Site banner

Việt-Trung: Thẳng thắn trao đổi về vấn đề trên biển

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước Việt Nam đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trả lời phỏng vấn báo chí  về mục đích, kết quả và ý nghĩa của chuyến thăm.

-  Bộ trưởng cho biết mục đích của chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang?

- Bộ trưởng Phạm Bình Minh:Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước Việt Nam đã thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc từ ngày 19-21/6/2013.

Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước của Chủ tịch Trương Tấn Sang và là chuyến thăm đầu tiên của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Trung Quốc sau khi Trung Quốc có Ban lãnh đạo mới.

Mục đích chính của chuyến thăm nhằm khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam củng cố và phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc và nhằm tăng cường tin cậy chính trị, duy trì trao đổi tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Chuyến thăm cũng là dịp để Lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Trung Quốc thống nhất nhận thức chung về định hướng phát triển của quan hệ hai nước, thảo luận các biện pháp cụ thể nhằm đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất. Đây cũng là dịp Lãnh đạo hai nước trao đổi thẳng thắn về những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ hai nước, trong đó có vấn đề trên biển.

- Bộ trưởng cho biết các hoạt động và kết quả nổi bật của chuyến thăm?

- Bộ trưởng Phạm Bình Minh:Trong thời gian ngắn, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu cấp cao ta đã có nhiều hoạt động với nội dung phong phú, đa dạng trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước đến nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Kết quả quan trọng nhất của chuyến thăm là việc Chủ tịch nước và các nhà Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã trao đổi và đạt nhất trí cao về tầm quan trọng của việc củng cố và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.

Hai bên đã cùng nhìn lại quá trình phát triển và nhất trí cho rằng tình hữu nghị Việt-Trung là tài sản chung quý báu của nhân dân hai nước; khẳng định sẽ tuân theo các nhận thức chung quan trọng mà Lãnh đạo hai nước đã đạt được trong những năm qua về phát triển quan hệ hữu nghị Việt-Trung.

Bên cạnh đó, việc hai bên ký Thỏa thuận về hợp tác trong lĩnh vực kiểm nghiệm, kiểm dịch động thực vật xuất nhập khẩu, một mặt cũng sẽ góp phần tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, nhất là nông-thủy sản sang thị trường Trung Quốc, mặt khác góp phần lành mạnh hóa việc nhập khẩu các mặt hàng gia cầm, gia súc từ Trung Quốc vào Việt Nam, ngăn chặn, kiểm soát hiệu quả nguy cơ lây lan bệnh dịch từ gia súc gia cầm nhập khẩu.  Hai bên cũng nhất trí sẽ thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư lớn, góp phần thúc đẩy tăng đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam.

Với nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc kế thừa và phát huy tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước, hai bên cũng đã nhất trí nhiều biện pháp thúc đẩy giao lưu nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, tăng cường sự hiểu biết, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Nhân dịp chuyến thăm, hai nước đã ký Bản Ghi nhớ về việc xây dựng Trung tâm văn hóa của nước này tại nước kia. Đồng thời, hai bên cũng nhất trí tổ chức Liên hoan Thanh niên Việt-Trung lần thứ 2, Diễn đàn nhân dân Việt-Trung vào nửa cuối năm nay tại Trung Quốc.

- Những vấn đề mà dư luận trong và ngoài nước quan tâm như tranh chấp trên biển, vấn đề nghề cá được hai bên đề cập và  trao đổi như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Bộ trưởng Phạm Bình Minh:Trong các cuộc gặp và hội đàm với Lãnh đạo Trung Quốc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đều nhấn mạnh, việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông phù hợp với lợi ích căn bản của hai nước và nguyện vọng chung của nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.
Việt Nam sẵn sàng cùng Trung Quốc trao đổi, giải quyết thỏa đáng tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và tinh thần của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phù hợp với quan hệ hữu nghị giữa hai nước và nhân dân hai nước.

Hai bên đã trao đổi những phương hướng lớn nhằm tăng cường sự tin cậy chính trị, làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực, xử lý thỏa đáng bất đồng, nhất là trong vấn đề trên biển. Các cuộc tiếp xúc rộng rãi của Chủ tịch nước với nhiều thành phần nhân dân Trung Quốc ở các địa phương đã diễn ra trong không khí thân tình, hữu nghị, tăng cường sự hiểu biết và tin cậy.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Qua trao đổi thẳng thắn, hai bên nhất trí, Lãnh đạo hai Đảng, hai nước cần duy trì trao đổi và đối thoại thường xuyên về vấn đề này; kiên trì thông qua đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được. Đồng thời phối hợp quản lý, kiểm soát khủng hoảng trên biển, xử lý thỏa đáng các vấn đề nảy sinh.

