Kỳ 20: Vì sao Trung Quốc bám giữ yêu sách “đường lưỡi bò”
Với những nội dung đã được tổng hợp và phân tích ở phần trên, phần này cố gắng lý giải một số nét cơ bản có ý nghĩa chiến lược của Biển Đông tác động đế việc hoạch định chính sách của Trung Quốc về Biển Đông để có thể hiểu được những lý do Trung Quốc vẫn sử dụng “đường lưỡi bò” làm yêu sách của họ trên Biển Đông và [buộc phải] đưa ra công khai trong tháng 5 năm 2009.
Những yếu tố khách quan
Về giao thông vận tải, Biển Đông là con đường huyết mạch nối liền châu Âu, châu Phi và Trung Cận Đông với Đông Á và Thái Bình Dương, là tuyến đường biển có mật độ tàu thuyền qua lại đứng hàng thứ hai trên thế giới. Nhiều nước ở khu vực Đông, Bắc và Nam Á có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào tuyến đường biển này như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Xinh-ga-po… Khoảng gần 90% lượng dầu lửa nhập khẩu của Nhật Bản và Trung Quốc từ Trung Đông và Đông Nam Á, và khoảng 70% lượng hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc đi qua Biển Đông. Vì vậy, bất kể một thế lực nào, một nước nào, chỉ cần ngăn cản, thậm chí chỉ đe dọa các đường giao thông trên Biển Đông là có thể giáng một đòn chí tử vào nền kinh tế của các nước nói trên mà không cần có một hành động quân sự trực tiếp nào.
Biển Đông có tầm quan trọng không chỉ về lĩnh vực giao thông mà còn cả về chiến lược quân sự. Trên Biển Đông, đặc biệt có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, có vị trí địa – chiến lược vô cùng quan trọng. Các chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá, trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự ở khu vực, hai quần đảo này có thể được dùng làm căn cứ đồn trú và giám sát chiến lược các tuyến đường biển trọng yếu qua khu vực. Còn các chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng, nếu bố trí căn cứ tầu ngầm hạt nhân ở đây thì có thể kiểm soát được một chiến trường có bán kính rộng 4.000km và 1/5 dân số thế giới. Tất cả các nước như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga đều có lợi ích an ninh chiến lược ở Biển Đông.
Đối với Trung Quốc, giới quân sự Trung Quốc nhận định: “Biển Đông là bức tường lớn của Trung Quốc ở cửa phía Nam chúng ta”. Họ cũng mô tả đảo Trường Sa có thể được biến thành một “căn cứ quân sự vĩnh cửu, một tàu sân bay không chìm” và nếu chiếm được quần đảo Trường Sa, có thể tạo ảnh hưởng lớn đối với các nước xung quanh, và có thể tiến công xa hơn vào các biển thuộc Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương trong tương lai.
Về tài nguyên thiên nhiên, Biển Đông là biển có các mỏ và nguồn sa khoáng biển phong phú. Đặc biệt, từ sau những cuộc thăm dò, khảo sát dầu khí trong những năm 60 của thế kỷ XX cho đến nay, đã cho thấy Biển Đông có tiềm năng lớn về dầu và khí đốt. Tuy nhiên, các mỏ dầu khí này nằm gần với bờ biển của các nước xung quanh Biển Đông có nguồn dự trữ dầu mỏ to lớn cho việc khai thác trong tương lai. Đồng thời, “băng cháy” – một dạng năng lượng mới có thể thay thế dầu khí trong tương lai, cũng đã được phát hiện ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Các nước quanh Biển Đông đã và đang tích cực tiến hành thăm dò và khai thác dầu khí trên các vùng biển và thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền của mình. Riêng đối với Trung Quốc, là nước sản xuất dầu lửa lớn nhưng chủ yếu trên đất liền, do thiếu hụt nguồn năng lượng để đáp ứng cho phát triển kinh tế nên từ cuối những năm 90 của thế kỷ XX, Trung Quốc mới đẩy mạnh đầu tư và sản xuất dầu khí trên biển. Năm 2008, Trung Quốc đầu tư cho Tập đoàn Dầu khí ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC) 5,24 tỷ USD để nghiên cứu, sản xuất thiết bị phục vụ thăm dò, khai thác dầu khí trên biển và gần đây, CNOOC công bố dự án gần 29 tỷ USD để triển khai hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí vùng nước sâu ở Biển Đông trong những năm tới.
Bên cạnh tài nguyên dầu khí, Biển Đông có nhiều nguồn tài nguyên hải sản, là nguồn cung cấp thực phẩm quan trọng của các nước ven biển. Hàng năm, sản lượng đánh bắt của các nước trong khu vực chiếm khoảng 10% tổng sản lượng đánh bắt cá trên toàn thế giới. Trong lĩnh vực này, Trung Quốc là nước đánh bắt cá lớn trên thế giới, sản lượng hàng năm khoảng gần 5 triệu tấn.
