Site banner

Tài liệu định hướng công tác tuyên huấn về Biển đảo - Kỳ 8

Kỳ 8: Hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam

Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đề ra nhiều chủ trương chính sách đối với biển, đảo. Chính phủ quan tâm chỉ đạo sát sao các Bộ, ngành và địa phương triển khai nhiều biện pháp cụ thể quyết tâm giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, bảo vệ các lợi ích biển đảo của đất nước:

  1. Nhà nước ban hành chính sách và củng cố hệ thống pháp luật về biển

Năm 1992, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết về kinh tế biển. Năm 2007, Hội nghị Trung ương 4 khóa X đã thông qua Chiến lược biển tới 2020; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết triển khai Chiến lược biển Việt Nam.

Nhà nước ta xây dựng và từng bước củng cố hệ thống văn bản pháp luật về biển: năm 1977, Chính phủ ra Tuyên bố về đường cơ sở; năm 1994, Quốc hội phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biên giới quốc gia; năm 2012, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII (ngày 21 tháng 6 năm 2012) đã thông qua Luật Biển Việt Nam. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển của mình theo quy của luật pháp quốc tế.

Ta cũng đang tích cực tìm kiếm, sưu tầm các tài liệu, chứng cứ pháp lý lịch sử khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Về mặt quốc tế, tháng 5 năm 2009 ta đã hoàn thành và trình lên Liên hợp quốc Báo cáo quốc gia của Việt Nam (Xem hình số 12) và Báo cáo chung với Ma-lai-xi-a về ranh giới ngoài thềm lục địa (xem hình số 13). Việc xây dựng Báo cáo quốc gia xác định Ranh giới ngoài của thềm lục địa Việt Nam đã được tiến hành khẩn trương dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trên cơ sở khoa học và theo đúng quy định của Công ước Luật biển 1982.

  1. Bảo vệ và phát triển cơ sở hạ tầng tại các bãi, đảo Việt Nam quản lý tại Trường Sa

Ta đã bảo vệ vững chắc các đảo, bãi thuộc quần đảo Trường Sa. Hiện nay ta đang quản lý 21 đảo, bãi với 33 điểm đóng quân. Chính phủ đã chú trọng công tác xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, vật chất như bến cảng, điện, đèn biển, hệ thống thông tin, phủ sóng phát thanh, truyền hình, điện thoại v.v… nhằm nâng cao điều kiện sinh hoạt cho cán bộ chiến sỹ làm nhiệm vụ và nhân dân sinh sống trên đảo; đồng thời hỗ trợ như dân ra đánh bắt ở vùng biển Trường Sa (Xem hình số 14)

  1. Giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển Việt Nam

Ta đã duy trì hệ thống các giàn khoan DK trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam để hỗ trợ cho hoạt động quản lý vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Các hoạt động dầu khí, đánh bắt hải sản và các hoạt động kinh tế khác của ta vẫn đang được triển khai bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam và các vùng biển khác do ta quản lý. Các tập đoàn dầu khí lớn của Nga, Mỹ, Ca-na-đa, Úc, Ấn Độ, Nhật, Hàn Quốc… tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác với ta trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam (Xem hình số 15)

  1. Từng bước giải quyết tranh chấp trên biển với các nước láng giềng

Ta đã đàm phán với các nước láng giềng để từng bước giải quyết các vấn đề tồn tại trên biển như: ký Hiệp định phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với Thái Lan năm 1997; ký Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc năm 2000; ký Hiệp định phân định thềm lục địa với In-đô-nê-xia năm 2003. Ngoài ra, năm 1982, ta và Căm-pu-chia đã ký Hiệp định về vùng nước lịch sử; năm 1992, ta và Ma-lai-xia đã ký Thỏa thuận về xác định khu vực thăm dò và khai thác chung dầu khí (MOU 1992), theo đó hai bên tiến hành các hoạt động thăm dò, khai thác chung dầu khí tại vùng chồng lấn thềm lục địa giữa hai nước.

Tháng 10 năm 2011, ta đã ký với Trung Quốc “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển”, trong đó xác định giải quyết tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển năm 1982; những tranh chấp liên quan đến hai nước thì giải quyết song phương, những vấn đề liên quan. Đây là những nội dung hết sức quan trọng tạo cơ sở cho việc bàn bạc giải quyết vấn đề trên biển giữa ta với Trung Quốc và các bên liên quan. Thực hiện Thỏa thuận nêu trên cũng như các thỏa thuận khác của Lãnh đạo cấp cao hai bên, ta và Trung Quốc đã thiết lập 03 cơ chế đàm phán về các vấn đề trên biển, bao gồm: Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ (đến tháng 3 năm 2015 đã tiến hành được 06 vòng đàm phán), Nhóm công tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển (đến tháng 3 năm 2015 đã tổ chức được 06 vòng đàm phán), Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển (đến tháng 3 năm 2015 đã tiến hành được 04 vòng đàm phán).

