Vừa qua, tại Khu di tích lịch sử quốc gia Đình Phú Lễ, xã Phú Lễ (Ba Tri), Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Ba Tri tổ chức Lễ công bố Quyết định của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về việc ghi danh “Hát sắc bùa Phú Lễ vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Đến dự có ông Trần Ngọc Tam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, ông Lê Văn Gặp, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, ông Nguyễn Văn Lai, Bí thư Huyện ủy, ông Dương Minh Tùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, lãnh đạo ban ngành, đoàn thể huyện, xã, đoàn viên, giáo viên, học sinh và nhân dân xã Phú Lễ.
Ông Trần Ngọc Tam, Phó Bí thư Tỉnh ủy trao giấy chứng nhận về việc ghi danh “Hát sắc bùa Phú Lễ vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thì “sắc” có nghĩa là màu sắc, “bùa” là vật để làm phù phép trừ ma quỷ. Có thể hiểu, sắc bùa là một mảnh giấy màu, trên vẽ chữ phù phép (còn gọi là chữ bùa) để đội hát sắc bùa yếm quỷ, trừ tà trước cửa nhà gia chủ khi thực hành hát nghi lễ.
Hát sắc bùa là hình thức diễn xướng tổng hợp có chức năng chúc tụng “người yên, vật thịnh” trong dịp Tết Nguyên đán. Hiện vẫn chưa có câu trả lời chính xác về thời điểm ra đời của hình thức văn hóa dân gian đặc sắc này, chỉ biết đây là một dân ca tối cổ và cho đến nay chắc đã có nhiều mai một, biến đổi so với hình thức nguyên sơ.
Ở Bến Tre, tục hát sắc bùa được xác định là có nguồn gốc từ nam Trung Bộ, mà cụ thể là vùng Quảng Ngãi - Bình Định, đã cùng lưu dân vào Nam trong quá trình khai phá lập vùng đất Phú Lễ, huyện Ba Tri trong khoảng thời gian giữa thế kỷ 18. Hát sắc bùa Phú Lễ được ghi nhận là do ông Trần Văn Hậu, con rể của ông Hồ Đức Quang “Thấy điệu hát sắc bùa ở Bình Định hay, mới đem về dạy cho dân Phú Lễ hát” và tồn tại cho đến những năm đầu thập kỷ 70 - thế kỷ XX. Lúc đầu chỉ có đội xã Phú Lễ, sau đó các đội viên làm nòng cốt phát triển sang các xã lân cận như: Phước Tuy, Phú Ngãi, Bảo Thạnh, An Bình Tây (Ba Tri) và Tân Thanh (Giồng Trôm)*.
Hát sắc bùa Phú Lễ là một sinh hoạt văn nghệ dân gian có tính chất lễ nghi nông nghiệp pha tạp với pháp thuật đạo giáo, mang yếu tố tâm linh, cầu cho năm mới “phong đăng hòa cốc”, mùa màng cây cối tốt tươi, tống quỷ, trừ ma, cầu cho trăm nghề tấn phát, cầu bình an gia đạo. Trong đời sống tâm linh của người Bến Tre, nhu cầu được “tống ra khỏi nhà, ra khỏi xóm ấp, khỏi làng quê những tai ương, những điều không vui, không phải, những tà, ma, quỷ quái” của năm cũ, đồng thời cầu mong năm mới “dân an, vật thịnh, nhà nhà hoan lạc, âu ca” đến nay vẫn còn hằn sâu trong tâm thức.
Hát sắc bùa Phú Lễ kết hợp nhiều nghệ thuật dân gian, gồm hát múa và diễn xướng sân khấu sơ khai, hình thức cử hành nghi lễ phù hợp với trình độ tư duy và cảm thụ nghệ thuật của cư dân nông nghiệp. Ngoài việc đáp ứng yêu cầu thực hành nghi lễ và hát giúp vui trong ngày Xuân, tháng Tết, đội hát sắc bùa Phú Lễ còn thực hiện hát giúp vui trong những ngày diễn ra lễ hội đình làng theo yêu cầu của Ban Khánh tiết đình thần và của chính quyền địa phương, nhưng chỉ thực hiện phần hát giúp vui.
