Site banner

Tập trung các biện pháp phòng chống xâm nhập mặn

 

Công trình cống ngăn mặn An Thuận 1, xã Mỹ Thạnh An, TP. Bến Tre.  Ảnh: T. Đồng

 

Công trình cống ngăn mặn An Thuận 1, xã Mỹ Thạnh An, TP. Bến Tre.  Ảnh: T. Đồng

Chủ động ứng phó với xâm nhập mặn, tỉnh đã có chủ trương, chỉ đạo và có kế hoạch triển khai sớm các biện pháp, giải pháp về phòng chống thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021-2022.

Theo đó, chính quyền và ngành chức năng thường xuyên kiểm tra các công trình phòng chống xâm nhập mặn trên địa bàn TP. Bến Tre và các huyện như: Châu Thành, Mỏ Cày Nam và Thạnh Phú. Thường xuyên theo dõi tình hình, phối hợp vận hành có hiệu quả các công trình thủy lợi, nhất là các công trình hoàn thành nhưng chưa nghiệm thu đưa vào sử dụng, các công trình đang thi công nhưng có khả năng vận hành để ngăn mặn, trữ ngọt, nhằm đảm bảo nước ngọt phục vụ người dân sinh hoạt, sản xuất.

Công tác thông tin, tuyên truyền được các địa phương quan tâm chú trọng, vận động nhân dân xây dựng các bờ bao cục bộ, các đập tạm, trữ nước mưa, nước ngọt trong các cống, hồ, lu, bồn chứa, túi chứa nước, đào hố trải bạt, trữ nước ngọt trong ao, mương vườn… nhằm đảm bảo đủ nước uống, sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, đăng tải, cập nhật diễn biến xâm nhập mặn cho nhân dân nắm.

Công tác duy tu, sửa chữa công trình thủy lợi được chú trọng. Thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình cống bị hư hỏng, xử lý sạt lở bờ bao, nạo vét hệ thống kênh mương, kiểm tra các cửa cống đảm bảo an toàn, hiệu quả trong việc ngăn mặn, trữ ngọt.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tiến độ thực hiện các công trình sửa chữa cửa cống cơ bản đã hoàn thành, đảm bảo vận hành ngăn mặn, trữ ngọt. Hệ thống các tuyến kênh trục và nội đồng đã được nạo vét thông thoáng, khơi thông dòng chảy, đảm bảo trữ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân trong mùa khô 2021-2022. Đã hoàn thành việc duy tu, sửa chữa 34/59 công trình, gia cố các vị trí sạt lở, đảm bảo ngăn triều cường và ngăn mặn; các công trình còn lại đang trong giai đoạn thực hiện. Việc vận hành các công trình thủy lợi được tổ chức thực hiện theo lịch và tình hình thực tế, tranh thủ lấy nước khi độ mặn ở mức cho phép để tăng cường tích trữ nước vào hệ thống kênh, mương nội đồng, hồ chứa.

Các nhà máy nước khu vực nông thôn thường xuyên tổ chức đo độ mặn tại nguồn nước thô và độ mặn sau xử lý của các nhà máy nước để có kế hoạch trữ nước, vận hành nhà máy phù hợp. Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, vật tư dự phòng, kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của nhân dân. Một số đơn vị đã đẩy nhanh tiến độ thi công công trình kết nối mạng lưới cấp nước các nhà máy nước ứng phó hạn mặn năm 2021 (tiến độ chung đạt khoảng 51% khối lượng).

Việc cấp nước đô thị và khu công nghiệp cũng được chú trọng với kế hoạch chủ động ứng phó với xâm nhập mặn trong các kịch bản cụ thể. Các nhà máy nước thường xuyên thực hiện quan trắc độ mặn hàng ngày. Đồng thời, kết nối mạng lưới giữa các nhà máy nước để phối hợp với chính quyền địa phương cung cấp bổ sung nước sạch không nhiễm mặn cho người dân tại một số địa điểm tập trung khi hạn mặn vào cao điểm.

Mùa khô 2021-2022 đang tiếp diễn với dự báo đỉnh điểm của xâm nhập mặn sẽ vào tháng 3 và tháng 4-2022. Ngành nông nghiệp và các địa phương tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của UBND tỉnh để ứng phó với xâm nhập mặn. Theo đó, tiếp tục nạo vét các tuyến kênh theo kế hoạch như: kênh từ Nhà máy nước Thạnh Phú đến cống Ba Phô, kênh từ cầu Đìa Cừ hướng về xã Bình Thạnh, kênh từ cầu Đìa Cừ đến cống Sáu Ẩn (huyện Thạnh Phú), kênh Tổ 20, Tổ 32 - 36 xã Sơn Đông, kênh Lá xã Phú Hưng, TP. Bến Tre. Đồng thời, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình xâm nhập mặn, thường xuyên cập nhật, thông tin về số liệu đo mặn đến người dân để chủ động phòng tránh, ứng phó...

Thanh Đồng