đất mới được bồi đắp ở đá Chữ Thập  - Ảnh: Bloomberg

Sau một thời gian âm thầm tiến hành xây dựng, bồi đắp phi pháp tại nhiều bãi, đá thuộc quần đảo Trường Sa của VN, Trung Quốc gần đây liên tục đưa ra nhiều tuyên bố để biện minh, đáp trả những phản đối và lo ngại của dư luận thế giới.

Tuy nhiên, tất cả đều là luận điệu ngụy biện và nhanh chóng bị nhiều bên phản bác, chẳng hạn như tuyên bố của Trung Quốc cho rằng Việt Nam "đã mở rộng, bồi đắp lấn biển quy mô lớn" tại các đảo, đá mà theo nước này, Việt Nam "chiếm giữ" ở Biển Đông. Phản ứng về việc này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Hải Bình khẳng định: "Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về luật Biển năm 1982. Những hoạt động tôn tạo, mở rộng đảo, đá mà Trung Quốc đang tiến hành đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, gây lo ngại sâu sắc trong cộng đồng quốc tế, trong đó có ASEAN".
"Nghĩa vụ quốc tế" ?
Mới đây nhất, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh tiếp tục biện minh: "Các hoạt động xây dựng của Trung Quốc là một phần nghĩa vụ quốc tế mà chúng tôi, với tư cách là một nước lớn, phải thực thi. Trong đó bao gồm thỏa thuận đạt được với UNESCO tại Paris vào năm 1987". Theo bà Hoa, Trung Quốc được UNESCO ủy quyền xây 5 trạm quan sát mực nước biển, bao gồm một trạm tại Trường Sa.

Các dữ liệu lịch sử cho thấy, trong một hội thảo thường niên vào tháng 3.1987, UNESCO quả thực có đề nghị Trung Quốc thiết lập các trạm quan sát hải dương. Tuy nhiên, chuyên gia Michael Studeman đã nhận định trong một bài phân tích cho Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ: "LHQ đã không tiên liệu được việc Trung Quốc lợi dụng danh nghĩa khảo sát hải dương để lấn tới trong việc khẳng định cái gọi là chủ quyền của nước này. Cuối năm 1987 và đầu năm 1988, Trung Quốc đã mượn danh nghĩa khảo sát khoa học để tăng cường hiện diện hải quân tại các đảo thuộc Trường Sa. Việc nhân danh được UNESCO ủy quyền đã tạo ra một cái cớ vô cùng thuận lợi cho Bắc Kinh tăng cường lực lượng hải quân. Đỉnh điểm của mưu đồ này xảy ra vào tháng 3 và tháng 4.1988, khi Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma (của Việt Nam - NV)".

Đồng quan điểm, Giáo sư Stein Tønnesson (Đại học Uppsala, Thụy Điển) nhận định với Thanh Niên: "Vào thời điểm 1987 - 1988, Trung Quốc đã lợi dụng thỏa thuận UNESCO như một đòn hiểm để tăng cường hiện diện quân sự tại Trường Sa. Và cho tới giờ, họ vẫn tiếp tục sử dụng chiêu bài ấy".

Các chuyên gia cho rằng nếu thực sự nhân danh "nghĩa vụ quốc tế", Trung Quốc cần trưng ra bằng chứng và giải thích tường tận các hoạt động của mình. Bà Tôn Vân, chuyên gia thuộc Trung tâm phản biện chính sách Stimson (Mỹ), nói: "Có hàng loạt câu hỏi cần trả lời. Ví dụ như: Vì sao Trung Quốc không hoàn tất "nghĩa vụ quốc tế" đó cho tới mãi gần đây, khi Biển Đông bắt đầu dậy sóng vì xung đột? Đâu là các chi tiết kỹ thuật xác tín cho thấy các hoạt động hiện nay của Trung Quốc là đang thực hiện "nghĩa vụ quốc tế", ngoài những lời tuyên bố suông?". Theo Giáo sư Carl Thayer (Úc), lịch sử đã chứng minh Trung Quốc không ít lần có hành động đi ngược lại những tuyên bố hùng hồn về "hòa bình, ổn định" tại Biển Đông.

"Mối đe dọa lớn nhất"

Hiện nay, giới quan sát có cùng nhận định là các cơ sở phi pháp của Trung Quốc tại Trường Sa hoàn toàn có mục đích quân sự và nhằm tạo nền tảng để tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ).
Tờ The Philippine Star dẫn lời chuyên gia Richard Javad Heydarian tại Đại học De La Salle (Philippines) cho rằng hoạt động cải tạo, xây dựng phi pháp của Trung Quốc ở Trường Sa có thể nhằm dựng lên "khung xương" cho ADIZ. Lo ngại này không phải là không có cơ sở khi cuối tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cảnh báo, với việc Trung Quốc gần đây liên tục xua đuổi máy bay Philippines tại khu vực Trường Sa, nước này đang hành động như thể đã thiết lập ADIZ ở Biển Đông.
Trước các diễn biến trên, Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Cesar Garcia khẳng định những gì đang diễn ra ở Biển Đông là mối đe dọa an ninh lớn nhất đối với nước này hiện nay, theo tờ The Manila Times.

 

Nhật Bản, EU sẽ cảnh báo về Biển Đông, Hoa Đông

Tờ The Japan Times ngày 10.5 đưa tin Nhật Bản và EU sẽ cùng cảnh báo về các hành động gây bất ổn liên tục của Trung Quốc thời gian qua tại Biển Đông cũng như tình hình an ninh trên biển Hoa Đông.

Tờ báo cho biết đã thu thập được dự thảo thông cáo chung cho Hội nghị Thượng đỉnh Nhật - EU sẽ diễn ra tại Tokyo vào ngày 29.5.

Trong dự thảo viết: "Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết phải kiềm chế những hành động đơn phương, bao gồm sử dụng vũ lực và cưỡng bách, có thể gây thêm căng thẳng ở biển Hoa Đông và Biển Đông".

Thông cáo chung của các kỳ thượng đỉnh trước chưa bao giờ đề cập địa điểm cụ thể mà chỉ nêu quan ngại chung về tình hình an ninh biển khu vực. Vì thế, The Japan Times nhận định nếu nội dung trên được giữ trong thông cáo chính thức thì đây sẽ là bước tiến mới của dư luận quốc tế trong việc nêu quan ngại về những hành động của Trung Quốc.

Nguồn vietnam.vn