Site banner

Trận chiến Gạc Ma và chiến công lịch sử của tàu HQ-505

Trong trận hải chiến xung quanh đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao ngày 14.3.1988, khi tàu HQ-505 trúng đạn đã sắp chìm, các chiến sĩ Việt Nam đã dũng cảm lái con tàu lao lên bãi cạn đảo Cô Lin giữa hỏa lực của đối phương.

Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ (thứ hai, từ trái sang) người chỉ huy tàu anh hùng HQ-505

Hành động quyết liệt và chuẩn xác này trong giờ phút một mất một còn đã giữ cho con tàu không bị chìm xuống biển, đồng thời tạo nên một pháo đài thép trên đảo ngăn cản quân xâm lược, không cho Trung Quốc đánh chiếm Cô Lin.

Trong trận hải chiến ấy, phía Việt Nam chìm 2 tàu vận tải, 64 chiến sĩ hy sinh, 9 người bị bắt làm tù binh. Trung Quốc chiếm giữ đảo Gạc Ma, Việt Nam giữ được những đảo còn lại.

26 năm sau sự kiện này, trong trả phỏng vấn báo điện tử VnExpress, đại tá Vũ Huy Lễ, thuyền trưởng tàu HQ-505 nhớ lại: Năm 1988, Trung Quốc đưa quân ra chiếm bãi đá Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. Ba đảo này chỉ cách nhau vài hải lý, hợp thành một cụm đảo trong nhóm đảo Sinh Tồn (quần đảo Trường Sa).

Các bãi đá này không có quân đồn trú nên Hải quân Việt Nam phải đưa tàu ra bảo vệ. Cuộc chiến nổ ra ngày 14.3.1988 và chỉ kéo dài trong ít giờ buổi sáng trên cả khu vực 3 đảo.

Theo thuyền trưởng Lễ, ngay trước khi diễn ra trận hải chiến năm 1988, HQ-505 đang thực thi nhiệm vụ đưa bộ đội công binh và vật tư công trình đến đảo Đá Lớn. Vừa hoàn thành công việc thì sáng 13.3.1988, tàu nhận được lệnh đến đảo Cô Lin.

Trên đường HQ-505 di chuyển, tàu Trung Quốc tìm cách ngăn chặn, khiêu khích. 18h cùng ngày, dù bị đối phương gây nhiễu làm mất liên lạc với sở chỉ huy song tàu vẫn đến đúng vị trí và hoàn thành nhiệm vụ cắm mốc chủ quyền trên đảo Cô Lin sáng sớm 14.3.

Đe dọa và khiêu khích không được, hôm sau tàu Trung Quốc đã tấn công vào bộ đội Việt Nam đang bảo vệ cờ trên các đảo và nã đạn vào các tàu HQ-505, HQ-604, HQ-605.

Tàu HQ-505 đã lao lên bãi ngầm ở đảo Cô Lin cắm cờ khẳng định chủ quyền Tổ quốc vào ngày 14/3/1988, Ảnh: tư liệu

6h30 sáng 14.3, 3 tàu chiến Trung Quốc liên tục nã pháo vào HQ-505, đạn trúng buồng máy, khu thông tin, đài chỉ huy làm máy bị hỏng phải thả trôi. Gặp gió mùa đông bắc thổi mạnh, tàu trôi xa khỏi đảo hơn một hải lý. Pháo 85, 100 ly trên tàu Trung Quốc vẫn không ngừng nã đạn khiến HQ-505 bốc cháy, thân tàu thủng, nước tràn vào các khoang, dầu chảy ra lênh láng mặt biển.

"Lúc này HQ-505 đã nghiêng và có nguy cơ chìm. Để tàu chìm thì chẳng những mất đảo mà toàn bộ các chiến sĩ cũng hy sinh, chỉ còn cách đưa tàu lên bãi cạn", thuyền trưởng Vũ Huy Lễ nhớ lại.

Ngay lập tức, ông hội ý với Ban chỉ huy tàu và yêu cầu phải sửa chữa bằng được máy móc để đưa tàu lên đảo. Phương án này được anh em thống nhất. Dù bị thương nhưng máy trưởng, đại úy Nguyễn Đại Thắng vẫn xông xáo chỉ đạo anh em sửa máy bằng được.

"Tàu mất điện, lái hỏng, chúng tôi phải dùng một máy tiến, một máy lùi để tàu quay mũi hướng về phía đảo. Sau vài phút rồ hết công suất hai máy, tàu lao lên bãi cạn. Đến khi nghe tiếng san hô cọ rào rào và 2/3 thân tàu nằm trên bãi thì tôi biết quyết định ủi bãi đã thành công", thuyền trưởng Lễ kể.

Con tàu dài gần 100 mét, rộng 28 mét vừa yên vị trên bãi thì cũng là lúc tàu chiến Trung Quốc tiếp tục nã đạn. Thuyền trưởng Lễ yêu cầu anh em hủy tài liệu mật, sơ tán khỏi tàu nhằm hạn chế thương vong, đồng thời chuyển vũ khí lên đảo để chuẩn bị chiến đấu.

