Các đại biểu dự Hội thảo "Hướng đến những vùng biển mở và tự do tại Châu Á: Hợp tác quốc tế và thượng tôn pháp luật" hôm 29.11.
Cần nỗ lực đa phương
Theo ông Kawamura, vấn đề thượng tôn pháp luật rất quan trọng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông vì lợi ích của các nước, đặc biệt là các nước trong khu vực không phải mang tính chất song phương mà mang tính chất đa phương để giải quyết các tranh chấp này. “Đây là yếu tố nền tảng, là động lực để thúc đẩy hợp tác”, Người phát ngôn BNG Nhật Bản nói.
Cho rằng các xung đột ở Biển Hoa Đông và Biển Đông rất quan trọng và phải có những nỗ lực đa phương để giải quyết vấn đề này, ông Kawamura nhấn mạnh quan điểm nhất quán của Nhật Bản trong việc duy trì và thúc đẩy thượng tôn pháp luật, gồm cả sự tôn trọng phán quyết của Tòa trọng tài Luật Biển LHQ trong vụ kiện của Philippines với Trung Quốc. Người phát ngôn BNG Nhật Bản cũng cho rằng, cần thúc đẩy sự thống nhất và đoàn kết giữa các nước ASEAN. Nhật Bản luôn coi trọng hợp tác quốc tế để giúp ASEAN tăng cường kết nối và hội nhập, xây dựng cộng đồng ASEAN và thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực, thúc đẩy việc thượng tôn pháp luật, dân chủ và ổn định an ninh, hợp tác ở khu vực. Về vấn đề an ninh biển, Nhật đã ủng hộ ASEAN tăng cường năng lực thực thi chấp pháp trên biển, sâu xa cần phải có những cơ chế mở rộng đối thoại với Trung Quốc để lãnh đạo hai bên có thể nỗ lực cải thiện tổng thể mối quan hệ.
Liên quan tới nỗ lực đa phương để thúc đẩy thượng tôn pháp luật trên biển, TS. Hà Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách, Viện Biển Đông cho biết, trong thời gian qua có nhiều đề xuất nâng cao vai trò của luật pháp quốc tế trên biển, song chưa có nhiều đề xuất được triển khai trên thực tế. Tuy nhiên, gần đây có một số dấu hiệu Trung Quốc và các nước trong và ngoài khu vực hướng đến những nội dung thực chất hơn. Ví dụ như Trung Quốc nhất trí thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông COC hay lực lượng chấp pháp của Trung Quốc, Malaysia và Việt Nam lần đầu tiên cùng thảo luận việc hợp tác.
Một trong những đề xuất của TS.Hà Anh Tuấn để tăng cường hợp tác trên biển là thúc đẩy hợp tác nghề cá. “Chúng ta đều biết tranh chấp đánh bắt cá là vấn đề nóng nhất hiện nay. Tôi đề xuất hình thành một khu bảo tồn cá ở Biển Đông, bởi nó thúc đẩy hợp tác, tạo dựng lòng tin giữa các bên và nguồn cá ở Biển Đông hiện đang suy giảm nghiêm trọng, nếu các nước tiếp tục tranh cãi và đánh bắt tùy tiện như hiện nay thì nguồn lợi cá gần như không còn”.
Tân tổng thống Trump sẽ vẫn coi trọng Châu Á - Thái Bình Dương
Theo Người phát ngôn BNG Nhật Bản, hiện nay chúng ta đang chứng kiến những sự thay đổi, bất an trong tình hình khu vực. “Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng trong tình hình này, liên minh Mỹ - Nhật vẫn tiếp tục đóng vai trò cốt lõi trong việc duy trì an ninh, ổn định ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Nhật Bản sẽ làm việc chặt chẽ với phía Mỹ để có thể tiếp tục duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực, ông Kawamura khẳng định. Ông nói rằng còn hơi sớm để xem xét chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donal Trump nhưng ông nhận định, những giá trị của liên minh Mỹ - Nhật ở Châu Á sẽ tiếp tục là hòn đá tảng với an ninh khu vực và Nhật Bản sẽ có những nỗ lực tốt nhất để phối hợp và thúc đẩy hợp tác với phía Mỹ.
Cùng chung quan điểm còn khá sớm để nói về những chính sách của ông Trump với Châu Á, TS. Hà Anh Tuấn cho rằng, đáng chú ý là tuyên bố chính sách của ông khoảng tháng 4 năm nay. Việc hoạch định chính sách của ông Trump phụ thuộc rất nhiều vào những người ông lựa chọn phụ trách chính sách đối ngoại nói chung và chính sách ở Châu Á - Thái Bình Dương nói riêng. Có nhiều phán đoán có thể có một chút điều chỉnh trong chính sách của ông Trump về vấn đề này - TS. Hà Anh Tuấn nói, “nhưng cơ bản ông ấy không thể đảo ngược chính sách Biển Đông của Mỹ”. Học giả này nhận định: “Ông Trump sẽ vẫn tiếp tục coi Châu Á -Thái Bình Dương là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại bởi nó gắn chặt với nền kinh tế Mỹ và vấn đề Biển Đông lại gắn chặt với chính sách Châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ. Nếu ông Trump tập trung nhiều hơn vào nội bộ thì có thể ít nhiều ảnh hưởng đến sự hiện diện của Mỹ ở Châu Á -Thái Bình Dương, nhưng đó sẽ không phải nhân tố thay đổi hoàn toàn chính sách Biển Đông của Mỹ”.
Tham dự hội thảo, Đại tá David Houghton, Tùy viên Quốc phòng Đại sứ quán Anh nhận định: “Theo tôi sẽ không có sự thay đổi đột ngột về chính sách của Mỹ trong vấn đề Biển Đông. Để hình thành một chính sách là quá trình rất lâu dài và nó không thể đột ngột thay đổi, tất nhiên trọng tâm có thể khác nhau. Tôi tự tin rằng chính phủ mới của Mỹ sẽ làm những điều phù hợp với quan điểm của người dân”.