Tại huyện Thạnh Phú, việc phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở địa phương theo hướng tăng dần hiệu quả sử dụng lao động, khai thác tốt tiềm năng nguồn tài nguyên hiện có, đồng thời góp phần không nhỏ trong việc giữ ổn định tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là khu vực ven biển.
Đến nay, toàn huyện Thạnh Phú có 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Đại Điền, Quới Điền và An Nhơn, 03 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí gồm Phú Khánh, Thới Thạnh và Giao Thạnh, các xã còn lại đạt từ 9 đến 14 tiêu chí. Theo Bí thư Huyện ủy Nguyễn Trúc Sơn, với tiềm năng hiện có, huyện Thạnh Phú quyết tâm nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ trở thành huyện nông thôn mới của tỉnh. Các xã đang và sẽ xây dựng nông thôn mới, ngay bây giờ tập trung cho vấn đề này. Xã Thới Thạnh còn một số chỉ tiêu nữa là hoàn thành 19 tiêu chí, Phú Khánh, Giao Thạnh cũng phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2019 này. Các xã còn lại phải quyết tâm lên nông thôn mới sớm hơn dự kiến. Trong đó, xã biển Thạnh Phong đang hội đủ điều kiện để tiến nhanh trong xây dựng nông thôn mới.
Thạnh Phú phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới (ảnh Minh Mừng)
Nông thôn mới nổi bật nhất là cơ cấu sản xuất, quan hệ sản xuất và thu nhập của người dân. Để đạt được mục tiêu đề ra, thì huyện cần xác định chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới phải gắn liền với phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Bởi chỉ tiêu về phát triển hợp tác xã là bắt buộc đối với các xã muốn xây dựng thành công xã nông thôn mới. Trên cơ sở đó, việc quan tâm, phát triển loại hình kinh tế tập thể là biện pháp hữu hiệu giúp phát huy nguồn lao động dồi dào của khu vực nông thôn, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Người dân không thể sản xuất một mình, mà hãy nghĩ ngay đến liên kết, bởi không doanh nghiệp đầu tư nào muốn đến từng hộ dân để thu mua sản phẩm.
Người dân cần liên kết lại để phát triển kinh tế bền vững (ảnh Văn Minh)
Theo số liệu báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện, cuối năm 2018, Thạnh Phú có 164 tổ hợp tác hoạt động theo Nghị định 151/2007 của Chính phủ với 3.379 tổ viên; 16 hợp tác xã được đăng ký với 4.444 thành viên, tổng số vốn đăng ký hơn 11,7 tỷ đồng. Có 11 hợp tác xã đang hoạt động và 05 hợp tác xã ngưng hoạt động, trong đó có 3 hợp tác xã duy trì hiệu quả kinh doanh, tạo ra doanh thu và việc làm ổn định qua nhiều năm là hợp tác xã vận tải thủy bộ Thạnh Phú, hợp tác xã thủy sản Thạnh Lợi và hợp tác xã thủy sản Bình Minh.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mai Văn Hùng xác định, thời gian tới kinh tế tập thể tiếp tục là xu thế chung của huyện và được gắn liền vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và mỗi xã một sản phẩm. Do đó, huyện Thạnh Phú tiếp tục nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả; tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển có hiệu quả trên các lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ; hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia. Cụ thể, huyện đề ra mục tiêu đến năm 2025 phát triển mới 40 tổ hợp tác hoạt động theo Nghị định 151/2007 của Chính phủ, phát triển mới 07 hợp tác xã. Đến năm 2030, phát triển hằng năm 10 tổ hợp tác nâng số tổ hợp tác của toàn huyện lên 250 tổ, phát triển ít nhất 01 hợp tác xã mỗi năm.
Gạo sạch Thạnh Phú được người tiêu dùng ưa chuộng (ảnh Văn Minh)
Để đảm bảo cho kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển hiệu quả, bền vững, thiết nghĩ, Ủy ban nhân dân huyện và các ngành chuyên môn của huyện cần có sự kiểm tra, giám sát một cách thực chất, đề ra giải pháp hữu hiệu tại từng địa phương, không chạy theo thành tích trong xây dựng nông thôn mới./.