Kỳ 7: Bác bỏ các lập luận phi lý của Trung Quốc và Đài Loan về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam
Các lập luận lâu nay của Trung Quốc về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là vô căn cứ và không có giá trị.
- Cách giải thích của Trung Quốc rằng “Trung Quốc là quốc gia đầu tiên phát hiện, đặt tên, khai thác, phát triển và thực thi quyền tài phán đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” là hoàn toàn không có căn cứ khoa học và trái với các quy định của pháp luật quốc tế. Trước hết, theo luật pháp quốc tế về thụ đắc lãnh thổ, “phát hiện” và “đặt tên” không mang lại danh nghĩa chủ quyền của quốc gia đối với một vùng lãnh thổ. Một quốc gia chỉ được coi là có chủ quyền với một vùng lãnh thổ khi quốc gia đó đã chiếm hữu và thực thi quản lý, khai thác lãnh thổ đó với tư cách Nhà nước một cách thực sự, liên tục và hòa bình. Tuy nhiên, Trung Quốc hoàn toàn không có các bằng chứng để chứng minh các hoạt động này của mình trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trái lại, sử sách các đời Tống, Nguyên, Minh, Thanh đều khẳng định cương vực của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam; các bản đồ của Trung Quốc cho đến tận đời nhà Thanh cũng chỉ vẽ điểm cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, chứ không gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc thường viện dẫn việc Đô đốc Lý Chuẩn đổ bộ chớp nhoáng lên quần đảo Hoàng Sa năm 1909 để chứng minh cho cái gọi là “chủ quyền của Trung Quốc”, nhưng khi đó các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được các Nhà nước Việt Nam quản lý, khai thác từ hàng trăm năm trước.
- Việc Trung Quốc cho rằng “chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa đã được sự công nhận rộng rãi của cộng đồng quốc tế” là hoàn toàn bịa đặt. Bản đồ, sách cổ của các nước trên thế giới không thể hiện hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Quốc mà chỉ vẽ điểm cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam. Các hội nghị quốc tế chưa bao giờ công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Hội nghị Cai-rô diễn ra ngày 26 tháng 11 năm 1943 đã ra tuyên bố Cai-rô (Cairo Communiqué) nói rõ mục tiêu loại bỏ Nhật Bản ra khỏi tất cả các quần đảo ở Thái Bình Dương mà Nhật bản đã chiếm đóng từ Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất năm 1914 và tất cả các lãnh thổ Nhật Bản đã chiếm của Trung Quốc như Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ, sẽ được trả lại cho Trung Quốc. Tưởng Giới Thạch, đại diện cho Trung Quốc có mặt tại Hội nghị không hề đề cập đến 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hội nghị Pốt-đam diễn ra từ ngày 17 tháng 7 đến ngày 02 tháng 8 năm 1945 đã ra Tuyên ngôn Pốt-đam tái khẳng định những nội dung của Tuyên bố Cai-rô. Đại diện của Trung Quốc, Tưởng Giới Thạch có mặt tại Hội nghị cũng không hề nhắc đến 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tại hội nghị Xan-Phranxixcô tháng 9 năm 1951, Trưởng đoàn Liên Xô Andrei A.Gromyko đã phát biểu thay mặt Trung Quốc đưa ra đề nghị gồm 13 khoản, trong đó có khoản liên quan đến việc “Nhật Bản công nhận chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với Hoàng Sa và Trường Sa”. Với 46 phiếu chống, 3 phiếu ủng hộ và 2 phiếu trắng, Hội nghị đã bác bỏ yêu cầu này của phái đoàn Liên Xô. Ngược lại, như đã nói ở trên, chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được Hội nghị Xan-Phranxixcô công nhận khi phát biểu của Trưởng phái đoàn Quốc gia Việt Nam, Thủ tướng Trần Văn Hữu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này đã không gặp bất cứ sự phản đối nào tại Hội nghị (Xem phần B.II.1).
Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 về khôi phục hòa bình ở Đông Dương khẳng định các bên tham gia tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang do lực lượng của Pháp và Quốc gia Việt Nam do vua Bảo Đại đứng đầu quản lý. Trung Quốc là một trong những nước tham gia Hội nghị Quốc tế về Đông Dương tại Giơ-ne-vơ 1954 biết rất rõ điều này và Trung Quốc có trách nhiệm tôn trọng các văn kiện quốc tế của Hội nghị đó.
