Site banner

Trung Quốc vẫn tung hỏa mù chuyện Biển Đông


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye, Thủ tướng Malaysia Najib Razak tại Hội nghị cấp cao ASEAN ngày 22-11 - Ảnh: AFP

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đưa ra những luận điệu cũ rích, bao biện vô lý các hành vi sai trái của nước này ở Biển Đông.

Tại buổi họp báo bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần 27 ngày 
22-11, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân nói với một nhà báo phương Tây rằng ông muốn nhân cơ hội để nói lên lập trường của Trung Quốc đối với tranh chấp ở vấn đề Biển Đông. 

Không ngoài dự đoán, ông Lưu nhân “cơ hội” này đưa ra những luận điệu cũ rích, bao biện vô lý các hành vi sai trái của nước này ở Biển Đông.

Đầu tiên, ông Lưu mạnh miệng cho biết tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần này, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đề ra năm quy tắc để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Một là các nước phải cùng nhau bảo vệ hòa bình và ổn định theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc, hai là các quốc gia trực tiếp liên quan phải giải quyết hòa bình thông qua tham vấn và đàm phán hữu nghị, ba là Trung Quốc và ASEAN cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử (COC), đồng thời cải thiện các cơ chế khu vực nhằm tăng cường niềm tin và hợp tác lẫn nhau, bốn là các nước ngoài khu vực phải tôn trọng và ủng hộ những nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, đóng vai trò tích cực, xây dựng và kiềm chế những hành động gây căng thẳng trong khu vực, và cuối cùng tất cả quốc gia thực thi quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông theo luật 
quốc tế.

Sau đó, ông Lưu Chấn Dân cho biết Trung Quốc và ASEAN phải cùng nhau gìn giữ hòa bình, ổn định ở Biển Đông và tranh chấp giữa Bắc Kinh với một số nước ASEAN phải được giải quyết qua cơ chế đàm phán song phương.

Trung Quốc nói sẽ không bao giờ chấp nhận bên thứ ba can thiệp vào việc tranh chấp ở Biển Đông, bao gồm tòa án quốc tế, do đó Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận vụ kiện của Philippines.

Tuy nhiên trong phần hỏi/đáp với nhà báo, ông Lưu tỏ ra khá chật vật. Phóng viên Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: “Như ông nói Trung Quốc và ASEAN đều quyết tâm kết thúc sớm COC. Vậy có thời hạn cụ thể nào không?”.

Ông Lưu cho biết trong vòng hai năm qua đã có nhiều tiến triển về COC, nhưng chưa nước nào có thể đưa ra thời hạn cụ thể vì quá trình tham vấn COC mất rất nhiều thời gian.

Ông Lưu còn khoe trong vòng hai năm qua, Trung Quốc đã có những nỗ lực không mệt mỏi để đẩy nhanh tiến trình COC bằng nhiều biện pháp thiết thực.

Rồi ông Lưu kêu gọi các nước trong và ngoài khu vực phải tạo ra bầu không khí thuận lợi để ủng hộ COC, cũng như giúp gia tăng niềm tin chính trị giữa ASEAN và Trung Quốc hơn là phóng đại sự khác biệt.

Phóng viên Hãng thông tấn AP chất vấn: “Tại sao Trung Quốc lại gia tăng hoạt động xây đảo nhân tạo ở Biển Đông trước khi COC đạt được sự đồng thuận dù hai bên đều mong muốn đẩy nhanh tiến trình này?”.

Ông Lưu lại lập luận kiểu: những hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông nhằm phục vụ các mục đích dân sự như cứu hộ tàu thuyền, hỗ trợ ngư dân, qua đó thể hiện trách nhiệm quốc tế của nước này.

Ông Lưu còn ngang nhiên nói khoảng 40 đá ở quần đảo Nam Sa (cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam) đang bị ba nước láng giềng của Trung Quốc chiếm đóng 
trái phép!?

Kế đến, phóng viên tờ Financial Times hỏi: “Trung Quốc nói ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông, nhưng tại sao lại phản ứng khi hải quân Mỹ đưa tàu đến Biển Đông để bảo vệ quyền tự do h&ag rave;ng hải?”.

Đáp lại, ông Lưu biện bạch rằng đến nay chưa có nước nào gặp vấn đề về tự do hàng hải ở Biển Đông, trong đó có cả Mỹ.

Ông gọi hành động triển khai tàu chiến của Mỹ đến các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây trái phép là “hành động khiêu khích”, vượt quá các quy định của tự do hàng hải và gọi hành động của Mỹ nhằm mục đích thử phản ứng của 
Trung Quốc.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Zach Abuza từ Học viện Chiến tranh Hoa Kỳ cho rằng Trung Quốc đang trong tình trạng khó khăn bởi nước này không thể ngăn cản các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải chính đáng của Mỹ, cũng như vấn đề Biển Đông đang được đa phương hóa - hai vấn đề đi ngược lại lợi ích của Trung Quốc.

GS Abuza nhận định Trung Quốc đang cố gắng xoa dịu thế giới rằng các đảo nhân tạo của họ không ảnh hưởng đến tự do hàng hải, nhưng rõ ràng các đảo nhân tạo này đi ngược lại luật pháp quốc tế.

“Họ luôn nói không có vấn đề gì đối với tự do hàng hải ở Biển Đông, nhưng họ lại liên tục bác bỏ quyền tự do di chuyển của các tàu nước ngoài trên vùng biển này.

Rõ ràng luật pháp quốc tế cho phép các tàu, trong đó có cả tàu chiến, có quyền tự do đi lại trên vùng biển quốc tế ở Biển Đông.

Do đó, một lần nữa chúng ta thấy Trung Quốc đang diễn dịch luật pháp quốc tế theo cách riêng của họ” - GS Abuza phân tích.

Khai mạc hội thảo quốc tế về Biển Đông

Hôm nay (23-11), gần 300 quan chức cấp cao, nhà ngoại giao, chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp... trong và ngoài nước tham gia Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 7.

Với chủ đề “Biển Đông: hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”, hội thảo do Học viện Ngoại giao, Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức tại Vũng Tàu.

Tại hội thảo, khoảng 30 chuyên gia hàng đầu thế giới về Biển Đông sẽ trình bày tham luận trong các lĩnh vực về quan hệ quốc tế, luật quốc tế, an ninh biển, hợp tác biển...

Theo ban tổ chức, hội thảo sẽ cập nhật tình hình và thông tin mới nhất về Biển Đông từ nhiều khía cạnh, nghiên cứu và thảo luận các biện pháp nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và tăng cường hợp tác.

Hội nghị chia thành sáu phần, trong đó các phần đầu tiên tập trung mổ xẻ những diễn tiến, tương tác giữa các nước trên Biển Đông và luật pháp quốc tế đối với các tranh chấp, ngăn chặn và xử lý các sự việc bất ngờ trên biển.

Trong phần cuối của hội nghị, các chuyên gia sẽ thảo luận về những kịch bản cho vụ kiện Philippines - Trung Quốc, triển vọng cho Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Theo vietnam.vn