Site banner

Bình Đại: Người dân xã Thừa Đức tái sản xuất nuôi hàu thương phẩm

Sau đợt hàu thương phẩm tại xã Thừa Đức, huyện Bình Đại bị thiệt hại hơn 90% sản lượng, làm tổn thất hàng tỷ đồng, người dân địa phương tiếp tục đầu tư tái sản xuất nuôi hàu thương phẩm ven cửa sông với mong muốn gỡ lại số vốn cho đợt hàu thiệt hại trước đó, cải thiện kinh tế gia đình. Tuy nhiên, theo ghi nhận tại địa phương, bà con nuôi hàu hiện đang gặp nhiều khó khăn.

Tại hộ bà Lê Thị Minh Yến, ấp Thừa Thạnh, trong đợt hàu chết đầu năm 2016, gia đình bà bị thiệt hại trên 10 tấn hàu thương phẩm, tương đương tổn thất trên 150 triệu đồng. Tuy nhiên, theo suy nghĩ lạc quan của bà Yến cho biết: Dẫu tổn thất, nhưng theo thổ nhưỡng của địa phương thích hợp nuôi thủy sản, trong đó, con hàu đã là kinh tế gắn bó lâu dài của địa phương, vì thế, bà không bỏ cuộc, sau khi hàu bị thiệt hại, bà tháo gỡ bỏ giàn hàu cũ rồi đóng mới, Nhưng do khó khăn về vốn do số vốn ban đầu chưa hoàn lại nên còn khó khăn về vốn tái sản xuất, nên bà đầu tư giảm hơn hàng năm 50% vốn bỏ ra, cụ thể bà đãtái đầu tư với 2 tấn vật bám.

Người dân xã Thừa Đức đóng giàn tái sản xuất nuôi hàu thương phẩm

Hộ liền kề của bà Yến, là hộ ông Nguyễn Văn Phương cũng cùng chung cảnh ngộ, trong đợt hàu bị thiệt hại vừa qua, gia đình ông đã bị tổn thất 100% với 20 tấn hàu thịt, vừa vốn vừa lãi theo giá thị trường lúc đó, thì gia đình ông mất trên tay hơn 200 triệu đồng. Hiện, gia đình ông cũng đã chuẩn bị cho vụ nuôi mới như: mua vật bám, đục lỗ, lên dây nhưng theo ông Phương vẫn chưa sẵn sàng để thả giống xuống giàn tại vùng cửa sông vì theo kinh nghiệm, ông tính toán sẽ thả giống vào lúc cuối năm cộng thêm còn tâm lý chưa vững về môi trường, dịch bệnh. Ông Phương bộc bạch: “Do gia đình mới đầu tư vào đợt hàu bị thiệt hại vừa rồi, nên bao nhiêu vốn liếng chưa gỡ lại được, nhưng địa phương thì chỉ có nghề nuôi thủy sản như hàu mà không đầu tư nuôi thì bỏ đất thấy phí, còn nuôi thì gặp nhiều khó khăn. Trước đắn đo suy nghĩ, gia đình gom vốn lại và tiếp tục đầu tư nuôi, nhưng nuôi quy mô nhỏ hơn đợt rồi rất nhiều”.

Được biết, mô hình nuôi hàu đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho người nuôi, thậm chí có nhiều hộ vươn lên khá giàu. Từ đó, trong thời gian ngắn, mô hình này đã được lan rộng, nhất là trong vụ hàu năm 2015-2016, nhiều hộ khó khăn đầu tư vay vốn để nuôi hàu.Tuy nhiên, vào tháng 3/2016, diện tích hàu nuôi của các hộ dân đã bị chết nghiêm trọng, khiến nhiều hộ nuôi hàu phải mất trắng.

Theo lời anh Nguyễn Văn Đởm – Phó Chủ tịch UBND xã Thừa Đức chia sẽ: “Sau vụ thua lỗ hàu vào tháng 3/2016, người dân địa phương tiếp tục tái sản xuất mô hình nuôi hàu với diện tích khoảng 15 ha, giảm 50% so với năm rồi bởi vì còn nhiều khó khăn về vốn, về kỹ thuật…Trước sự mập mờ, nan giải của bà con, chính quyền cũng đã liên hệ các ngành tìm phương pháp hỗ trợ bà con, trong đó có liên hệ giải ngân nhiều ngân hàng giúp vốn vay cho người nuôi, tăng cường tuyên truyền bà con bảo vệ môi trường, nhất là vùng nuôi thủy sản để tránh ô nhiễm. Đồng thời, tiếp tục tìm đầu ra cho hàu thương phẩm, góp phần giúp bà con nuôi hàu có một mùa bội thu”.

Tuyết Mai