Site banner

Bình Đại: Tập trung quy hoạch tổng thể ngành nuôi thủy sản thích ứng với BĐKH

Bình Đại là một trong 3 huyện biển của tỉnh Bến Tre, có tiềm năng kinh tế phát triển trong ngành nuôi thủy sản chiếm vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh nói chung và của huyện nói riêng. Đến nay, nghề nuôi thủy sản của huyện không chỉ là ngành kinh tế truyền thống mà đã phát triển thành ngành kinh tế sản xuất mũi nhọn, nhất là lĩnh vực nuôi tôm biển, nuôi nghêu và sò thương phẩm.

Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến môi trường nuôi ngày càng phức tạp làm xuất hiện dịch bệnh đối với thủy sản chưa và có giải pháp phòng trị hữu hiệu, đặc biệt đối với con nghêu, tôm, sò. Vì vậy, ngành kinh tế nuôi thủy sản ở địa phương đang đối mặt với không ít khó khăn và thách thức.

Quản lý và khai thác có hiệu quả con nghêu ở 2 hợp tác xã thủy sản.

Trước những tác động của Biến đổi khí hậu (BĐKH) ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế và sự phát triển trong lĩnh vực nuôi thủy sản của huyện. Nhằm nâng cao khả năng giảm thiểu và thích ứng, đưa ngành nuôi thủy sản phát triển ổn định toàn diện và bền vững. Huyện Bình Đại đã quy hoạch đề án “Tổng thể nuôi thủy sản” trên địa bàn huyện đến năm 2020, nhằm cơ cấu và sắp xếp lại sản xuất hợp lý, với mục tiêu xây dựng và phát triển được công ty chế biến xuất khẩu thủy sản, có cơ cấu và hình thức tổ chức phù hợp, năng suất, chất lượng và hiệu quả, có thương hiệu uy tín và khả năng cạnh tranh cao.

Hiện tại, trên địa bàn huyện đã thành lập được một Công ty chế biến thủy sản xuất khẩu, trong đó nghêu là mặt hàng chế biến chủ lực, với thương hiệu Công ty Cổ phần thủy sản Hưng Trường Phát, đóng tại xã Châu Hưng, hoạt động vào năm 2015, có khoảng 300 lao động.

Theo đó, quy hoạch hướng đến mục tiêu quản lý tốt tiềm năng đất đai, mặt nước ở các vùng mặn, lợ, ngọt, cân đối giữa các ngành nghề, loại hình nuôi theo quy hoạch, tập trung phát triển kinh tế thủy sản gắn với việc trồng cây gây rừng bảo vệ môi trường sinh thái.

Tạo điều kiện và khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống thủy sản vào khu sản xuất giống tập trung tại các xã Thừa Đức, Thới Thuận, để chủ động về con giống cơ bản đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu trên địa bàn huyện, đồng thời thực hiện đa dạng hóa đối tượng nuôi, tận dụng ưu thế từng vùng phát triển nuôi các loài thủy sản phù hợp, hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Gắn việc nuôi thủy sản với việc tổ chức lại sản xuất, đặc biệt củng cố và nâng chất hoạt động của các ban quản lý vùng nuôi ở các xã, thị trấn. Vận đồng nhân dân hình thành các tổ liên kết sản xuất nhằm phát huy tốt ý thức cộng đồng trong bảo vệ môi trường nuôi, hạn chế rủi ro và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Tăng cường các biện pháp quản lý, khai thác, sử dụng đất bãi bồi ven sông, ven biển ở các xã Tam Hiệp, Thạnh Trị, Thừa Đức, Thới Thuận, Thạnh Phước, cồn Thới Trung và chú trọng đẩy mạnh các hoạt động khuyến ngư kết hợp học tập các mô hình và xây dựng mô hình trình diễn hiệu quả theo hướng an toàn dịch bệnh, quản lý vùng nuôi thủy sản theo quy hoạch, đặc biệt thường xuyên giám sát, xử lý môi trường, kiểm soát dịch bệnh, nâng cao ý thức  quản lý cộng động, đảm bảo nghề nuôi phát triển ổn định bền vững. Phấn đấu ổn định diện tích nuôi thủy sản đến năm 2020 khoảng 18.000ha, trong đó nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh ổn định 5.000ha, tổng sản lượng thu hoạch đạt 62.000 tấn.

Phối hợp tốt các ngành chức năng tỉnh trong việc thực hiện các dự án trồng rừng, các chương trình dự án rừng phòng hộ, nhất là rừng phòng hộ xung yếu, tập trung quản lý, bảo vệ và phát triền rừng. Đồng thời, triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nuôi thủy sản, tạo điều kiện thu hút đầu tư xây dựng Công ty chế biến thủy sản xuất khẩu, trong đó hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ nghề nuôi thủy sản, các dự án mở rộng sản xuất giống thủy sản tập trung và mô hình nuôi tôm thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tập trung tổ chức quản lý và khai thác có hiệu quả con nghêu ở 2 hợp tác xã thủy sản Rạng Đông, xã Thới Thuận  và hợp tác xã thủy sản Đồng Tâm, xã Thừa Đức, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các xã vùng ven biển và giữ gìn an ninh khu vực biên giới biển./.

Thanh Hương