Những yếu tố chủ quan
Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kế thừa các yêu sách của Trung Hoa dân quốc ở Biển Đông và trở thành nhân vật chính trong cuộc tranh chấp này. Họ là bên yêu sách chủ quyền mạnh mẽ nhất, tương ứng với tầm cỡ, sức mạnh kinh tế và quân sự, đã yêu sách các quần đảo và vùng biển rộng lớn nhất trên biển Đông.
Trước hết, theo đánh giá của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, Biển Đông có tầm quan trọng đặc biệt đối với Trung Quốc vì là đường vận chuyển năng lượng nhập khẩu từ nước ngoài về Trung Quốc. Vì vậy, các chính sách của Trung Quốc trong việc giải quyết chấp Biển Đông phải đảm bảo mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là giành quyền kiểm soát toàn bộ khu vực này, đảm bảo cho các tuyến giao thông trên biển của Trung Quốc luôn luôn thông suốt. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc sử dụng Biển Đông như là một con đường vận chuyển hàng hóa nhập khẩu hay như là nguồn cung cấp năng lượng và thực phẩm.
Để thực hiện được mục tiêu nói trên, Trung Quốc phải tìm cách đứng chân được trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thiết lập các căn cứ quân sự, các trạm kiểm soát vừa để bảo vệ quốc phòng cho lục địa Trung Quốc từ xa ở phía Nam, vừa đảm bảo được an ninh cho các tuyến giao thông của Trung Quốc trên Biển Đông. Chính sách này của Trung Quốc được xây dựng trên cơ sở một kế hoạch chiến lược, theo đó việc chiếm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là cực kỳ quan trọng, do tầm quan trọng chiến lược của các quần đảo này có khả năng kiểm soát toàn bộ Biển Đông.
Các biện pháp triển khai chính sách trên được che đậy dưới hình thức thường xuyên khẳng định chủ quyền “không thể tranh cãi”, là “hiển nhiên” của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nó được nêu trong các văn bản pháp luật, trên các phương tiện thông tin tuyên truyền vừa để hợp thức hóa về “quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với hai quần đảo này, vừa để tạo ra sự ủng hộ ở trong và ngoài nước cho các tuyên bố và hành động của họ ở Biển Đông, vì rằng nếu một vấn đề, cho dù không đúng sự thật, mà được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong một khoảng thời gian dài thì nó cũng có thể trở thành sự thật.
Thứ hai, chính sách dài hạn của Trung Quốc đối với tranh chấp Biển Đông là hướng tới mục tiêu ngăn cản một giải pháp, vì rằng nếu các nước trong khu vực thỏa thuận được việc phân định rõ ràng các vùng biển hay thềm lục địa của mỗi nước, hay thậm chí giữa các nước đạt được một thỏa thuận nào đó giúp ổn định tình hình trên Biển Đông; đồng thời Trung Quốc cũng tìm cách tránh mở rộng xung đột để không cho các cường quốc bên ngoài nhảy vào. Mặc dù Trung Quốc đã đề nghị đàm phán với các bên yêu sách khác trên cơ sở song phương hay giải pháp “gác tranh chấp, cùng khai thác”, nhưng các biện pháp đó cũng chỉ cách “bẻ từng chiếc trong bó đũa” ASEAN và che giấu ý đồ của họ. Chính sách này giống như cách giải quyết của Trung Quốc trong tranh chấp với Nhật Bản ở Đông Hải.
Sau sự kiện Trung Quốc đưa quân xuống xâm chiếm quần đảo Trường Sa đầu năm 1988, Trung Quốc thực hiện chiến lược “chen lấn” và “lôi kéo” ở Biển Đông. Có thể nhận thấy là sau những hành động xâm lược thường là những biện pháp hòa giải. Ví dụ, trong tháng 02 năm 1995, khi Phi-líp-pin phản đối Trung Quốc xây dựng các công trình trên bãi đá Vành Khăn, thì tháng 8 năm đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Trung Quốc sẵn sàng đàm phán về cuộc xung đột này trên cơ sở luật pháp quốc tế. Lối cư xử mềm/rắn trong chính sách của Trung Quốc có thể cho thấy Trung Quốc nhận thấy lợi ích trong việc giữ cho cuộc tranh chấp “ấm lên”, trong khi tránh để nó phát triển thành khủng hoảng trầm trọng. Đề nghị “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc mà đứng trên quan điểm “cái gì của tôi là của tôi, cái gì của anh là của chúng ta” thì chỉ là những lời nói hoa mỹ, không một ai, một nước nào có thể chấp nhận. Mục tiêu Trung Quốc đưa ra đề nghị này là tung hỏa ù để tiếp tục duy trì nguyên trạng trên Biển Đông - một tình trạng bất ổn cho các bên yêu sách khác, một tình trạng có lợi cho Trung Quốc.
