Kỳ 3: Diễn biến tình hình Biển Đông thời gian gần đây
Sau khi chính thức lưu hành bản đồ vẽ “đường lưỡi bò” tại Liên hợp quốc tháng 5/2009, Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động xâm lấn tại Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với 02 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác lập theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
- Tháng 5/2011, tàu ngư chính của Trung Quốc cắt cáp của tàu Bình Minh 02 của Việt Nam ở lô 148, 149 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa 200 hải lý miền Trung Việt Nam; tháng 6/2011, tàu cá Trung Quốc dưới sự yểm trợ của tàu ngư chính phá cáp của tàu Viking II của ta ở khu vực lô 135-136, nằm trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa 200 hải lý phía Nam Việt Nam (Xem hình số 3).
- Từ tháng 5/2012, Trung Quốc phát hành hộ chiếu phổ thông điện tử cho công dân Trung Quốc, trong đó có in hình “đường lưỡi bò”. Việc làm này của Trung Quốc không có ý nghĩa về mặt pháp lý vì bản thân “đường lưỡi bò” hoàn toàn không có cơ sở pháp lý; việc in yêu sách về chủ quyền lãnh thổ trong quyển hộ chiếu không có giá trị về khẳng định chủ quyền; việc các nước đóng dấu xuất nhập cảnh cho công dân Trung Quốc vào quyển hộ chiếu đó cũng không có ý nghĩa là sự thừa nhận về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.
Nhiều nước đã có phản ứng đối với việc Trung Quốc cho in hình “đường lưỡi bò” trong hộ chiếu:
- Phi-líp-pin đã gửi công hàm phản đối Trung Quốc. Trong công hàm gửi Đại sứ quán Trung Quốc ở Ma-ni-la, Phi-líp-pin phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc đưa bản đồ khẳng định chủ quyền vào hộ chiếu mới. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phi-líp-pin Raul S. Hernandez tuyên bố Phi-líp-pin phản đối mạnh mã việc Trung Quốc đưa “đường lưỡi bò” vào hộ chiếu điện tử (ngày 22/11/2012).
- Ngoại trưởng In-đô-nê-xi-a Marty Natalegawa nói rằng “việc Trung Quốc cố tìm kiếm sự công nhận gián tiếp các vùng lãnh thổ tranh chấp với các bên liên quan thông qua chính sách hộ chiếu là không bình thường và sẽ không đạt được mục đích, thậm chí còn gây tranh chấp. Những tranh chấp này cần được giải quyết thông qua đối thoại”; “biện pháp của Trung Quốc sẽ không đạt được mục đích, nếu thực sự mục đích của nó là tìm kiếm sự công nhận, khi mà vấn đề cuối cùng chỉ có thể được giải quyết thông qua đàm phán” (ngày 26/11/2012). Ngày 23/3/2015, Tổng thống In-đô-nê-xi-a Joko Widodo trả lời phỏng vấn báo chí khẳng định “đường lưỡi bò” của Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.
- Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ quan ngại về bản đồ đang gây căng thẳng và quan ngại cho các nước Đông Nam Á: Mỹ quan ngại vấn đề “đường lưỡi bò” được in trên hộ chiếu của Trung Quốc sẽ gây ra căng thẳng và lo ngại giữa các nước ở khu vực Biển Đông. Mỹ sẽ trao đổi với Trung Quốc về vấn đề này dưới góc độ đây là vấn đề bị một số nước coi là hành động “khiêu khích” và gây phản ứng tiêu cực đối với tình hình vực chứ không phải về góc độ kỹ thuật của các hộ chiếu này (ngày 27/11/2012)
- Ngày 21/6/2012, Trung Quốc ngang nhiên công bố thành lập cái gọi là “Thành phố Tam Sa” bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và quần đảo Trung Sa với diện tích vùng biển trên 2 triệu km2, cơ bản như yêu sách “đường lưỡi bò”; đặt cơ quan hành chính ở đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa. Sau đó, Trung Quốc triển khai nhiều hoạt động củng cố cơ quan lập pháp, hành pháp, quân đội và xây dựng cơ sở hạ tầng ở “Tam Sa” như: thành lập “Cơ quan chỉ huy quân sự” trên đảo Phú Lâm; tổ chức bầu 45 đại biểu của “Hội đồng nhân dân Tam Sa”; bầu “thị trưởng”; triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng; kéo cờ trong lễ Quốc khánh Trung Quốc, tổ chức lễ kỷ niệm 100 ngày thành lập “Tam Sa”; thành lập “Tòa án Tam Sa” v.v…
Các hoạt động nói trên xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vi phạm những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình trên Biển Đông.
