Trung đoàn Công binh 83 Hải quân (nay là Lữ đoàn 83) được thành lập ngày 19/8/1958. Là một trong những đơn vị nòng cốt của Quân chủng Hải quân, trực tiếp tham gia xây dựng các công trình trên đảo thuộc quần đảo Trường Sa, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Phóng viên VOV phỏng vấn Thượng tá Lã Ngọc Tuân, Phó Chính ủy Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân.
Vận chuyển đá xây kè chắn sóng đảo Trường Sa.
PV: Thưa ông, hơn 58 năm xây dựng và trưởng thành, Lữ đoàn 83 đã trải qua những năm tháng hoạt động ý nghĩa như thế nào trong quá trình xây dựng các đảo?
Thượng tá Lã Ngọc Tuân: Trung đoàn Công binh 83 Hải quân (nay là Lữ đoàn) được thành lập ngày 19/8/1958. Sau khi giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của toàn đảng, toàn dân, trong đó Quân chủng Hải quân là lực lượng nòng cốt.
Nhằm tăng cường lực lượng xây dựng các công trình phòng thủ trên quần đảo Trường Sa, tháng 3/1976, Lữ đoàn Công binh 83 trực thuộc Quân khu 5 được điều sang trực thuộc Quân chủng Hải quân. Từ đó đến nay Lữ đoàn Công binh 83 là lực lượng chủ yếu của Quân chủng, trực tiếp tham gia xây dựng các công trình trên đảo thuộc quần đảo Trường Sa, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Có thể nói rằng, việc tăng cường sức chiến đấu cho quần đảo Trường Sa bằng các công trình trên đảo là một nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng, tiến hành trong điều kiện thời tiết vô cùng khó khăn, phức tạp, yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi cao cả về chất lượng công trình cũng như tiến độ thi công. Ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã xác định: Xây dựng các công trình tăng cường phòng thủ trên các đảo không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là tình cảm đối với vùng đất xa xôi của Tổ quốc.
Từ đó chúng tôi luôn quán triệt sâu sắc nhiệm vụ được giao, thường xuyên làm tốt công tác giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ xác định quyết tâm, đoàn kết khắc phục mọi khó khăn, đồng thời chuẩn bị đầy đủ mọi mặt phục vụ cho nhiệm vụ, do vậy qua 40 năm tham gia thực hiện nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa, chúng tôi luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, xứng đáng với truyền thống đơn vị “chiến đấu anh dũng, lao động sáng tạo, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Để ghi nhận kết quả hoàn thành niệm vụ của đơn vị, năm 1995 Lữ đoàn được Đảng, Nhà nước tuyên dương đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang lần thứ 2 “vì có thành tích đặc biệt xuất sắc góp phần xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đổi mới”.
Thi công bể chứa nước ngọt trên đảo.
PV: Phương châm huấn luyện chiến sĩ mới của đơn vị là “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, quá trình huấn luyện này đã “ra lò” những người lính Công binh có phẩm chất như thế nào, thưa ông?
Thượng tá Lã Ngọc Tuân: Huấn luyện chiến sĩ mới là bước khởi đầu, mang tính bản lề, tạo cơ sở hình thành kỹ năng quân sự, phẩm chất, bản lĩnh của người quân nhân cách mạng, đây vừa là mục tiêu, là yêu cầu phải đạt được đối với Lữ đoàn trong năm 2016, khi được Quân chủng giao huấn luyện 300 chiến sĩ mới.
Năm qua, kết quả huấn luyện chiến sĩ mới của Lữ đoàn giỏi; bảo đảm an toàn tuyệt đối. Đây có thể nói là nền tảng cơ bản, vững chắc để những chiến sĩ Công binh có phẩm chất, năng lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cụ thể: Sau khóa huấn luyện, 100% chiến sĩ an tâm công tác, nắm chắc kiến thức được trang bị, có phẩm chất đạo đức tốt, sức khỏe dẻo dai, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị.
Các chiến sĩ đều có ý thức chấp hành kỷ luật cao, tự giác, có ý chí vượt mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; chấp hành nghiêm mọi quy định của đơn vị. Qua đánh giá kết quả năm 2016, 100% chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều đồng chí được tặng danh hiệu chiến sĩ tiên tiến năm 2016.
