Vài ngày nay, hàu nuôi tại các tuyến sông của xã Thừa Đức, huyện Bình Đại bị chết hàng loạt trên diện rộng, nhiều hộ dân nuôi hàu đã phải trắng tay vì vốn và lời đều theo các con hàu ra đi không trở lại.
Xã Thừa Đức là xã ven biển, hệ thống sông ngòi chằng chịt, khoảng 3 năm nay, người dân địa phương đã tận dụng các tuyến sông để nuôi hàu thương phẩm. Dần dần, diện tích nuôi hàu đã nhân rộng hơn 36 ha tại các ấp: Thừa Trung, Thừa Thạnh, Thừa Tiên với 450 hộ nuôi.
Được biết, mô hình nuôi hàu đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho người nuôi, thậm chí có nhiều hộ vươn lên khá giàu. Từ đó, trong thời gian ngắn, mô hình này đã được lan rộng, nhất là trong vụ hàu năm 2015-2016, nhiều hộ khó khăn đầu tư vay vốn để nuôi hàu.Tuy nhiên, từ ngày 3/3/2016 đến nay, diện tích hàu nuôi của các hộ dân đã bị chết nghiêm trọng, khiến nhiều hộ nuôi hàu phải mất trắng.
Người dân gỡ bỏ hàng tấn hàu chết lên bờ
Tại hộ chị Nguyễn Thị Thắm, gia đình chị Thắm là một trong những người tham gia nuôi hàu đầu tiên của địa phương và có diện tích nuôi hàu lớn nhất nhì tại địa phương. Trong vụ nuôi hàu 2015-2016, chị xuống 2 đợt giống hàu con với hơn 60 tấn vật bám. Số lượng hàu con bám đạt nhiều và lớn nhanh, đến nay, hàu thịt đã đạt 3 đến 5 con/kg, chỉ còn chờ thương lái đến mua.Tuy nhiên, khi lợi nhuận đã cận kề, thì vài ngày qua, hàu của chi Thắm bị chết đến 90%, ước tính thiệt hại ngoài 1 tỷ đồng. Gia đình chị không còn thiết tha ra thăm nom sân hàu nuôi nữa. Ngoài ra, số lượng vật bám hơn 30 tấn đang chuẩn bị xuống giống vẫn còn đang bỏ không trên bờ.
Cùng ấp với Chị Thắm, anh Phan Văn Loan, cũng đang phải đối mặt với khó khăn do tình hình hàu nuôi chết. Được biết, vụ nuôi hàu này là vụ nuôi đầu tiên của gia đình anh. Do nhận thấy lợi nhuận kinh tế cao từ nghề nuôi hàu của nhiều hộ dân lân cận, vụ hàu năm 2015-2016, anh thả nuôi 2,8 tấn vật bám với mong muốn kinh tế gia đình khấm khá hơn. Qua hơn 10 tháng, hàu của anh đã đạt kích cỡ từ 5-7 con/kg và cũng chỉ khoảng 1 tháng nữa là gia đình anh thu hoạch. Nhưng, đó mãi là dự định, bởi hàu nuôi của anh Loan cũng thiệt hại khoảng 90%. Anh Loan đã phải cắt bỏ giàn hàu để chờ thời cơ khác. Anh Loan buồn rầu nói: “Gia đình luôn trông chờ vào vụ nuôi hàu này, bởi gia đình làm nghề đóng đáy hơn 10 năm mà không có dư, nên anh rất hy vọng vụ nuôi hàu này sẽ giúp gia đình anh khấm khá hơn, vợ con sống no đủ hơn nhưng giờ thì không còn nữa, bao số vốn chắt chiu thêm tiền vay mượn vốn đi theo hơn hơn 10 triệu đồng”.
Theo ông Nguyễn Văn Đởm – Phó Chủ tịch UBND xã Thừa Đức thì: “Qua khảo sát thực tế, tỷ lệ thiệt hại trên địa bàn xã ước khoảng 80%, sản lượng hàu bị thiệt hại 2.250 tấn, trị giá thiệt hại trên 45 tỷ đồng. Địa bàn bị ảnh hưởng nhiều nhất là ấp Thừa Thạnh. Hiện nay, trước tình hình hàu chết đã làm cho nhiều hộ dân lo lắng. Nguyên nhân hàu chết được dự đoán ban đầu là do: ảnh hưởng của gió Bấc, thời tiết lạnh về đêm làm cho khí hậu chuyển đổi giữa nóng và lạnh đột ngột nên hàu không thích nghi kịp. Ngoài ra, do nguồn nước bị ô nhiễm từ các giá thể vỏ hàu mua từ các nơi như: Ninh Thuận, Long Sơn, Cần Giờ về bị nhiễm bệnh và lây truyền trong vùng nuôi. Hiện và trong thời gian tới, chính quyền vận động người nuôi hàu tiến hành vớt bỏ các con hàu chết lên bờ để hạn chế ô nhiễm, tạm ngưng nuôi trong một thời gian. Chính quyền tiến hành phân vùng ô nuôi hàu để tránh cản trở giao thông và đảm bảo nguồn ô nhiễm vùng nuôi. Đồng thời, kiến nghị với cấp trên xem xét hỗ trợ kỹ thuật nuôi và hỗ trợ các chính sách về vốn để giúp bà con bị thiệt hại, nhất là hộ nghèo, hộ mới đầu tư có vốn để tái sản xuất, góp phần để nghề nuôi hàu thương phẩm phát triển ổn định, giúp người dân xóa đói giảm nghèo”.