Bên cạnh đó, qua việc một số công ty dầu khí lớn trên thế giới, trong đó có của Mỹ, đang triển khai các hoạt động hợp tác thăm dò khai thác dầu khí với Việt Nam trên thềm lục địa Việt Nam nhưng trong phạm vi “đường quản lý lịch sử” của Trung Quốc, thì Trung Quốc cho rằng Mỹ đang núp bóng dưới các công ty dầu mỏ để nhúng tay vào cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Vì vậy, nếu Trung Quốc để Mỹ tự do nhúng tay vào tranh chấp ở đây, thì Mỹ và các nước đồng minh sẽ cùng các bên tranh chấp tạo thành vòng vây xung quanh kìm hãm Trung Quốc. Khi đó, vấn đề an ninh của Trung Quốc sẽ bị đe dọa nghiêm trọng, Để tránh Mỹ can thiệp bằng vũ lực, Trung Quốc sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Để tránh Mỹ can thiệp bằng vũ lực, Trung Quốc đã và đang sử dụng “đường quản lý lịch sử” và các biện pháp kinh tế để gây sức ép lên các công ty và Chính phủ của họ rút khỏi các hợp đồng làm ăn với Việt Nam, nhằm xóa bỏ “lá cờ Mỹ” trên Biển Đông.
Thứ ba, đối với Trung Quốc, việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông có liên quan sâu sắc tới sự tôn nghiêm và uy tín của họ. Chủ quyền, phẩm hạnh, niềm tự hào dân tộc, việc hạ nhục nhân cách… là những nhân tố có tầm quan trọng đặc biệt, thường được các nhà hoạch định chính sách vận dụng để duy trì quyền lực của nhà nước Trung Quốc. Hơn nữa, mục tiêu giành lại những lãnh thổ đã mất trở nên rất quan trọng nhằm khôi phục lại vị trí của Trung Quốc như một cường quốc trong khu vực và trên thế giới.
Ở Trung Quốc, khái niệm chủ quyền liên quan không chỉ đến việc bảo vệ lãnh thổ của Trung Quốc chống lại nước khác, mà còn cần sự thống nhất ở trong nước. Những sự kiện kêu gọi bảo vệ “chủ quyền lịch sử” liên tục được lặp lại, được tiến triển hay “bịa đặt lại” ở Trung Quốc đã kích động cảm giác “quốc gia bị làm nhục” trong tâm lý người dân Trung Quốc. Ngay cả trong giới lãnh đạo Trung Quốc cũng xuất hiện cảm nghĩ đó, rằng trong vài năm trở lại đây, Trung Quốc lại trở thành đối tượng can thiệp của các cường quốc thù địch. Mặt khác, do các nước cùng tranh chấp ở Biển Đông đa số là các nước nhỏ và nghèo, nếu Trung Quốc nhượng bộ thì vai trò nước lớn của họ trên trường quốc tế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và sức ép nội bộ trong nước sẽ rất lớn, thậm chí có thể còn dẫn đến hỗn loạn trong tầng lớp nhân dân. Vì vậy, các hình thức đòi lại yêu sách “chủ quyền lịch sử” ở Biển Đông được các giới ở Trung Quốc duy trì dưới nhiều hình thức tuyên truyền và ở các thời điểm khác nhau.
Vấn đề này cũng có mặt trái của nó, gây ra tình trạng tiến thoái lưỡng nan mà Trung Quốc đang gặp. Một mặt, nhu cầu về nguồn tài nguyên để duy trì sự phát triển dẫn đến Trung Quốc thực hiện chính sách bành trướng để đảm bảo có nguồn dầu lửa và hải sản. Mặt khác, Trung Quốc cần tránh các hoạt động quân sự để duy trì mối quan hệ kinh tế tốt đẹp với các nước Đông Nam Á, trong khi vẫn phải khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông phải được bảo vệ. Đó là “một thách thức nghiêm trọng mà nền ngoại giao Trung Quốc đang phải đối mặt là làm sao bảo vệ được chủ quyền [của Trung Quốc] trên các đảo ở Nam Sa, và đồng thời không kích động những ảnh hưởng tàn phá mối quan hệ chính trị giữa Trung Quốc và ASEAN”.