Ngày 04/7/2012, Chính phủ Phi-líp-pin cũng đã gửi công hàm của Bộ Ngoại giao Phi-líp-pin phản đối việc Trung Quốc thành lập “thành phố Tam Sa”. Ngày 03/8/2012, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra Tuyên bố phản đối việc Trung Quốc thành lập “thành phố Tam Sa” và thực hiện quân sự hóa “Tam Sa”. Nhiều học giả và nhà nghiên cứu trên thế giới cũng lên án hành động này của Trung Quốc.
- Ngày 23/6/2012, Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã công bố mời thầu quốc tế 09 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (Xem hình số 4)
09 lô dầu khí mà Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc công bố mời thầu quốc tế chồng lên các lô từ 128 đến 132 và từ 145 đến 156 của Việt Nam, có chỗ chỉ cách bờ biển Việt Nam 57 hải lý; trong khi đó, nơi gần nhất cách bờ biển đảo Hải Nam, Trung Quốc trên 300 hải lý, nơi xa nhất cách bờ biển đảo Hải Nam trên 600 hải lý. Theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Luật Biển Việt Nam, khu vực này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trung Quốc không có cơ sở pháp lý nào để coi vùng này “thuộc quyền tài phán Trung Quốc”. Đây hoàn toàn không phải là khu vực có tranh chấp.
Dư luận quốc tế hết sức bất bình trước việc làm bất chấp luật pháp quốc tế của Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc. Chính phủ nhiều nước như Mỹ, Nga v.v… đã cảnh báo các công ty dầu khí của mình tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982, không tham gia vào hành vi sai trái nói trên của phía Trung Quốc, không hợp tác với Trung Quốc dưới bất cứ hình thức nào ở khu vực 09 lô dầu khí nêu trên. Các tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới đều khẳng định không hưởng ứng lời mời thầu của phía Trung Quốc. Cho đến nay chưa có bất kỳ công ty dầu khí nào tỏ ý muốn tham gia lời mời thầu bất hợp pháp này.
- Ngày 01/5/2014, Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) và một số lượng lớn tàu hộ tống vào hoạt động tại khu vực có tọa độ 15o29’58” vĩ Bắc - 111o12’06” kinh Đông, cách đất liền Việt Nam khoảng 132 hải lý, cách đảo Lý Sơn khoảng 119 hải lý và cách phía Nam đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa 17 hải lý, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam hơn 89 hải lý. Ngày 27/5/2014, Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 đến vị trí mới có tọa độ 15o33’38” vĩ Bắc - 111o34’62” kinh Đông, nằm sâu 60 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Cùng với giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc đã triển khai nhiều tàu hộ tống các loại, có lúc lên tới 140 tàu vào hoạt động bất hợp pháp trên vùng biển của Việt Nam, trong đó ó nhiều tàu quân sự (tàu hộ vệ tên lửa, tàu tuần tiễu tấn công nhanh, tàu săn ngầm, tàu đổ bộ) và nhiều máy bay chiến đấu. Các tàu của Trung Quốc đã tiến hành vây hãm, chủ động đâm húc và phun vòi rồng công suất cao vào các tàu dân sự của Việt Nam đang thực thi pháp luật trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; gây hư hỏng nhiều tàu, thiết bị của các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, ngày 26/5/2014, tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá số hiệu Đna 90152 của Việt Nam đang đánh bắt bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam khiến 10 ngư dân ta rơi xuống biển. Ngày 01/6/2014, tàu Trung Quốc đâm thủng tàu CSB 2016 của lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam đang làm nhiệm vụ trên vùng biển của Việt Nam. Ngày 23/6/2014, tàu KN 951 đang hoạt động tại lô dầu khí 143 của ta, cách giàn khoan Hải Dương 981 11,5 hải lý về phía Tây Nam cùng lúc bị 5 tàu Trung Quốc vây ép, ngăn cản và bị 02 tàu Trung Quốc đâm khiến mạn phải và mạn trái tàu bị bóp méo, biến dạng hoàn toàn, một số thiết bị hư hỏng. Tổng cộng, hơn chục tàu Trung Quốc đâm húc hư hại khá nặng, nhiều cán bộ kiểm ngư của ta đã bị thương.
