Huyện biển Bình Đại gồm có 3 xã biển là: Bình Thắng, Thừa Đức, Thới Thuận. Đa số người dân sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương và xác định kinh tế biển là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm gần 80% giá trị sản xuất trong khu vực I, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân.
Thời gian qua, huyện đã và đang thực hiện nhiều cách làm đột phá trong thu hút đầu tư, áp dụng quy trình đánh bắt hiện đại, cải hoán nâng công suất tàu đánh bắt xa bờ, từng bước nâng cao giá trị thủy sản, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Đến nay, toàn huyện Bình Đại có 1.089 tàu đánh bắt trực tiếp trên biển, tổng công suất trên 412.000 mã lực. Trong đó, có 516 tàu đánh bắt xa bờ, có công suất từ 90 mã lực trở lên, được trang bị ngư lưới cụ hiện đại, chuyên đánh bắt xa bờ, tăng 7 tàu so với năm 2015, sản lượng khai thác năm 6 tháng đầu năm ước đạt gần 34 tấn, đạt hơn 49% kế hoạch và bằng hơn 97,1% so với cùng kì.
Các hộ chế biến cá khô ở làng nghề Bình Thắng đều đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và xây dựng thương hiệu.
Nhằm hỗ trợ tốt trong việc đánh bắt xa bờ và phòng chống thiên tai, rủi ro, mô hình tổ đoàn kết khai thác trên biển đã ra đời. Hiện toàn huyện đã thành lập được 37 tổ đội của 478 tàu, với 170 chủ tàu tham gia và thành lập 3 nghiệp đoàn nghề cá tại Bình Thắng, Thừa Đức, Thới Thuận. Nhờ đó, đã nâng cao hiệu quả đánh bắt, tăng sản lượng khai thác hàng năm, góp phần bảo vệ biển đảo Tổ quốc. Tiêu biểu như tổ khai thác trên biển của ông Đỗ Văn Thuận, xã Bình Thắng, gồm 10 cặp tàu đánh bắt xa bờ, với 3 thành viên liên kết, có 160 thuyền viên, bình quân mỗi chuyến ra khơi, khai thác sản lượng hơn 20 tấn và chi phí giảm 30% so với lúc chưa thành lập tổ.
Cùng với khai thác đánh bắt xa bờ, hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng từng bước đem lại hiệu quả kinh tế cao. Huyện đang từng lúc ổn định diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh trên cơ sở quy hoạch, khuyến khích đầu tư đa dạng hóa các đối tượng nuôi theo từng vùng, áp dụng có hiệu quả những thành tựu khoa học kỹ thuật, đảm bảo nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả nuôi.
Từ tháng 1/1 đến ngày 9/6/2016, diện tích thả nuôi tôm toàn huyện trên 915ha, tuy nhiên do thời tiết không thuận lợi, một số vùng nuôi tôm xảy ra dịch bệnh, thiệt hại gần 17% tổng diện tích thả nuôi. Trong đó, có những vùng nông dân tiếp tục nuôi theo phương thức quãng canh cải tiến, nuôi tổng hợp theo hướng đa dạng sinh học và thân thiện môi trường, mang lại giá trị kinh tế cao.
Công tác đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho ngư dân được nâng cao, ứng dụng có hiệu quả trong đánh bắt, đặc biệt là trong nuôi thủy sản mặn, lợ. Công tác quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản được tổ chức thường xuyên.
Tuy nhiên, hạ tầng phát triển nghành biển chưa đảm bảo, đầu ra khó khăn một số mặt hàng khó khăn, giá trị sản phẩm chế biến còn thấp, chưa đa dạng, dịch vụ hậu cần nuôi trồng, đánh bắt chưa phát huy hết tiềm năng, chưa xây dựng được thương hiệu hàng hóa,…v.v, đang là những bất cập cần phải có giải pháp tháo gỡ và đẩy mạnh phát triển. Đặc biệt, trước tình hình thời tiết diễn biền ngày càng phức tạp và khó lường, nhằm tiếp tục phát huy tiềm năng của biển theo Nghị quyết 03 của Huyện ủy về phát triển kinh tế biển đến năm 2020.
Mục tiêu đưa huyện trở thành huyện mạnh về biển, làm giàu từ biển, trong đó chú trọng đầu tư quản lý khai thác có hiệu quả các tiềm năng kinh tế mũi nhọn là kinh tế thủy sản kết hợp với phát triển và bảo vệ rừng, nhất là rừng phòng hộ ven biển gắn với phòng tránh giảm nhẹ thiên tai.
Đẩy mạnh xây dựng và phát triển công nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản gắn với phát triển nuôi trồng thủy sản, nâng cao hiệu quả đánh bắt xa bờ, phát triển nhanh các ngành nghề dịch vụ, du lịch đồng bộ.
Tăng cường kết hợp phát triển kinh tế biển bền vững với đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biển, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, thủy lợi, hậu cần nghề cá,…v, đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên biển đảo một cách hiệu quả, nhằm đẩy nhanh tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Phấn đấu năm 2020, tổng đoàn tàu đánh bắt trên địa bàn huyện có 1.240 chiếc, trong đó khai thác xa bờ 700 chiếc. Sản lượng đánh bắt đạt 700.000 tấn. Ổn định diện tích nuôi thủy sản 18.000ha, trong đó tôm thâm canh, bán thâm canh chiếm khoảng 5.000ha. Sảng lượng đạt 62.000 tấn. Các hộ chế biến cá khô ở làng nghề Bình Thắng đều đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và xây dựng thương hiệu.
Đặc biệt, huyện đề nghị các ngành chức năng tỉnh, phối hợp với các Viện, Trường Đại học nghiên cứu xây dựng dự án, đề tài khao học phục vụ lĩnh vực thủy sản, chủ yếu tập trung vào việc bảo tồn nguồn nghêu giống bố mẹ ở các cửa sông lớn, sản xuất giống, đánh giá tác động môi trường, áp dụng quy trình nuôi sạch thương phẩm các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao như: nghêu, cua biển, tôm biển, hàu, các loại cá phù hợp điều kiện tự nhiên từng vùng. Đổi mới trang thiết bị các công nghệ hiện đại trong khai thác và chế biến thủy sản để nâng cao năng lực cạnh tranh của các loại sản phẩm chế biến trên địa bàn./.