Một đội hát sắc bùa có ít nhất là bốn nghệ nhân, đủ nhất là sáu nghệ nhân, có khi lên đến tám hoặc mười hai người, dưới sự điều khiển của một ông bầu. Thành viên của đội hát sắc bùa vừa là diễn viên, vừa là nhạc công. Nhạc cụ của một đội hát sắc bùa gồm: một đàn cò, một trống cơm và sanh tiền, sanh cái được chia đều cho số nghệ nhân còn lại.
Lời hát sắc bùa Phú Lễ là những bài thơ dài thuộc thể thơ lục bát, thơ năm chữ hoặc bốn chữ, xuất xứ từ thơ ca trữ tình của nền văn học dân gian, có cùng một làn điệu và bố cục gần như tương tự.
Các bài này xây dựng trên điệu thức Nam kết hợp với điệu thức Oán phảng phất âm hưởng hát Bài chòi và điệu Xuân nữ. Nhưng chúng đã biến hóa và phát triển thành một ca khúc khá ổn định, khá hoàn chỉnh.
Một bài hát sắc bùa thường chia thành ba phần:
Phần mở đầu là những câu rao do ông bầu mang trống cơm vỗ trống hát bắt giọng gọi là Cái kể, nhằm tạo không khí cuộc hát và chuẩn bị cho “Con xô” lấy giọng. Các nghệ nhân sử dụng sanh tiền, sanh cái gõ phách nhịp và đờn cò đờn dạo theo. Kết thúc phần mở đầu là phần nội dung. Thường câu đầu của nội dung bài hát do tất cả các đội viên vào nhịp, được gọi là Con xô. Câu thứ hai Cái kể, câu thứ ba Con xô. Các bài được hát có sự luân phiên giữa bè đố và bè đáp giữa Cái kể - Con xô, cho đến hết phần nội dung. Với tốc độ từ chậm rãi đến nhanh dần, đến một nhịp điệu cố định, đều đặn ít biến hóa; nhưng hấp dẫn người xem nhờ không khí biểu diễn cùng ý lời luôn luôn mới lạ và ngộ nghĩnh. Hai câu sau cùng là hai câu kết thúc, toàn đội sẽ cùng hát.
Thông qua hình thức truyền miệng, ông bầu có nhiệm vụ sáng tác bài bản mới đáp ứng yêu cầu hát chúc nghề nghiệp và hát giúp vui để hướng dẫn cho đội luyện tập.
Nếu như diễn xướng dân gian khu vực Nam bộ - gồm các tỉnh Đông và Tây Nam bộ - chỉ gồm các thể loại hò, lý, hát ru, hát đưa em và nói vè, thì ở Bến Tre và chỉ ở xã Phú Lễ mới có loại thể diễn xướng dân gian sắc bùa độc đáo này. Theo nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của xã hội, nội dung hát sắc bùa ngày càng được mở rộng, thoát ly khỏi môi trường tập tục nghi lễ, do đó nhiều bài bản mang tính chất vui chơi giải trí, phản ánh mọi khía cạnh cuộc sống tình cảm của con người. Hát sắc bùa ngày Xuân là nhu cầu thiết yếu của nhân dân trong ngày đầu năm không chỉ của người Phú Lễ mà còn của cư dân quanh vùng. Chính vì vậy, hát sắc bùa Phú Lễ phát triển và tồn tại lâu dài trong đời sống tinh thần của người Phú Lễ nói riêng, của người Bến Tre nói chung.
Hát sắc bùa Phú Lễ đã khơi dậy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đồng thời còn là nơi hội tụ của các giá trị trong đó có giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, giá trị khoa học. hát sắc bùa mang tính chất giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ để giữ gìn các bản sắc văn hóa mà tổ tiên, ông cha để lại.
Hát sắc bùa Phú Lễ là không gian sinh hoạt văn hóa, không gian thực hành các nghi lễ truyền thống diễn ra một cách bài bản, lôgic với phần hát nghi lễ yếm quỷ, trừ tà và chúc phúc, chúc nghề, chúc xuân cho gia chủ và cho khách du xuân, đó là điểm rất độc đáo của Hát sắc bùa và đã đáp ứng được nguyện vọng của người dân cầu cho mùa màng tươi tốt, xóm làng bình yên, con người được mạnh khỏe... Đây còn là nơi gặp gỡ giao lưu, cùng nhau sinh hoạt cộng đồng tạo nên sự đoàn kết gắn bó, đậm thắm tình quê hương.
Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, hát sắc bùa Phú Lễ, huyện Ba Tri rất xứng đáng được vinh danh.