  1. Kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam
  • Nhà nước Việt Nam trước sau như một khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lập trường này được thể hiện nhất quán trong các văn bản pháp quy về biển đã được ban hành, Nghị quyết của Quốc hội năm 1994 phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 cũng như trong các phát biểu, tuyên bố chính thức khác của Việt Nam.

Đồng thời, ta đã đấu tranh kiên quyết, phù hợp trên thực địa và trên mặt trận ngoại giao trước các vi phạm của các nước đối với chủ quyền biển đảo Việt Nam; chủ động nêu vấn đề Biển Đông trong các cuộc tiếp xúc ở tất cả các cấp với nhiều nước, tại các diễn đàn đa phương như Hội nghị các cấp ASEAN, Diễn đàn an ninh khu vực (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) và các hội nghị quốc tế khác; chủ động xây dựng và lưu hành tại Liên hợp quốc các tài liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bác bỏ và phản đối các hành động sai trái xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam. Các hoạt động ngoại giao kênh học giả được triển khai đa dạng, đồng bộ; các cuộc hội thảo đã thu hút hàng trăm học giả hàng đầu thế giới nghiên cứu về Biển Đông từ các nước.

  • Ngay khi các vụ việc phức tạp nảy sinh trên biển, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam (điển hình là các vụ việc Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 và Vikinh II, phát hành hộ chiếu phổ thông điện tử in hình “đường lưỡi bò”, thành lập “Thành phố Tam Sa”, công bố mời thầu quốc tế 09 lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam v.v…), ta đã kịp thời triển khai các biện pháp đấu tranh kiên quyết với các bên liên quan để bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia Việt Nam ở Biển Đông.

Đáng chú ý là trong vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam (từ 01/5 - 15/7/2014), chúng ta đã có hàng loạt các biện pháp đấu tranh kiên quyết trên các mặt chính trị, ngoại giao, pháp lý, tuyên truyền đối nội, đối ngoại và trên thực địa. Ta đã tiến hành hơn 40 cuộc giao thiệp ngoại giao và trao đổi với Trung Quốc ở các cấp, các ngành khác nhau; 3 lần trao Công hàm phản đối Trung Quốc (các ngày 04/5, 23/5 và 04/6/2014), đồng thời lưu chiểu các Công hàm này tại Liên hợp quốc; 2 lần  lưu hành tại Liên hợp quốc Tài liệu tập trường của Việt Nam về việc (i) Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, và (ii) Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa (các ngày 03/7 và 22/8/2014). Tại các hội nghị, diễn đàn đa phương và trong các cuộc gặp song phương, ta tích cực kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, phê phán việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của ta. Các cơ quan đại diện của ta ở nước ngoài tiếp xúc, trả lời phỏng vấn báo chí đề nghị các nước lên tiếng ủng hộ lập trường của Việt Nam, bác bỏ các luận điệu sai trái của Trung Quốc; kịp thời cung cấp thông tin về vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 cho các cơ quan truyền thông, phóng viên và học giả các nước.

Đối với việc Trung Quốc công khai, ráo riết triển khai các hoạt động xây dựng, lấn biển quy mô lớn tại quần đảo Trường Sa, lập trường của ta là kiên quyết phản đối, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, nghiêm túc thực hiện DOC, chấm dứt ngay việc cải tạo, xây dựng công trình, phá vỡ nguyên trạng tại quần đảo Trường Sa. Lập trường này đã được Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chính phủ khẳng định trước công luận trong và ngoài nước. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần trao công hàm và phát biểu phản đối Trung Quốc. Tại diễn đàn ASEAN (Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 tại Mi-an-ma tháng 8/2014, Hội nghị Cấp cao ASEAN 25, Hội nghị họp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tháng 01/2015), ta đã hợp với các nước ASEAN yêu cầu các bên ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), kể cả Trung Quốc, phải tuân thủ và thực hiện đầy đủ DOC, nhất là Điều 5, không được có những hành vi làm phứ tạp tình hình hay mở rộng tranh chấp.

Về vụ kiện trọng tài Biển Đông của Phi-líp-pin, là một bên có quyền lợi liên quan, ta đã và đang theo dõi sát diễn biến của vụ kiện để có ứng xử phù hợp bảo vệ những lợi ích chính đáng của ta. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao đã gửi phát biểu công khai vào ngày 05/12/2014 và ta đã gữi “Tuyên bố thể hiện quan điểm của Việt Nam đối với vụ kiện” lên Tòa Trọng tài thành lập theo phụ lục VII, Công ước Luật biển năm 1982 để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của Việt Nam.

Bộ Ngoại giao - UB Biên giới Quốc gia