Site banner

Đường lưỡi bò - Một yêu sách phi lý - Kỳ 4

Kỳ 4: Những diễn biến gần đây

Những diễn biến gần đây có thể làm cho cuộc thảo luận này còn phải bàn cãi. Thực ra, có thể có khả năng ROC đang dần bỏ lập trường đã có từ lâu của mình. Các tuyên bố trong những năm gần đây là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi trong lập trường của ROC, hướng chính sách của ROC về vấn này gần với chính sách của PRC. Các dẫn chiếu đối với quyền lịch sử vùng nước lịch sử không còn nữa trong khi ROC có vẻ tập trung vào chủ quyền lãnh thổ đối với các đảo và vùng nước xung quanh.

Một ví dụ gần đây nhất là tuyên bố tháng 5 năm 2009 phản đối báo cáo của Việt Nam và báo cáo chung của Việt Nam và báo cao chung của Việt Nam và Ma-lai-xia lên CLCS:

“Chính phủ ROC nhắc lại rằng các đảo Điều Ngư, Nam Sa (Trường Sa), Tây Sa (Hoàng Sa), Trung Sa (Macclesfield), và Đông Sa (Pratas) cũng tách rời của ROC dựa trên các danh nghĩa chủ quyền không thể chối cãi được dựa trên các cơ sở lịch  sử, địa lý và luật quốc tế. Theo luật quốc tế, ROC được hưởng tất cả các quyền và lợi ích đối với các đảo nêu trên, cũng như các vùng biển xung quanh và vùng đáy biển và tầng đất dưới đáy biển tương ứng.

  1. Yêu sách đảo

Giải thích 1: Tất cả các đảo nằm trong “đường chữ U” lãnh thổ của PRC/ROC

Học giả đầu tiên có cách giải thích này là một nhà ngoại giao In-đô-nê-xia, Hasjim Djalal, trong khi thừa nhận bản chất “mập mờ” của “đường chữ U” của Trung Quốc, dựa trên những kết quả phân tích kỹ càng các tuyên bố của PRC, cụ thể là những phát biểu suốt hội nghị của Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế năm 1979 (ICAO).

Smith lưu ý rằng các loại đảo giữa biển nằm trong “những đường phân định” này là những đảo mà Trung Quốc có yêu sách chủ quyền. Ông nhấn mạnh rằng các nét đứt không tạo ra bất kỳ yêu sách nào về ranh giới biển và cũng không có bất kỳ tác động gì đối với giải quyết tranh chấp ranh giới biển.

Dzurek cũng tin rằng “đường chữ U” không phân định ranh giới về quyền tài phán biển của Trung Quốc, ví dụ như việc các nét đứt tách biệt. Ma-lai-xia và đảo Natuna đi chệch khỏi đường phân định thềm lục địa giữa In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a.

Rất nhiều thực tiễn gần đây của ROC và PRC cũng như bài viết của các học giả có vẻ như cho thấy một xu hướng giải thích theo lập trường này (xem ở trên).

Câu hỏi liệu các đảo ở Biển Đông thuộc về ai (cụ thể là Hoàng Sa và Trường Sa), câu hỏi cũng đang đưa đến những phân tích tỉ mỉ về hệ thống các sự kiện phức tạp và việc áp dụng các khái niệm pháp lý đa nghĩa (như khám phá, thời điểm kết tinh và chiếm đóng hiệu quả) nằm ngoài phạm vi được bàn tới đây. Chính vì vậy, hoàn toàn hợp lý để nhấn mạnh ở đây rằng bản đồ của Trung Quốc không thể cấu thành nên một danh nghĩa lãnh thổ có giá trị đối với các đảo. Trong vụ Burkina Faso/Mali, Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) đã đưa ra một các giải thích “rõ ràng” về giá trị bằng chứng của các bằng chứng là bản đồ:

“Các bản đồ chỉ có giá trị cung cấp thông tin, mà độ chính xác thay đổi theo từng vụ án; bản thân các bản đồ, và chỉ riêng sự tồn tại của các bản đồ không thể cấu thành nên danh nghĩa lãnh thổ mà phải là một tài liệu có hiệu lực pháp lý theo luật quốc tế nhằm mục đích thiết lập các quyềnh lãnh thổ. Tất nhiên, trong một số trường hợp, các bản đồ có thể đạt được hiệu lực pháp lý đó, nhưng phải là khi hiệu lực pháp lý đó không chỉ phát sinh từ nội dung của chính bản đồ đó, mà phải do các bản đồ đó thể hiện ý chí quốc gia hay các quốc gia liên quan. Ví như trường hợp các bản đồ là phụ lục của một văn bản chính thức, cấu thành một bộ phận không thể tách rời của văn bản đó. Ngoại trừ trong trường hợp rõ ràng này, các bản đồ chỉ là bằng chứng có giá trị hình thức với mức độ tin cậy thay đổi theo từng trường hợp có thể sử dụng cùng các chứng cứ gián tiếp khác để thiết lập hay khôi phục lại các sự kiện trên nhực tế”.