PV: Thưa ông, để xây dựng được những công trình kiên cố ở Trường Sa, việc nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật hay các sáng kiến trong quá trình thi công để đạt hiệu quả cao nhất được cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 83 thực hiện như thế nào?
Thượng tá Lã Ngọc Tuân: Quá trình xây dựng các công trình trên quần đảo Trường Sa là một quá trình thử thách rất lớn đối với cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn, bởi như trước đây, sau ngày thành lập Lữ đoàn thì nhiệm vụ của đơn vị chủ yếu là phục vụ chiến đấu và xây dựng các công trình như cầu, đường, sân bay. Nay chuyển sang xây dựng các công trình trên đảo trong điều kiện thời tiết sóng gió, quá trình thi công phụ thuộc vào con nước thủy triều. Việc thi công các hạng mục dưới nước cũng như chuyển vật liệu từ tàu vào chân công trình rất khó khăn.
Phút giây thư giãn của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 83 với ca sĩ đoàn công tác thăm quần đảo Trường Sa.
Từ đặc điểm như vậy, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn luôn thể hiện ý chí quyết tâm rất cao, vừa làm vừa học, vừa rút kinh nghiệm. Nhằm giảm tối đa quân số đi xây dựng trong điều kiện chật hẹp, chủ trương của Lữ đoàn là cơ giới hóa các khâu xây dựng, từ đó đã nghiên cứu, mạnh dạn đầu tư mua sắm một số trang thiết bị và phát huy dân chủ trong thực hiện nhiệm vụ.
Vì vậy trong thi công đã có nhiều sáng kiến được đưa ra và áp dụng rất hiệu quả, giảm được nhân lực, rút ngắn thời gian thi công, nhưng vẫn đạt và vượt năng suất. Những sáng kiến đó có thể kể ra như: sáng kiến băng truyền chuyển tải bê tông lên cao; sáng kiến xuồng chuyển vật liệu xả đáy, sáng kiến dùng Palăng xích để di chuyển những thiết bị nặng hơn chục tấn trong điều kiện địa hình khó khăn... và nhiều sáng kiến nhỏ khác, đưa năng suất lao động lên 200%.
PV: Lãnh đạo Lữ đoàn đã đề ra những giải pháp gì để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở nơi biển đảo khó khăn, thưa ông?
Thượng tá Lã Ngọc Tuân: Trong xây dựng công trình nói chung và xây dựng công trình chiến đấu, phục vụ chiến đấu nói riêng, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn luôn coi trong thực hiện phương châm “chất lượng, mỹ quan, an toàn, tiết kiệm”, từ đó chúng tôi đã triển khai toàn diện, đồng bộ và coi trọng công tác hiệp đồng với các lực lượng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đây là yếu tố quyết định đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Để xác định tốt mục tiêu chất lượng và tiến độ trong thi công, chúng tôi đã đưa ra một số giải pháp:
Trước hết phải làm tốt công tác giáo dục, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ nắm chắc nhiệm vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý chí quyết tâm trước nhiệm vụ được giao. Đồng thời trước khi triển khai thực hiện nhiệm vụ, tổ chức tập huấn cho cán bộ và đội ngũ thợ chuyên môn để nâng cao khả năng hoàn thành nhiệm vụ, chất lượng và tiến độ công trình, tích cực nghiên cứu, bổ sung hoàn chỉnh các phương án thi công phù hợp với thực tiễn trên từng đảo.
Đơn vị cũng thường xuyên giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ luôn có tình yêu biển đảo, yêu nghề, yêu những công trình mình xây dựng với tình cảm, trách nhiệm và lương tâm của người lính thợ, thấy được giá trị của công sức và những giọt mồ hôi trong công việc của mình sẽ góp phần làm tăng thêm sự vững chắc của các công trình phòng thủ đảo, từ đó mỗi người có trách nhiệm hơn, tâm huyết hơn, bảo đảm chất lượng công trình tốt hơn.
Ngoài ra, đơn vị luôn quan tâm, chăm lo bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ trong quá trình làm nhiệm vụ để họ an tâm công tác, tận tụy với công việc, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
PV: Xin cảm ơn ông.