Trong những năm qua, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở của huyện Bình Đại tập trung thực hiện, nhất là từ khi có Nghị quyết số 06 của huyện ủy Bình Đại về “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020”, các cấp ủy đảng có nhiều nỗ lực trong việc đưa nghị quyết vào cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực của huyện từng bước được nâng lên, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Trong 5 năm qua, huyện đã đưa đi đào tạo 87 cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó trình độ cao học là 7 người, đại học 70 người, trung cấp 9 người, trình độ lý luận từ trung cấp chính trị trở lên là 77 người. Các xã, Thị trấn đưa đi đào tạo 223 người, trong đó đại học là 100 người, lý luận chính trị 130 người. Đa số cán bộ lãnh đạo, quản lý sau khi đào tạo, bồi dưỡng đã phát huy tốt năng lực, vận dụng có hiệu quả kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ vào thực tiễn công tác, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc tại đơn vị, địa phương.
Lực lượng bác sỹ trẻ khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo tại xã Phú Vang.
Công tác đào tạo nhân lực trong ngành y tế, giáo dục cũng được quan tâm chú trọng, 5 năm qua, ngành y tế đã đào tạo từ trung cấp lên đại học 17 người, đào tạo sau đại học 10 người. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế hiện nay là 329 người, trong đó 100% đều đạt chuẩn về chuyên môn, trên chuẩn đạt 8,15%. Ngành giáo dục đã đào tạo 883 người trình độ cao đẳng, đại học, tỷ lệ giáo viên trên chuẩn chiếm trên 88%, đội ngũ giáo viên cơ bản đáp ứng yêu cầu, nội dung, phương pháp giảng dạy từng lúc được đổi mới, chất lượng và hiệu quả giáo dục hàng năm được nâng lên.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được tăng cường thực hiện, huyện phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo quyết định số 1956 của Thủ tướng chính phủ, đến nay đã triển khai mở 115 lớp đạy nghề cho trên 3.200 lao động nông thôn, sau đào tạo có trên 74% lao động có việc làm ổn định. Song song đó, huyện không ngừng đầu tư nâng cấp, xây dựng mới các trạm y tế để chăm sóc sức khỏe nhận dân được tốt hơn, các chương trình quốc gia về y tế được triển khai thực hiện khá tốt, nhiều năm liền huyện không xảy ra dịch bệnh lớn trên người. Hoạt động thể dục thể thao, nâng cao thể lực cho người dân được các ngành, các cấp và toàn xã hội quan tâm, nhiều khu tập luyện thể dục thể thao được đầu tư xây dựng mới như: sân cầu lông, sân bóng chuyền, bóng đá, quần vợt… cơ bản đáp ứng nhu cầu rèn luyện sức khỏe nâng cao thể lực cho nhân dân.
Tuy nhiên còn một số khó khăn mà huyện phải tập trung giải quyết như nguồn nhân lực tuy có tăng lên về số lượng và chất lượng nhưng vẫn còn hạn chế. Tỷ trọng lao động trong khu vực nông-lâm-ngư nghiệp còn cao, chất lượng lao động sau đào tạo còn thấp, lực lượng lao động chưa qua đào tạo còn nhiều. Đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn, quản lý còn thiếu, trách nhiệm với công việc chưa cao, hiệu quả làm việc thấp. Lực lượng lao động đa số xuất phát từ nông thôn, chưa thích nghi với tác phong công nghiệp, tinh thần trách nhiệm và ý thức lao động tập thể chưa cao, năng suất lao động còn thấp…
Ngoài các cơ chế chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, mỗi người phải không ngừng tư học tập, tự nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với nhu cầu thực tế tại cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, nhà nước cũng tiếp tục có cơ chế chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài về phục vụ tại địa phương, đồng thời tạo điều kiện về môi trường làm việc, về đãi ngộ để nhân tài có cơ hội phát huy năng lực, sở trường, đóng góp tài năng cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.