Trích dẫn phán quyết này của Tòa đã được sử dụng trong một loạt các vụ tranh chấp, và trong các ý kiến riêng của các thẩm phán. Một số cho rằng trích dẫn trên như một bác bỏ hoàn toàn khái niệm danh nghĩa dựa trên bản đồ. Trong bất kỳ trường hợp nào, cánh cửa nhỏ mà có vẻ như Tòa hé mở (“các bản đồ đính kèm một văn bản chính thức, cấu thành một bộ phận không thể tách rời của văn bản đó”) ám chỉ đến các văn kiện như các điều ước và do đó không thể áp dụng được trong trường hợp này.

Giải thích 2: “Đường chữ U” là đường ranh giới của vùng đặc quyền kinh tế xung quanh các đảo ở Biển Đông

Một số học giả Trung Quốc có vẻ như ủng hộ giả thuyết này, mặc dù lý giải của các học giả đó ở một mức độ nào đó không giống nhau và cũng thường dẫn đến lập luận về quyền/vùng nước lịch sử. Zhao Lihai lưu ý:

“’Đường đứt khúc chín đoạn’ thể hiện rõ lãnh thổ và chủ quyền của Trung Quốc đối với bốn quần đảo trên Biển Đông và khẳng định ranh giới biển của Trung Quốc xung quanh các đảo ở Biển Đông đã thuộc lãnh thổ của Trung Quốc ít nhất là từ thế kỷ XV. Tất cả các đảo và vùng biển lân cận nằm trong đường ranh giới nên thuộc quyền tài phán và kiểm soát của Trung Quốc”.

Jiao Yongke cho rằng:

“Các khu vực biển nằm trong đường ranh giới biển Nam Hải của Trung Quốc cấu thành các khu vực biển mà Trung Quốc có danh nghĩa sở hữu lịch sử, các vùng này cấu thành vùng đặc quyền kinh tế đặc biệt, hay vùng đặc quyền kinh tế lịch sử của Trung Quốc, do đó, các vùng này phải có quy chế tương tự như quy chế của vùng đặc quyền kinh tế theo các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982”.

Cuối cùng, Zou Keyuan tin rằng PRC đã có yêu sách lịch sử nhưng yêu sách này “có quy chế pháp lý tương tự như vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa”.

Cách giải thích thứ hai này về các nét đứt hoàn tòan phụ thuộc vào cách thứ nhất. Nói cách khác, cách đó cũng phải dựa trên giả thiết chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo ở Biển Đông. Những người ủng hộ giả thiết này xem “đường chữ U” là một ranh giới biển nối kết ranh giới vùng đặc quyền kinh tế có được xung quanh các đảo. Một loạt các câu hỏi phát sinh. Vấn đề gai góc đầu tiên liên quan đến việc phân định các khu vực biển đó. Nói chung, một quốc gia ven biển không thể áp đặt sự phân định của mình lên các quốc gia khác một cách đơn phương. Hiệu lực của hành động đó sẽ phụ thuộc vào việc tuân thủ các quy phạm pháp luật quốc tế.

Hơn nữa, thậm chí liệu các đảo có khả năng tạo ra các vùng biển xung quanh (bất chấp quốc gia nào là chủ sở hữu hợp pháp) hay không? Tất cả sẽ phụ thuộc vào việc liệu các đảo này có đáp ứng yêu cầu của đảo theo quy định hay chưa? Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (Công ước 1982) có quy định liên quan đến vấn đề này, Điều 121:

“1- Đảo là một vùng đất hình thành tự nhiên, có nước bao quanh và ở trên mặt nước lúc thủy triều lên.

2- Ngoại trừ quy định ở đoạn 3, vùng lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của đảo được xác định theo các quy định của Công ước này áp dụng cho các vùng lãnh thổ đất liền khác.

3- Đảo đá không thích hợp cho con người đến ở hay có đời sống kinh tế riêng không có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.”

Những vùng đất nổi ở Biển Đông do đó sẽ có thể tạo thêm các vùng đặc quyền kinh tế (và thềm lục địa) chỉ khi các vùng này đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt được nêu ở trên. Đương nhiên là tính chất đảo của một loạt các đảo ở Biển Đông đã được xem xét. Oude Elferink kết luận một cách thận trọng rằng “ít nhất một số đảo ở Biển Đông có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Các loại đảo khác có thể gân như chắc chắc được xem như rơi vào nội hàm của Điều 121(3) [các đảo đá]. Nếu những vùng đất nổi này không phải là đảo, (ít nhất một phần) cách giải thích về vùng đặc quyền kinh tế của “đường chữ U” không có giá trị pháp lý. Nghiên cứu bắt buộc nhưng hơi nặng về thực tiễn và kỹ thuật này nằm ngoài phạm vi nghiên cứu này của chúng tôi.

Bộ Ngoại giao - UB Biên giới Quốc gia