Ngày 1-12-2015, tại TP. Bến Tre, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tỉnh ủy Bến Tre và Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp tổ chức hội thảo “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững”. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội tham dự và chỉ đạo hội thảo. Ngoài ra, có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố, các chuyên gia nông nghiệp hàng đầu, một số doanh nghiệp (DN), hợp tác xã hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp...
Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và tỉnh chủ trì hội thảo. Ảnh: Mã Phương
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân luôn nhận được sự quan tâm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước. Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã được Chính phủ ban hành để đưa nền nông nghiệp chuyển dịch lên nền sản xuất hiện đại “an toàn - bền vững - hiệu quả”. Trong đó, việc xây dựng và phát huy các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi đúng đắn.
Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt nước ta chuẩn bị ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển nền nông nghiệp nước nhà nhưng đồng thời, cũng phải đối mặt với nhiều thách thức và nông nghiệp là ngành rất dễ bị “tổn thương”. Trên thực tế, hiện nay, việc sản xuất của người nông dân vẫn mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ và thiếu liên kết. Vì vậy, đã đến lúc ngành Nông nghiệp nước ta không thể né tránh thách thức mà buộc phải đối mặt, thích ứng để có thể tồn tại, phát triển. Phó Chủ tịch Quốc hội kỳ vọng rằng, cuộc hội thảo sẽ tìm ra “lời giải” để giải quyết tốt các vấn đề trong thời gian tới.
Thực trạng hiện nay sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và thiếu liên kết
Bắt đầu buổi thảo luận, ông Võ Thành Hạo - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre thẳng thắn nhìn nhận nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và Bến Tre nói riêng trong thời gian qua vẫn là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Tuy Bến Tre thực hiện Nghị quyết số 26/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, được một số mô hình liên kết, bước đầu có hiệu quả nhưng chưa đáng kể gì. Bởi, tình trạng “được mùa, mất giá”,“được giá, mất mùa” vẫn luôn ám ảnh nông dân, việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất còn tự phát, rời rạc, các quan hệ trong chuỗi liên kết chưa tạo được sự yên tâm cho người nông dân. Hàng hóa do nông dân làm ra, nhưng việc tiêu thụ và giá cả thì phụ thuộc vào thương lái. Vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế. Các mô hình mới chỉ là bước đi ban đầu, rất chập chững, còn lúng túng, chưa sâu. Vai trò của Nhà nước còn mờ nhạt trong mối liên kết “4 nhà” do một số bất cập của cơ chế, chính sách...
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (giữa) tham quan các sản phẩm từ dừa của Bến Tre. Ảnh: H. Hiệp
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đánh giá: Những năm gần đây, sản xuất theo chuỗi với hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã với các DN ngày càng phát triển. Tuy vậy, theo những đánh giá mới nhất cho thấy, nền nông nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn như: tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm lại, chất lượng nông sản thấp ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Nhiều cơ chế, chính sách trước đây mang lại thành công nhưng nay trở thành rào cản cho sự phát triển. Lực lượng sản xuất (số lượng các trang trại, DN nông nghiệp, khoa học công nghệ…) liên tục phát triển nhưng các quan hệ sản xuất trong nông nghiệp lại chưa có sự đổi mới tương thích. Tình trạng sản xuất manh mún chưa được khắc phục, các mối liên kết dọc và ngang phát triển còn gặp nhiều khó khăn. Những mối liên kết giữa DN và nông dân để tạo ra các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa lớn chậm phát triển. Trong khi đó, chuỗi giá trị đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, sản phẩm nông sản chủ yếu là xuất khẩu, do đó từng người nông dân hoặc các tổ hợp tác, hợp tác xã nhỏ lẻ không thể tự thực hiện được chuỗi sản xuất và tiêu thụ ở thị trường quốc tế.
Cần điều chỉnh một số cơ chế, chính sách...
GS.TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho biết, đại bộ phận người làm ra hạt lúa, con cá không có tích lũy, đến khi thu hoạch là phải lo bán ngay nông sản để thanh toán nợ nần. Nhưng năm nào cũng thế, khi lúa thu hoạch đầy đồng thì bản cũ lặp lại: giá lúa rớt thê thảm khiến Nhà nước phải ra tiền không lãi suất để mua lúa tạm trữ cho nông dân đỡ khổ. Trong khi các DN ngành lúa gạo chỉ biết xuất thô với giá đấu thầu rẻ, phải chịu lỗ. Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, sự nghèo nàn của nông dân là do tư duy của mọi thành phần tham gia, từ bản thân người nông dân đến DN và Nhà nước.