Hai bên khẳng định sẽ nghiêm túc thực hiện Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc. Đây là văn bản hết sức quan trọng được 2 nước ký tháng 10/2011 với nội dung đề cập một cách toàn diện những nguyên tắc cơ bản trong việc giải quyết tranh chấp trên biển như tôn trọng đầy đủ chứng cứ pháp lý và xem xét các yếu tố liên quan khác; căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi Luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982; thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Căn cứ theo nội dung Thỏa thuận này, hai bên nhất trí gia tăng cường độ đàm phán của Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và Nhóm công tác chuyên viên về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển Việt-Trung.

Hai bên đã đặt ra một số mục tiêu thực hiện ngay trong năm nay như khởi động khảo sát chung tại vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ để phục vụ nhiệm vụ phân định và hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này, thực hiện một đến hai dự án hợp tác trong số ba dự án đã thỏa thuận trong các lĩnh vực ít nhạy cảm, bao gồm Dự án về phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, Dự án hợp tác nghiên cứu quản lý môi trường biển và hải đảo vùng Vịnh Bắc Bộ và Dự án nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Holocenne khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang.

Đối với vùng biển đã phân định trong Vịnh Bắc Bộ, hai bên nhất trí sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động tuần tra chung định kỳ giữa hải quân hai nước, đồng thời trao đổi triển khai các hoạt động hợp tác thăm dò dầu khí. Nhân dịp chuyến thăm của Chủ tịch nước, trên cơ sở kết quả hợp tác thăm dò dầu khí giữa hai bên trong Vịnh Bắc Bộ, hai bên đã ký "Thỏa thuận sửa đổi lần thứ 4 giữa Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam và Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc liên quan tới Thỏa thuận thăm dò chung trong khu vực thỏa thuận ngoài khơi trong Vịnh Bắc Bộ" nhằm tiếp tục thúc đẩy hoạt động thăm dò chung đối với cấu tạo dầu khí vắt ngang đường phân định trong Vịnh Bắc Bộ.

Thiết lập đường dây nóng trong lĩnh vực nghề cá

Vấn đề nghề cá cũng là một nội dung được hai bên quan tâm và trao đổi sâu. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, đây là vấn đề liên quan đến đời sống rất nhiều ngư dân, đề nghị có biện pháp xử lý thỏa đáng, bảo đảm quyền lợi chính đáng, an toàn cho ngư dân.

Qua trao đổi, hai bên thống nhất nhận thức về tính cần thiết của việc phối hợp xử lý thỏa đáng vấn đề nghề cá, triển khai các biện pháp hiệu quả để hỗ trợ thiết thực các hoạt động nghề cá, đối xử nhân đạo với ngư dân phù hợp với quan hệ hữu nghị giữa hai nước cũng như với luật pháp và thông lệ quốc tế.

Một trong những kết quả cụ thể là việc hai bên đã ký Thỏa thuận về việc thiết lập đường dây nóng về các vụ việc đột xuất liên quan đến hoạt động nghề cá trên biển. Cùng với đường dây nóng giữa hai Bộ Ngoại giao và đường dây điện thoại trực tiếp giữa hai Bộ Quốc phòng, đây là những biện pháp cụ thể để cơ quan chức năng hai bên liên hệ, trao đổi để phối hợp xử lý khi có vấn đề nảy sinh. Hai bên cũng có thể sử dụng cơ chế đường dây nóng này để phối hợp hỗ trợ, cứu hộ cho các hoạt động nghề cá khi cần thiết, phục vụ cho các hoạt động nghề cá, đảm bảo an toàn cho ngư dân.
Có thể nói, vấn đề trên biển đã được hai bên trao đổi ý kiến trên tinh thần thẳng thắn, cố gắng xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển, không để những bất đồng này cản trở các mặt hợp tác giữa hai nước cũng như ảnh hưởng đến tình cảm hữu nghị của nhân dân hai nước.

- Bộ trưởng đánh giá về ý nghĩa của chuyến thăm trong bối cảnh hiện nay?

- Bộ trưởng Phạm Bình Minh:Chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Trương Tấn Sang có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng và Nhà nước ta, khẳng định chủ trương tăng cường quan hệ hữu nghị, bình đẳng cùng có lợi với các nước láng giềng, khu vực, các đối tác lớn trên thế giới, khẳng định mong muốn của Việt Nam góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.

Chuyến thăm đã thực sự là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hai nước, định hướng cho tương lai hợp tác hữu nghị và rộng mở giữa Việt Nam và Trung Quốc, phù hợp với lợi ích chung của nhân dân hai nước và góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển của cả khu vực.

Điều quan trọng là việc triển khai tích cực và hiệu quả các thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm này. Trên thực tế, ngay trong khuôn khổ chuyến thăm, các Bộ, ngành (Ngoại giao, Công an, Công thương, Nông nghiệp, Giao thông vận tải, Văn hóa...) đã có các cuộc gặp riêng với đối tác Trung Quốc để thảo luận cụ thể về các bước triển khai tiếp theo.

(Chinhphu.vn)
Nguồn: vietnam.vn