Theo thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Ba Tri, tính từ đầu năm đến giữa tháng 8/2017, toàn huyện Ba Tri đã xảy ra 250 ca sốt xuất huyết. Địa bàn tập trung tại các xã An Thủy, Tân Thủy, An Hòa Tây, Bảo Thuận, thị trấn Ba Tri, An Đức, An Hiệp, An Phú Trung, Phú Lễ và Phước tuy. Mặc dù ngành chức năng đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng bệnh, song, tình hình bệnh sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp.
Phun thuốc diệt muỗi khu vực xung quanh nơi xảy bệnh.
Công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết tại huyện Ba Tri được ban chỉ đạo huyện và các ngành chức năng, các xã, thị trấn quan tâm thực hiện ngay từ đầu năm. Từ ý thức chủ động phòng bệnh ban đầu nhằm tránh nguy cơ lan rộng thành dịch, Trung tâm Y tế huyện đã tổ chức nhiều đợt tẩm mùng và diệt lăng quăng tại các xã có nhiều nguy cơ xảy ra bệnh sốt xuất huyết cao. Công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh sâu rộng trong quần chúng nhân dân, làm cho nhân dân hiểu được tác hại và cách phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế huyện Ba Tri phối hợp Đài Truyền thanh huyện và các xã, thị trấn thường xuyên thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời tổ chức cấp, phát tờ bướm cho học sinh và nhân dân trong huyện. Đặc biệt, việc tuyên truyền với hình thức trực tiếp thông qua nhân viên y tế cơ sở được đẩy mạnh. Đối với những nơi xảy ra bệnh, Trung tâm Y tế huyện lập tức phun hoá chất diệt muỗi nhằm kịp thời xử lý, không để bệnh lây lan.
Tuy nhiên, trong khi nhiều người rất quan tâm, chủ động phòng tránh bệnh sốt xuất huyết thì vẫn còn không ít người thờ ơ. Họ nhận thức đầy đủ sự nguy hiểm của bệnh nhưng chủ quan, sốt mà chỉ nằm nhà, không đi khám ngay, đến khi mệt li bì, xảy ra biến chứng mới đến viện. Nhiều người cũng rất thờ ơ, chủ quan trong công tác phòng bệnh. Khi nhân viên y tế đến hướng dẫn, hỗ trợ diệt muỗi, diệt lăng quang, họ xem như mình không có trách nhiệm.
Một vấn đề khó khăn trong công tác diệt muỗi, diệt lăng quăng mà ngành y tế huyện Ba Tri đang gặp phải là đối với những hộ sử dụng nước mưa để uống thì họ không chịu thả cá vào dụng cụ trữ nước. Còn các hộ có nhà khang trang thì không cho nhân viên y tế phun thuốt diệt muỗi.
Hiện đang là mùa mưa, đây là thời điểm muỗi phát triển mạnh và cũng thường là lúc dễ mắc sốt xuất huyết, nhất là trẻ em. Sốt xuất huyết nếu không phát hiện kịp thời sẽ rất nguy hiểm, khả năng tử vong cao.
Trung tâm y tế huyện Ba Tri đang tập trung phun thuốc diệt muỗi, diệt lăng quăng tại các khu vực xảy ra bệnh nhằm ngăn chặn bệnh lây lan. Song, để phòng bệnh sốt xuất huyết có hiệu quả, ngoài việc thực hiện nghiệp vụ chuyên môn của ngành chức năng thì mọi người cần tích cực hưởng ứng công tác diệt muỗi, diệt lăng quăng. Đồng thời sử dụng nhiều biện pháp khác nhằm tránh để muỗi đốt, nhất là vào thời điểm sáng sớm và hoàng hôn vì đây là lúc muỗi hoạt động mạnh nhất.
Bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc-xin để phòng bệnh và thuốc đặc hiệu để điều trị. Mức độ bệnh tiến triển từ sốt xuất huyết thông thường sang sốt xuất huyết nặng không lường trước được. Vì vậy, ngành y tế huyện Ba Tri đang cùng cộng đồng người dân thực hiện công tác giám sát, phòng chống bệnh một cách chặt chẽ. Phòng bệnh chủ yếu là tránh muỗi đốt; diệt bọ gậy, lăng quăng và muỗi trưởng thành bằng tất cả các biện pháp hiệu quả, khả thi; đồng thời thường xuyên vệ sinh cảnh quan, môi trường sống để loại bỏ các ổ chứa nước đọng là điểm sinh sản của muỗi ở trong nhà và ngoài nhà. Khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị phù hợp.