Site banner

Việt Nam đề nghị các nước tuân thủ luật pháp quốc tế trong vấn đề biển Đông

 

Đăng cai tổ chức Diễn đàn Biển ASEAN lần thứ 5, Việt Nam đề nghị các quốc gia cần đề cao, tuân thủ luật pháp quốc tế, thực sự kiềm chế và không có những hành động làm phức tạp tình hình ở biển Đông.

Chiều 27/8, Diễn đàn Biển ASEAN lần thứ 5 (AMF-5) với chủ đề "Tăng cường xây dựng lòng tin và hợp tác biển vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung ở khu vực" diễn ra tại Đà Nẵng đã bế mạc. 10 nước thành viên ASEAN tham dự tập trung thảo luận nhiều vấn đề mang tính thời sự ở biển Đông nhằm thúc đẩy hợp tác an ninh, an toàn và tự do hàng hải; xây dựng cơ chế khu vực nhằm ngăn chặn và quản lý xung đột...

Trong lĩnh vực hợp tác ứng phó thiên tai và cứu trợ nhân đạo, các nước đặc biệt quan tâm đến kinh nghiệm thu được của ASEAN qua ứng phó với cơn bão Haiyan (Hải Yến) tại Philippines năm 2013. Điều phối hỗ trợ nhân đạo của các nước thành viên cũng như các nước ngoài khu vực trong ứng phó với siêu bão Hải Yến cho thấy việc nâng cao năng lực ứng phó kịp thời của các cơ chế điều phối, cũng như các cơ quan chuyên ngành liên quan của ASEAN.

Diễn đàn trở lên sôi nổi hơn khi các quốc gia thành viên ASEAN thảo luận về biển Đông, đi đến thống nhất đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) cũng như những cam kết thỏa thuận khu vực như DOC, nhất là việc thực hiện đầy đủ các quy định của DOC trong giải quyết diễn biến ở biển Đông hiện nay; thực hiện kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình và phải xây dựng được lòng tin với vấn đề biển Đông.

Tham gia điều hành phiên họp, ông Nguyễn Vũ Tú - Phó trưởng SOM ASEAN Việt Nam - nhấn mạnh quan điểm yêu cầu các nước tuân thủ luật pháp quốc tế để giải quyết vấn đề biển Đông. Bên cạnh việc tăng cường hợp tác trên biển, Việt Nam đề nghị các quốc gia liên quan phải hỗ trợ và đối xử nhân đạo với ngư dân, bảo vệ môi trường biển và các thách thức an ninh phi truyền thống như tội phạm xuyên quốc gia, cướp biển, buôn bán người bằng đường biển.

Ông Tú cho biết thêm, diễn đàn lần này cho thấy ASEAN đã có nhiều động thái có trách nhiệm, đoàn kết trước những căng thẳng trên biển Đông, đặc biệt là từ khi Trung Quốc đơn phương hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam hồi đầu tháng 5 vừa qua. Cụ thể,  ASEAN đã tổ chức một chuỗi hoạt động như hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN, tuyên bố chung của các Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ASEAN và những quan ngại của ASEAN về vấn đề biển Đông. Đặc biệt, các nước thành viên gần đây đã có những nhận định chung, văn kiện và phát biểu mạnh mẽ.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí bên lề diễn đàn, ông Aung Lynn, Vụ trưởng ASEAN Myanmar, nói: "Lập trường của Myanmar không đứng về bên nào trong tranh chấp an ninh ở biển Đông". Tuy nhiên, ông này cho rằng với vai trò chủ tịch cộng đồng ASEAN, Myanmar sẽ lưu ý đến những vấn đề mà các nước thành viên quan tâm để cùng tìm hướng đi với diễn biến trên biển Đông.

Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng lần thứ 3 (EAMF-5) sẽ khai mạcngày 29/8. Đây được xem là sự kiện quan trọng của ASEAN cũng như các nước đối tác, trong đó có Trung Quốc. Diễn đàn sẽ đẩy mạnh hợp tác khu vực trong việc ứng phó kịp thời với thiên tai và các sự cố trên biển, tìm kiếm cứu nạn, thiết lập cơ chế đường dây nóng; triển khai những biện pháp xây dựng lòng tin cũng như các công cụ ngăn ngừa và quản lý các sự cố trên biển./.

Theo vietnam.vn