Đầu ra tiêu thụ sản phẩm của nông dân luôn bấp bênh vì cả Nhà nước và DN đều chưa bảo đảm tìm được hoặc mở được thị trường nông sản một cách ổn định. Khi sản xuất, nông dân tự quyết định một cách phiêu lưu, không biết ai sẽ mua, mua bao nhiêu... Dù Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 80/2002 về khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hình thức ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, nhưng chẳng mấy khi bên mua giữ đúng hợp đồng mà mạnh ai nấy bán, mua. Không chỉ các công ty, DN tư nhân mà ngay cả những công ty lớn của Nhà nước cũng mua nguyên liệu nông sản qua thương lái là chính, hiếm khi mua trực tiếp của nông dân. Nông dân được hô hào nên trồng cây này, không nên trồng cây kia nhưng tới khi thu hoạch thì bán chẳng được, vì thế họ phải tự quyết định nuôi con gì, trồng cây gì.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đánh giá rất cao 23 ý kiến tại hội thảo, đặc biệt là ý kiến của các chuyên gia, DN. Theo ông Giàu, thời gian tới, để chuỗi giá trị phát triển thì việc thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp phải lồng ghép được với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững để tạo sức mạnh đồng bộ. |
Kiến nghị về các quy định gây khó cho DN, bà Huỳnh Thị Cẩm Châu - Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới nói: “Trong quá trình liên kết với nhà nông để tiêu thụ sản phẩm, nhiều công ty, DN trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn. Sản phẩm của công ty (nước dừa và nước cốt dừa đóng hộp) đạt, thậm chí vượt tiêu chuẩn để vào các siêu thị trong nước, vì sản phẩm này đã được bán ra nhiều thị trước nước ngoài khó tính, thế nhưng mặt hàng này rất khó vào siêu thị ở Việt Nam”. Một số DN cho rằng sản phẩm của họ đạt chuẩn để vào siêu thị nhưng muốn vào siêu thị Việt thì “nhiêu khê” lắm. “Tại sao những siêu thị 100% vốn Việt Nam hoặc có yếu tố Việt Nam lại không ưu tiên cho hàng Việt Nam vào”, đại diện một DN nêu.
Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời nói: “Trong chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững thì thị trường hết sức quan trọng. Không có thị trường thì khó tổ chức sản xuất. Vì vậy, Nhà nước cần có một chiến lược thị trường trong nước và xuất khẩu. Đối với thị trường trong nước thì chính sách thuế cần bình đẳng giữa sản phẩm có thương hiệu và không thương hiệu. Đối với thị trường nước ngoài thì vai trò của DN trong chuỗi giá trị này là cực kỳ quan trọng. Đầu tư cho DN đi tìm được thị trường là Nhà nước xây dựng được niềm tin giữa nông nghiệp với nông dân. Giải pháp liên kết tạo ra chuỗi giá trị là cánh cửa của việc tích tụ ruộng đất để góp phần nên thành công chuỗi giá trị phát triển nông nghiệp bền vững trong thời gian tới”.
Trong bối cảnh tái cơ cấu mạnh mẽ nền nông nghiệp để chuyển dịch lên nền sản xuất hiện đại, an toàn, bền vững và hiệu quả thì việc xây dựng và phát huy các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi đúng đắn. Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rất ít khi một đơn vị kinh tế có thể đảm nhận các khâu từ đầu vào đến đầu ra cho một sản phẩm, nhất là trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay thì sự liên kết giữa các tổ chức kinh tế với nhau hay giữa các tổ chức kinh tế với các cơ sở sản xuất, các hộ nông dân để phát huy thế mạnh của mỗi bên nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng tính cạnh tranh, thương hiệu, uy tín thị trường là một xu thế tất yếu.
Ý kiến của các đại biểu tại hội thảo sẽ được Ban Tổ chức tổng hợp, kiến nghị đến Quốc hội và Chính phủ để sớm điều chỉnh cơ chế, chính sách sao cho thuận lợi để ngành Nông nghiệp phát triển bền vững.
“Cần phải thực hiện liên kết giữa các nông hộ - tổ chức của nông dân - các DN thì mới có thể đủ năng lực để đưa sản phẩm của Việt Nam ra thị trường quốc tế và gia tăng giá trị trong chuỗi sản xuất nông nghiệp…” (Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh) |