Nhìn chung, các chính sách nói trên của Trung Quốc được hoạch định trên quan điểm “được ăn cả ngã về không”. Việc “nuôi” yêu sách “đường lưỡi bò” vừa giải quyết được vấn đề đối nội là chính phủ hiện nay vẫn cương quyết bảo vệ chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông, vừa giải quyết vấn đề đối ngoại là gây áp lực lên các bên yêu sách khác. Có thể khẳng định rằng, các nhà hoạch định chính sách biển của Trung Quốc hiểu được tính phi lý của “đường lưỡi bò” nên không đưa ra các tuyên bố như Trung Hoa dân quốc đã làm trước năm 1996, mà chỉ “nuôi” nó dưới hình thức phổ biến gián tiếp, trên các kênh thông tin tuyên truyền phi chính phủ để tạo “nguồn dự trữ rộng rãi” cho lúc phải dùng đến. Về lĩnh vực này, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc có thể được xem là bậc thầy. Việc sử dụng thông tin mập mờ cũng là một thủ thuật mặc cả. Nếu đối phương phản đối, nghĩa là tạo ra diễn đàn tranh luận về một cái “phi lý”, là “xuất phát điểm mặc cả” để rồi nó trở thành cái “có giá trị” trao đổi trên bàn đàm phán.
Nếu không có quy định của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc về thời hạn cuối cùng các nước phải nộp Báo cáo Xác định ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý của mình vào ngày 13 tháng 5 năm 2009, có lẽ Trung Quốc sẽ còn tiếp tục “nuôi” yêu sách “đường lưỡi bò” cho đến khi họ có đủ thế và lực để độc chiếm/khống chế Biển Đông mới đưa ra công khai.
Tại Hội nghị các nước thành viên Công ước Luật Biển 1982 tổ chức năm 2008, Đoàn đại biểu Trung Quốc tham dự Hội nghị cùng một số nước không đủ tiềm lực về ngân sách và kỹ thuật để hoàn thành báo cáo trước thời hạn đã được ấn định, đã đề nghị lùi thời điểm này lại. Tuy nhiên, Hội nghị không chấp nhận thay đổi thời hạn nộp báo cáo mà chỉ chấp nhận điều chỉnh nội dung báo cáo. Theo đó, nước nào chưa hoàn thành báo cáo đầy đủ thì nộp báo cáo sơ bộ, trong đó cần nêu rõ (i) khối lượng công việc đã hoặc chưa hoàn thành; (ii) khu vực thềm lục địa dự kiến xác định ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý; (ii) thời gian dự kiến nộp báo cáo đầy đủ.
Như vậy, với tinh thần của Hội nghị nói trên, nếu muốn mở rộng ranh giới thềm lục địa vượt ra ngoài 200 hải lý, Trung Quốc bắt buộc phải xác định rõ khu vực dự kiến xác định ranh giới thềm lục địa của mình, nghĩa là phải thể hiện yêu sách của mình đến đâu. Vào ngày 11 tháng 5 năm 2009, Trung Quốc nộp Báo cáo sơ bộ của mình nhưng chỉ liên quan đến khu vực Đông Hải, không đề cập đến khu vực Biển Đông. Đồng thời, ngày 07 tháng 5 năm 2009, thay cho việc nộp báo cáo sơ bộ ở khu vực Biển Đông, Trung Quốc gửi công hàm phản đối các Báo cáo Việt Nam và Ma-lai-xia về xác định ranh giới thềm lục địa của hai nước ở Biển Đông có kèm theo bản đồ thể hiện “đường lưỡi bò”.
Trong điểm 5 (a) Phụ lục I của Quy định về thủ tục của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc quy định: “Trong trường hợp có tranh chấp liên quan đến biển hay đất liền, Ủy ban sẽ không xem xét báo cáo nộp bởi một trong các quốc gia liên quan đến tranh chấp. Tuy nhiên, Ủy ban có thể xem xét báo cáo liên quan đến khu vực tranh chấp nếu tất cả các quốc gia liên quan cũng đồng ý như vậy”. Trung Quốc đã dựa vào quy định này để đưa ra phản đối, ngăn cản Việt Nam và Ma-lai-xia xác định ranh giới thềm lục địa của hai nước. Trong trường hợp nếu Ủy ban chấp nhận công hàm của Trung Quốc, điều đó cũng đồng nghĩa với việc các Báo cáo của Việt Nam và Ma-lai-xia không được xem xét.
Đối với Trung Quốc, đây là tình thế bắt buộc, không còn lúc nào khác và dù muốn hay không, Trung Quốc cũng phải bộc lộ yêu sách của mình cho dù nó phi lý. Ngược lại, nếu không phản đối, Trung Quốc sẽ không thực hiện được chính sách của họ trên Biển Đông – là duy trì sự ổn định trên vùng biển này, một tình huống không phục vụ cho các lợi ích của Trung Quốc.