Điều 1 Hiệp định Pari năm 1973 nói rõ tất cả các nước tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Lúc này quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang do Việt Nam Cộng hòa quản lý và là một bộ phận không thể tách rời của Việt Nam.
- Theo luật pháp quốc tế, việc chiếm đóng bằng vũ lực lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là hành vi bất hợp pháp và không thể là cơ sở đem lại chủ quyền. Với việc sử dụng vũ lực xâm chiếm trái phép toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một số bãi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã vi phạm nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc. Hành động của Trung Quốc sử dụng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa và một số bãi thuộc quần đảo Trường Sa không thể được biện minh là việc thực thi quyền tự vệ chính đáng, bởi tại các thời điểm này, Việt Nam đang chiếm hữu và quản lý một cách hòa bình hai quần đảo này. Hành vi này của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Hiến chương Liên hợp quốc về không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
- Việt Nam cũng như Pháp chưa bao giờ công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc đã cố tình xuyên tạc và diễn giải sai lịch sử khi viện dẫn Công thư năm 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và một số tài liệu, ấn phẩm được xuất bản ở Việt Nam trước năm 1975 để củng cố yêu sách của Trung Quốc đối với hai quần đảo này. Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng hoàn toàn không nhắc gì đến chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; nội dung Công thư chỉ bày tỏ sự ủng hộ đối với Tuyên bố lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc. Về ý kiến của Thủ tướng kiêm ngoại trưởng Pháp năm 1921, đây chỉ là trao đổi nội bộ giữa các cơ quan của Pháp và những ý kiến này chưa bao giờ trở thành quan điểm chính thức được thông báo cho Trung Quốc. Trong thời kỳ thực dân, Pháp đã thay mặt Việt Nam thực thi chủ quyền một cách hữu hiệu đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Pháp chưa bao giờ thừa nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này
Bác bỏ lập luận của các nước khác về chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam
- Phi-líp-pin: Phi-líp-pin đưa ra 02 lập luận để yêu sách chủ quyền đối với các đảo, bãi ở quần đảo Trường Sa là “do người Phi-líp-pin khám phá mảnh đất vô chủ” và “sự kế cận về địa lý”. Các lập luận này không đúng. Trước hết, hành động khám phá một mảnh đất của người Phi-líp-pin chỉ là hành động tự phát của cá nhân, không đại diện cho Chính phủ Phi-líp-pin và không thừa theo quyền hành của Chính phủ Phi-líp-pin, và do đó không có giá trị. Hơn nữa, khi người Phi-líp-pin ra quần đảo Trường Sa thì quần đảo này không còn là mảnh đất vô chủ nữa mà đã thuộc về Việt Nam. Lập luận về “kế cận địa lý” cũng không vững chắc vì theo luật pháp quốc tế đây không phải là tiêu chí thụ đắc lãnh thổ.
- Ma-lai-xi-a: Về cơ bản, yêu sách với các đảo, bãi của Ma-lai-xi-a ở quần đảo Trường Sa dựa trên lập luận về nguyên tắc thềm lục địa, song, lập luận này không đúng vì nguyên tắc thềm lục địa không bao gồm việc thụ đắc lãnh thổ đối với đảo và trên thực tế, về mặt địa lý thì thềm lục địa của Mai-lai-xi-a bị máng biển Borneo-Palawan làm gián đoạn và ngăn cách với quần đảo Trường Sa nên không đáp ứng tiêu chí về “sự kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền” theo Điều 76 Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Hơn nữa, Ma-lai-xi-a chiếm đóng các đảo, bãi trên quần đảo Trường Sa khi quần đảo này đã thuộc về Việt Nam.
- Bru-nây: Tương tự như Ma-lai-xi-a, yêu sách của Bru-nây dựa trên luận điểm về học thuyết thềm lục địa nhưng luận điểm này không đúng vì nguyên tắc thềm lục địa không phải là căn cứ để xác định chủ quyền lãnh thổ. Đồng thời, máng biển Đông Palawan cũng phá vỡ “sự kéo dài tự nhiên” của thểm lục địa Bru-nây, và do đó luận điểm thềm lục địa của nước này không phù hợp với Điều 76 Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.