Các đại biểu tham dự Đại hội XII đều khẳng định, sử dụng triệt để các biện pháp chính trị - ngoại giao để kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền.
Ảnh minh họa.
Từ nhiều góc độ, các đại biểu tham dự Đại hội XII đều khẳng định, sử dụng triệt để các biện pháp chính trị - ngoại giao để kiên trì và kiên quyết trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời với xây dựng khu vực phòng thủ tốt, đặc biệt là thế trận lòng dân.
Trong vững bền thì thế lực ngoài không nhòm ngó
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, trước những diễn biến phức tạp ở biển Đông, chúng ta đã sử dụng triệt để các biện pháp chính trị - ngoại giao, thông qua song phương và đa phương, khu vực và quốc tế, kiên trì và kiên quyết trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy hợp tác hữu nghị, nỗ lực đối thoại nhằm tìm kiếm một giải pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề biển Đông, đồng thời vẫn duy trì đoàn kết trong ASEAN, duy trì quan hệ hữu nghị với Trung Quốc.
“Mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc có sự phát triển trên các mặt. Ta xây dựng Đối tác chiến lược với Trung Quốc và vừa qua nâng lên Đối tác Chiến lược toàn diện.
Trên cơ sở xây dựng về chính trị thì về kinh tế, thương mại, Trung Quốc cũng là bạn hàng lớn nhất. Trên cơ sở đối tác chiến lược toàn diện để chúng ta giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề biển Đông” - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chia sẻ bên hành lang Đại hội XII.
Ở góc độ quốc phòng, tại Đại hội XII, Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam nhấn mạnh, xây dựng tiềm lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước ngay từ trong thời bình là kế sách “lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy”.
Cùng nhìn nhận ở quan điểm này, Thượng tướng Võ Tiến Trung - Giám đốc Học viện Quốc phòng cho rằng, nếu chúng ta không có quân sự mạnh thì kẻ thù sẽ lấn tới. Do đó xây dựng phát triển kinh tế luôn đi đôi với quốc phòng an ninh.
“Đất nước mạnh lên thì thêm nguồn lực xây dựng quân đội, xây dựng đất nước, xây dựng thế trận lòng dân để nhân dân tin vào Đảng, vào chế độ và sẵn sàng hy sinh bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh lòng yêu nước cần xây dựng thế trận quốc phòng, cảnh giác để sẵn sàng đối phó bảo vệ đất nước” - Thượng tướng Võ Tiến Trung phân tích.
Ngoài ra, Thượng tướng Trung cũng cho rằng, cùng với việc tìm mọi biện pháp giải quyết vấn đề chủ quyền trên biển bằng con đường hòa bình, hữu nghị thì ta phải có lực lượng mạnh để giữ vững các đảo, đặc biệt là các điểm đóng quân và thềm lục địa.
Điều đó đòi hỏi phát triển lực lượng quốc phòng vững mạnh, làm cơ sở cho thế trận quốc phòng toàn dân trên biển. “Ông cha nói “trong ấm ngoài êm” nên nếu ta xây dựng khu vực phòng thủ tốt, đặc biệt là thế trận lòng dân, bên trong vững bền thì không thế lực nào nhòm ngó.
Còn nếu bên trong lộn xộn thì bên ngoài lập tức can thiệp”, Thượng tướng Võ Tiến Trung nhấn mạnh.
Hơn nữa, theo ông Trung, với nhận định của Đảng ta về tình hình quốc tế và khu vực thì vấn đề tranh chấp lãnh thổ diễn biến phức tạp, “nếu chúng ta giải quyết vấn đề trên biển và biên giới đất liền không khéo thì kẻ thù sẽ lợi dụng”.
Sẵn sàng bảo vệ chủ quyền bằng sức mạnh
“Vấn đề chủ quyền lãnh thổ thì không bao giờ cho phép nhân nhượng. Do đó phải thấu suốt quan điểm là mọi vấn đề cần bình tĩnh giải quyết bằng con đường hòa bình, hữu nghị.
Nhưng không phải nói như thế thì chúng ta không sẵn sàng bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ bằng sức mạnh quân sự khi bị tấn công xâm lược”, Giám đốc Học viện Quốc phòng nêu quan điểm.
Khẳng định chủ quyền quốc gia là lợi ích tối cao, là thiêng liêng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân nêu rõ: “Chúng ta kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở pháp luật quốc tế để đảm bảo cho sự ổn định và phát triển của khu vực. Chúng ta phản đối việc sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực. Và chúng ta cũng kêu gọi các quốc gia, trong đó có Trung Quốc phải tôn trọng pháp luật quốc tế và phải đề cao trách nhiệm, phải đứng trên lợi ích chính đáng của các quốc gia ven biển để giải quyết vấn đề - Đó là đòi hỏi trách nhiệm quốc gia rất lớn”.
Ông Hoàng Bình Quân nêu rõ, sự khác biệt giữa các quốc gia đang có tranh chấp ở biển Đông, tức là 5 nước 6 bên, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc, là một thực tế.
Chính sự khác biệt đó mà nhiều năm qua, các quốc gia liên quan đang nỗ lực giải quyết bằng những căn cứ pháp lý, lịch sử và luật pháp quốc tế và nhận thấy cần phải có những công cụ để giải quyết sự khác biệt đó.
Trưởng ban Đối ngoại Trung ương cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các nước đang có tranh chấp tại biển Đông, thì tiếng nói của cộng đồng quốc tế là rất quan trọng.
Bởi vì đó là thể hiện trách nhiệm của các quốc gia đối với sự ổn định của một khu vực và cũng là trách nhiệm của hầu hết các nước vì “sự ổn định, tự do an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực này không chỉ là lợi ích của các quốc gia ven biển, mà nó còn là lợi ích của nhiều quốc gia khác trên thế giới”.