"Lúc đó dù lực lượng mỏng nhưng do đã án ngữ lối lên nên tôi tin là dù địch có đổ bộ chúng tôi vẫn đánh được và hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ đảo, thuyền trưởng Lễ khẳng định.

Nhân lúc tàu địch rút ra xa, bộ đội trên tàu HQ-505 tổ chức dập lửa, dùng xuồng cao su sang đảo Gạc Ma cứu vớt công binh, bộ đội của tàu HQ-604 bị chìm và đưa được 44 chiến sĩ trong đó có thương binh, tử sĩ về an toàn.

Nhớ lại giây phút sinh tử đó, thuyền trưởng Lễ cho rằng, đời binh nghiệp có nhiều giây phút phải lựa chọn, song hành động lao tàu lên đảo là quyết định trọng đại nhất của ông.

Hình ảnh cụm đảo Sinh Tồn (huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa) gồm đảo Sinh Tồn, Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma. Tuy nhiên, đảo Gạc Ma đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ ngày 14.3.1988.

Chín cán bộ chiến sĩ bám trụ ở Cô Lin do thuyền trưởng Lễ chỉ huy luôn trong trạng thái chiến đấu. Ngày nào đối phương cũng cho tàu chiến đến đe dọa. "Có ngày chúng quấy nhiễu 3 - 4 lần, dùng loa réo tên tôi ra hàng. Nhưng tôi và anh em vẫn quyết tâm bảo vệ đảo", ông kể.

Không chỉ căng thẳng về tinh thần, do thực phẩm cạn, tiếp tế khó khăn, cứ đêm đến vài chiến sĩ phải đốt đuốc xuống bãi san hô bắt cá.

Dù có thể rút về đảo Sinh Tồn nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe nhưng thuyền trưởng Lễ đã bám trụ lại đảo Cô Lin cùng các chiến sĩ đến tháng 6/1988, khi chủ quyền trên đảo Cô Lin được giữ vững.
Cô Lin ngày nay

Tháng 4.1988, khi các phóng viên các báo từ đất liền ra thăm Trường Sa, tàu HQ-505 vẫn hiên ngang trên đảo Cô Lin, tình huống đối đầu với quân xâm lược vẫn tiếp diễn trong khu vực.

Đầu năm 1989, tàu HQ-505 và thuyền trưởng Vũ Huy Lễ được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Nhiều chiến sĩ khác được thưởng huân chương chiến công các hạng. Hành động hy sinh, ý chí kiên cường dũng cảm, tinh thần mưu trí sáng tạo, tình yêu thương đồng đội của thuyền trưởng và tập thể chiến sĩ tàu HQ-505 đã góp phần giữ vững chủ quyền của Tổ Quốc trên đảo Cô lin, và là niềm cổ vũ lớn lao đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền đất nước trên quần đảo Trường Sa.

Vườn rau xanh của lính đảo Cô Lin

Trong quần đảo Trường Sa ngày nay, đảo Cô Lin ở vị trí tiền tiêu và được coi như "mắt thần" của biển. Từ trên đảo, các chiến sĩ ta vẫn chứng kiến các tàu chiến Trung Quốc lờn vờn tại các vùng biển xung quanh.

Từ một đảo chìm, bằng sự gia cố và đầu tư, hiện nay Cô Lin đã "ngoi lên" mặt nước và trở thành một trong những đảo kiên cố có thể chịu sóng gió mọi cấp độ và sẵn sàng ứng chiến về quân sự ở mức độ quyết liệt nhất. Cũng như các đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa, nước và rau xanh luôn là thách đố của biển cả với con người trụ tại nơi đây. Tuy nhiên, bằng việc đầu tư hệ thống bể trữ nước mưa và nước do các tầu vận tải chở ra, Cô Lin đã hoàn toàn chủ động về nguồn nước.

Ngoài thời gian phải làm nghĩa vụ trong ngày của một người lính, chiến sĩ trên đảo Cô Lin đã dành thời gian để cải tạo, đem lại mầu xanh cho đảo. Ngoài cây cảnh, thì mướt mát và thích thú nhất ở đây vẫn là mầu xanh của những vườn rau do những người lính tự trồng và chăm sóc. Những năm gần đây, mỗi năm chiến sĩ trên đảo sản xuất được gần 1 tấn rau xanh, đánh bắt khoảng nửa tấn cá.

Cô Lin ngày nay đã trở thành điểm tìm đến neo đậu của nhiều ngư dân Việt Nam, cung ứng cho ngư dân dịch vụ y tế khẩn cấp và hàng ngàn m3 nước ngọt, góp phần cùng ngư dân bám biển, khẳng định chủ quyền của Tổ Quốc nơi biển xa./

(Biendong.net)
Nguồn: vietnam.vn