Hành động của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002, thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2011 cũng như các thỏa thuận cấp cao khác giữa hai nước; xâm phạm trắng trợn quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai Đảng, Nhà nước và tình cảm nhân dân Việt Nam. Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển Việt Nam khiến tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng, đe dọa đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
Việc Trung Quốc đơn phương đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo cộng đồng quốc tế. Các nước bày tỏ lo ngại tình hình căng thẳng ở Biển Đông, kêu gọi các bên giải quyết mọi bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Một số nước như Mỹ, Nhật Bản có phát biểu mạnh mẽ, lên án hành động của Trung Quốc. Vấn đề Biển Đông cũng được trao đổi tại nhiều hội nghị quốc tế và khu vực. Tuyên bố về Biển Đông của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tháng 5/2014 và Tuyên bố của Hội nghị Cấp cao ASEAN-24 tại Mi-an-ma đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những diễn biến căng thẳng ở Biển Đông. Liên hiệp quốc, Lãnh đạo Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7), Tổng Thư ký NATO, Cao ủy EU về An ninh và Đối ngoại v.v… đều bày tỏ lo ngại về tình hình Biển Đông.
Trước các biện pháp đấu tranh của Việt Nam và Phản ứng cộng đồng quốc tế, ngày 15/7/2014, Trung Quốc đã rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam trước thời hạn 1 tháng so với dự định trước đó.
- Từ đầu năm 2014, Trung Quốc đồng loạt đẩy mạnh các hoạt động lấn biển, mở rộng diện tích các vị trí chiếm đóng, xây dựng và phát triển hạ tầng ở Biển Đông với quy mô, tính chất ngày càng nghiêm trọng.
- Tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc đã: (i) huy động nhiều tàu trọng tải lớn chở vật iệu ra đảo Phú Lâm (nơi đặt trụ sở cái gọi là “thành phố Tam Sa”) để đẩy nhanh việc xây dựng các công trình trọng điểm trên đảo (cải tạo, nối thông 02 âu tàu nhỏ thành một âu tàu lớn; kéo dài đường băng cho phép một số máy bay phản lực cỡ lớn cất hạ cánh; san lấp, mở rộng mặt bằng trên quy mô lớn); (ii) đẩy mạnh các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, nạo vét, mở rộng luồng lạch giữa các đảo; (iii) hoàn thành khảo sát, đo đạc thực địa tại 5 đảo, đá (gồm đảo Duy Mộng, đá Bắc, đá Hải Sâm, Cồn Cát Nam và Hòn Tháp) để chọn vị trí xây dựng cột hải đăng.
- Tại quần đảo Trường Sa, Trung Quốc duy trì khoảng 30 phương tiện chuyên dụng (tàu công trình, tàu vận tải, tàu kéo, xà lan v.v…) để nạo vét, san lấp mặt bằng, mở rộng diện tích và xây dựng các công trình tại các cấu trúc đang chiếm đóng (Huy Gơ, Gạc Ma, Ga Ven, Chữ Thập, Xu Bi, Châu Viên, Vành Khăn) (Xem hình số 5 và số 6). Đến tháng 3/2015, Trung Quốc đã mở rộng như sau: Huy Cơ mở rộng lên đến 10 ha; Gạc Ma lên tới 14 ha; Ga Ven mở rộng lên đến 15 ha; Châu Viên lên tới 24 ha; Vành Khăn lên tới 40,2 ha; Xu Bi mở rộng lên tới 122 ha. Đặc biệt, tại đá Chữ Thập, ngay sau khi hội nghị AMM 47 (từ ngày 08 - 09/8/2014) vừa kết thúc, Trung Quốc đã điều một số tàu công trình và 01 tàu bảo vệ đến tiến hành nạo vét, san lấp mặt bằng tại khu vực này. Đến tháng 03/2015, Trung Quốc đã nâng tổng diện tích đá Chữ Thập lên khoảng 231 ha.
Phi-líp-pin và Mỹ phản đối mạnh mẽ hành vi thay đổi nguyên trạng của Trung Quốc, đưa ra đề xuất trong đó yêu cầu các bên tạm ngưng tất cả các hoạt động làm leo thang căng thẳng, đe dọa đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Ngày 03/12/2014, Hạ viện Mỹ thông qua Nghị quyết 714 về Biển Đông, trong đó phê phán “các hoạt động làm thay đổi nguyên trạng hoặc làm mất ổn định khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”. Các nước ASEAN tỏ quan ngại về các hành động bồi đắp, tôn tạo ở Biển Đông, đề nghị các bên liên quan thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm đạt được COC. Nhật Bản yêu cầu không được làm thay đổi nguyên trạng, bồi đắp các đảo, đá; nhấn mạnh nguyên tắc thực hiện kiềm chế, không làm phức tạp hoặc gia tăng căng thẳng ở khu vực như quy định tại Điều 5 của DOC.
Việc Trung Quốc công khai tiến hành các hoạt động tôn tạo, lấn biển quy mô lớn ở Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp phản đối và quan ngại của các nước là hành động vô cùng nghiêm trọng, xâm phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trái với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002, phá vỡ nguyên trạng ở Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.