Hệ thống phục vụ kiểm soát mặn cống Sa Kê (Mỏ Cày Nam).
Chủ động các giải pháp
Dự báo của ngành chuyên môn, tổng lượng dòng chảy trong những tháng mùa khô năm 2021-2022 từ thượng nguồn sông Mê Kông về đồng bằng sông Cửu Long có khả năng thiếu hụt 10 - 15% so với trung bình nhiều năm (TBNN). Nhận định tình hình xâm nhập mặn thời gian tới ở mức sớm hơn TBNN và xâm nhập sâu ở mức xấp xỉ cao hơn TBNN (2020-2021) nhưng xâm nhập không sớm và xâm nhập ít sâu hơn mùa khô 2015-2016. Độ mặn 4‰ xâm nhập sâu nhất trên sông Hàm Luông và Cổ Chiên ở mức tương đương mùa khô năm 2020-2021, còn trên sông Cửa Đại ở mức cao hơn mùa khô năm 2020-2021 khoảng 7km.
Ngay từ tháng 10-2021, ngành nông nghiệp đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch phòng chống thiếu nước, hạn hán, xâm nhập trong mùa khô 2021-2022 trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp với đơn vị liên quan và các địa phương theo dõi tình hình xâm nhập mặn, chuẩn bị các giải pháp ứng phó hạn mặn tương ứng với các kịch bản mặn khác nhau. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp với các đơn vị liên quan, địa phương có giải pháp nhằm phục vụ ngăn mặn, trữ ngọt trong mùa khô 2021-2022.
Đối với Công ty TNHH MTV Công trình thủy lợi Bến Tre đã thực hiện duy tu sửa chữa 25 hạng mục công trình cống hạn mặn, nâng cấp bờ bao, nạo vét khơi thông dòng chảy các tuyến kênh rạch nội đồng. Công ty đã có kế hoạch đo, kiểm tra độ mặn các công trình đầu mối, tại cửa lấy nước, vận hành linh hoạt phù hợp điều kiện tình hình nguồn nước.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình và có phương án phối hợp với địa phương để ngăn mặn kịp thời đối với các công trình đang thi công. UBND các huyện, thành phố đã chủ động triển khai các công trình đập tạm ngăn mặn, bờ bao cục bộ; tuyên truyền, vận động người dân nạo vét các đường kênh mương, trữ nước tại các kênh mương; sửa chữa các cống, bờ bao trữ nước trong mương vườn, trải bạt trữ nước để sẵn sàng nguồn nước phục vụ sản xuất chăn nuôi trong thời gian tới. Sở NN&PTNT đã có kiến nghị Ban 9 (Bộ NN&PTNT) xem xét hỗ trợ đối với cống Tân Phú và Bến Rớ để ngăn mặn tạm thời các khu vực đang thi công.
Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bùi Văn Thắm đánh giá: Đến nay, công tác chuẩn bị ứng phó hạn mặn đã đạt được kết quả. Công tác theo dõi độ mặn trên các sông chính được cập nhật và chuyển tiếp hàng ngày đến các đơn vị liên quan qua tin nhắn SMS, các phương tiện thông tin, mạng xã hội để kịp thời nắm bắt, chỉ đạo công tác ứng phó tại địa bàn.
Đảm bảo cấp nước ngọt sinh hoạt
Cùng với các giải pháp công trình thủy lợi, các nhà máy nước (NMN) nông thôn thuộc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý đã có động thái vận hành 29 hệ thống RO, với công suất khoảng 3 ngàn m3/ngày đêm sẵn sàng phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân. Các NMN khu vực huyện Mỏ Cày Bắc như: Tân Thành Bình, Tân Phú Tây, Thanh Tân đều đã được kết nối với Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre để sẵn sàng liên hệ mua nước từ công ty cấp nước phục vụ cho người dân khi độ mặn tại các NMN tăng cao.
Trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam, đã hoàn thành nâng cấp công suất NMN Thành Thới A lên 140m3/h, NMN Ngãi Đăng lên 100m3/h. Lắp đặt xong tuyến ống PVC D168, L=3.000m, kết nối hai NMN Thành Thới A và An Định. Trong mùa khô 2021-2022, 2 NMN này sẽ vận hành cấp nước ngọt cho người dân khu vực xã An Định, Tân Trung và Bình Khánh đảm bảo 24/7.
Trưởng phòng Kỹ thuật - Quản lý khai thác thuộc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Vũ Đình Trác cho biết: Từ số liệu theo dõi mặn, trung tâm xác định 4 NMN Tân Hào, Lương Phú (Giồng Trôm), Long Định, Thới Lai (Bình Đại) bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn sâu và kéo dài. Khu vực 4 NMN, đường thủy thông thoáng, thuận lợi cho việc cấp nước ngọt bằng sà lan. Với kinh nghiệm vận chuyển nước ngọt bằng sà lan tại NMN Tân Hào trong mùa khô 2020-2021, trung tâm lập kế hoạch vận chuyển sà lan cho 4 NMN nói trên.
Theo kế hoạch của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, khi độ mặn nước nguồn cấp cho các NMN > 2‰ phủ hầu khắp toàn tỉnh, nguồn dự trữ nước ngọt của người dân dần cạn kiệt, nước trong ao, mương vườn, trong các đập tạm cũng khô dần sẽ vận chuyển nước bằng sà lan. Thời gian cấp nước ngọt bằng sà lan dự kiến thực hiện vào các thời điểm triều cường do thời điểm này, nước bị xâm nhập mặn nhiều với độ mặn cao nhất trong tháng. Lượng nước ngọt dự kiến cấp bằng sà lan để phục vụ nhu cầu cấp thiết như: ăn, uống, nấu ăn, chăm sóc người già, trẻ nhỏ… tương đương 5 - 6 ngàn m3/tháng/NMN hoặc nhiều hơn và được chia thành 2 đợt hay nhiều đợt hơn tùy thuộc vào quy mô và phạm vi phục vụ của NMN.
“Việc cấp nước bằng sà lan sẽ cấp vào mạng lưới cấp nước hiện hữu của NMN, diễn ra liên tục trong 3 - 4 ngày/đợt, đồng bộ với công suất xử lý của NMN đảm bảo đủ để người dân dự trữ, kể cả khu vực cuối tuyến hoặc các điểm bất lợi nhất. Ngoài thời điểm cấp nước ngọt bằng sà lan, những ngày còn lại trung tâm sẽ cấp nước bình thường từ nguồn nước mặt tự nhiên trên sông để phục vụ nước sinh hoạt của người dân. Song song với giải pháp chuyển nước ngọt bằng sà lan phục vụ nước sinh hoạt, trung tâm cũng vận hành hệ thống RO đáp ứng nhu cầu nước ăn uống cho hộ dân. Nước RO sẽ cấp nước tập trung tại NMN”, ông Vũ Đình Trác cho biết.
Đối với các NMN của Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre cũng đã có kế hoạch chi tiết với 2 NMN An Hiệp và Sơn Đông và 3 chi nhánh Hữu Định, Chợ Lách, Lương Quới.
“Trong sản xuất nông nghiệp, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống, ứng phó hạn mặn trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Hướng dẫn người dân trữ nước để phục vụ sinh hoạt, sản xuất; khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản”. (Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bùi Văn Thắm) |
Bài, ảnh: Phan Hân