Trong những năm gần đây công tác giảm nghèo luôn được xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú quan tâm đặc biệt. Qua bình xét cuối năm 2017, Thới Thạnh là một trong 03 xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất huyện, chiếm 5,69% và là xã có tỷ lệ giảm nghèo cao nhất huyện trong năm 2017 với hơn 6%.
Đạt được kết quả trên chính nhờ xã duy trì tốt việc tổ chức các buổi họp mặt, đối thoại với người nghèo nhằm lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo, từ đó tìm ra giải pháp thực hiện. Bên cạnh, giới thiệu các mô hình hay, cách làm hiệu quả những hộ thoát nghèo bền vững để nhân rộng. Đồng thời, phối hợp với các cơ sở dạy nghề giới thiệu một số ngành nghề phù hợp cho lao động nghèo nông thôn, thực hiện chính sách ưu đãi vay vốn cho hộ nghèo.
Ảnh: Tặng quà cho người nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn
Đầu năm 2017, xã có gần 240 hộ nghèo chiếm 11,70%, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nghèo được xác định là thiếu đất canh tác, vốn sản xuất, không có việc làm ổn định, già yếu, ốm đau, bệnh tật,...Vì vậy, xã tập trung vào các giải pháp giảm nghèo như: ưu đãi vốn vay cho hộ nghèo, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng nhà ở, tư vấn giới thiệu việc làm và dạy nghề cho lao động nghèo để từng bước nâng cao mức sống, thoát nghèo bền vững.
Hiện nay, các đoàn thể xã đều có mô hình giảm nghèo, nổi bật và hiệu quả nhất là mô hình giúp nhau phát triển kinh tế bằng cách hỗ trợ vốn, cây con giống,...đang được cả Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ và Nông dân thực hiện.
Bà Trần Thị Mộng Thúy, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Thới Thạnh cho biết: “Hội có nhiều hình thức giúp hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế như: bảo lãnh cho các chị tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm; vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để chăn nuôi. Bên cạnh, phối hợp Trung tâm GDNN – GDTX huyện mở các lớp đào tạo nghề; tư vấn xuất khẩu lao động, giới thiệu việc làm. Vận động các Chi hội thành lập các Tổ Tương trợ cho mượn vốn xoay vòng, đến nay đã thành lập được 14 tổ với số tiền gần 40 triệu đồng, giúp cho 20 chị mượn để phát triển kinh tế. Ngoài ra, Hội vận động chị khá giúp cho chị nghèo bằng việc cho mượn tiền, hỗ trợ cây con giống. Nhờ đó, trong năm 2017, có 20 chị làm chủ hộ thoát nghèo”.
Ngoài ra, xã vận động người dân phát huy triệt để những cây con có thế mạnh tích cực sản xuất, nâng cao đời sống như con bò, dê, gà, tôm càng xanh, đặc biệt là cây dừa để nâng cao đời sống người dân, hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 41 triệu đồng/người/năm.
Mô hình giảm nghèo từ Dự án bò Heifer tiếp tục phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho hộ nghèo tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững, đang thực hiện chu kỳ 4 với gần 150 hộ nghèo tham gia dự án, trong đó có hơn 40 hộ đã thoát nghèo. Bên cạnh đó, các ngành nghề phi nông nghiệp giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi, hộ nghèo, cận nghèo, cụ thể là đan lục bình, đan dây nhựa trên khung sắt, may gia công và kết cườm.
Ngoài ra, các chính sách an sinh xã hội khác đang được thực hiện khá tốt, năm 2017 xã tiếp tục vận động xây tặng hơn 10 căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách là hộ nghèo, gần 20 căn nhà tình thương cho hộ nghèo, giúp họ an tâm sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, vận động tặng hơn 1.000 phần quà cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách dịp lễ, tết. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho gần 10 hộ có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất với số tiền 300 triệu đồng. Ngoài ra, hộ nghèo còn được tiếp cận các nguồn vốn vay khác thông qua các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên và Hội Nông dân. Hệ thống giao thông từng bước được xã quan tâm đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, vận chuyển hàng hóa. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp giúp cho Thới Thạnh đạt được nhiều mục tiêu đề ra trong công tác giảm nghèo.
Cuối năm 2017, qua rà soát Thới Thạnh có hơn 120 hộ thoát nghèo, còn 115 hộ nghèo, chiếm 5,69%. Đây là cơ sở quan trọng giúp xã đạt tiêu chí số 10 về thu nhập và tiêu chí số 11 về hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới.
Hộ bà Nguyễn Thị Mai, 50 tuổi ở ấp Xương Thới I, trước đây là hộ nghèo của xã, nhờ nguồn vốn vay do Hội Nông dân bảo lãnh gia đình đầu tư vào sản xuất đến nay đời sống dần khấm khá và mới thoát nghèo vào cuối năm 2017, chia sẻ về điều này, bà Mai nói: “Trước đây gia đình có 5 công đất trồng dừa nhưng chưa cho trái, cuộc sống gia đình hết sức khó khăn, nhờ nguồn vốn vay bên nông dân tôi trồng xen so đũa để nuôi dê, hiện nay được hơn 20 con, cộng thêm dừa đã cho trái nên cuộc sống đỡ hơn so với trước, gia đình mới tích góp cất được căn nhà khang trang, tôi rất mừng”.
Bà Lâm Thị Hoàng Lan, Chủ tịch UBND xã Thới Thạnh cho biết: “Công tác giảm nghèo của xã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định. Thời gian tới, xã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chú trọng phát triển kinh tế. Đồng thời, có sự phân công và giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đoàn thể để xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp nhằm tiếp tục kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã”./.