UBND huyện Thạnh Phú vừa triển khai kế hoạch phòng chống thiếu nước, hạn hán và xâm nhập mặn năm 2017.
Mục đích là tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao tính chủ động trong việc phòng chống, ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Tập trung mọi nguồn lực thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn; đảm bảo tốt việc ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân, hạn chế đến mức tấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra do hạn hán, xâm nhập mặn.
Chi cục Thủy lợi tỉnh Bến Tre trong lần kiểm tra thực tế công tác phòng, chống hạn mặn tại Cống Ba Phô thuộc ấp Thạnh Hòa B, thị trấn Thạnh Phú năm 2015
Theo kế hoạch, giải pháp đặt ra về thủy lợi là: Khuyến cáo nhân dân vùng ngọt hóa không sản xuất vụ lúa đông xuân 2016 – 2017; đồng thời, chuyển đổi trồng cây màu khi đảm bảo đủ nước ngọt cung cấp. Thường xuyên kiểm tra hệ thống đê bao, cống điều tiết nước, kịp thời đề xuất Sở NN&PTNT sửa chữa nếu xảy ra hư hỏng đột xuất. Thường xuyên đo độ mặn hàng ngày tại các cống đầu mối; tổ chức nạo vét hệ thống kênh mương nội đồng, khai thông dòng chảy, đấp đập tạm ngăn mặn, trữ ngọt cục bộ. Trong đó, dự kiến sẽ nạo vét 38 tuyến kênh mương nội đồng tại các xã Tân Phong, Hòa Lợi, Mỹ Hưng, An Thuận, Bình Thạnh, An Điền và Mỹ An với tổng chiều dài hơn 53.700m; xây mới 4 cống ngăn mặn tại xã Hòa Lợi. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về tình hình khí tượng thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn để nhân dân biết, chủ động phòng, tránh và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Đối với sản xuất vụ lúa mùa 2016 – 2017 đang trong giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng, khuyến cáo nông dân thường xuyên theo dõi thông tin thời tiết diễn biến độ mặn để chủ động lấy nước vào ruộng. Về thủy sản, thực hiện tốt lịch thời vụ nuôi tôm biển; tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân các khuyến cáo về kết quả quan trắc môi trường giúp nhân dân kịp thời có biện pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn. Với chăn nuôi thú y, thường xuyên theo dõi công tác phòng chhống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cùng lúc với theo dõi tình hình phòng chống thiếu nước và hạn hán, xâm nhập mặn để có biện pháp chăn nuôi an toàn, hiệu quả.
Để triển khai thực hiện tốt kế hoạch hoạch phòng chống thiếu nước, hạn hán và xâm nhập mặn năm 2017, UBND huyện giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành có liên quan và UBND các xã, thị trấn.
Được biết, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nắng hạn, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, mùa khô năm 2015 – 2016, toàn huyện Thạnh Phú bị thiệt hại trên 180 tỷ đồng. Trong đó, các vụ lúa mùa, thu đông, đông xuânbị thiệt hại hơn 5.000 ha trong tổng số hơn 8.000ha xuống giống. Ngoài ra còn có trên 75 ha cây màu, hơn 110ha mía; hơn 1.500ha tôm càng xanh; khoảng 150 tấn nghêu bị thiệt hại. Ảnh hưởng hạn, mặn làm cho đa số người dân trên địa bàn thiếu nước ngọt sinh hoạt, trong đó, có hơn 5.000 hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách thiếu dụng cụ chứa nước ngọt phục vụ sinh hoạt. Huyện cũng đã thực hiện cấp phát, hỗ trợ nhân dân khôi phục sản xuất tổng số tiền hơn 7 tỷ đồng…/.