Thềm lục địa Việt Nam có nhiều bể trầm tích chứa dầu khí, triến vọng khai thác nguồn khoáng sản này là rất lớn. Tuy mới ra đời, nhưng ngành dầu khí Việt Nam đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, có tiềm lực kỹ thuật, vật chất lớn và hiện đại nhất trong những ngành khai thác biển; đồng thời cũng là một trong những ngành xuất khấu và thu nhiều ngoại tệ nhất cho đất nước. Ngành công nghiệp khai thác dầu khí phát triển kéo theo sự phát triển của một số ngành khác như công nghiệp hóa dầu, giao thông vận tải, thương mại trong nước và khu vực
Ngoài dầu mỏ, biển Việt Nam còn có nhiều mỏ sa khoáng và cát thủy tinh có trữ lượng khai thác công nghiệp và làm vật liệu xây dựng... Tiềm năng về khí - điện - đạm và năng lượng biển cũng rất lớn như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, thủy triều, sóng... Bên cạnh đó, vùng biển Việt Nam có điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên thuận lợi cho phát triển nhiều loại hình du lịch.
Đất nước Việt Nam chạy dài trên 15 vĩ độ địa lý (từ vĩ độ 6° Bắc đến vĩ độ 21° Bắc) nhưng lại hẹp về chiều ngang, khí hậu phân hóa, phong phú về tập quán dân tộc. Bờ biển dài, có nhiều bãi cát rộng, vũng, vịnh, hang động tự nhiên đẹp, các dãy núi đá vôi vươn ra sát bờ biển tạo cảnh quan thiên nhiên sơn thủy rất đa dạng. Các bán đảo và đảo lớn, nhỏ liên kết với nhau thành một quần thể du lịch hiếm có trên thế giới, tiêu biểu là quần thể núi và hang động đá vôi ở Vịnh Hạ Long đã được UNESCO xếp hạng là Di sản thiên nhiên của thế giới.
Do hoàn cảnh tự nhiên, biển đảo Việt Nam có những sắc thái riêng không đâu có với gần 82 hòn đảo ven bờ có diện tích trên 1km2, trong đó 24 đảo có diện tích trên 10km2, các hệ sinh thái và xung quanh đảo được hình thành và phát triển trải qua hàng trăm năm rất độc đáo, hấp dẫn. Đó là những nơi có không khí trong lành, nước biển trong và sạch, bãi cát trắng mịn, lý tưởng để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch biển đảo, sinh thái. Các đảo như Cù lao Chàm, Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quốc... vốn đã rất nổi tiếng trong và ngoài nước, là điểm đến hấp dẫn bậc nhất trong khu vực và trên thế giới.
Ngoài ra, Việt Nam còn có các thắng cảnh tự nhiên trên đất liền được yêu thích như Phong Nha, Kẻ Bàng, Thiên Đường, Sơn Đoòng, Bích Động, Non Nước... và nhiều di tích lịch sử-văn hóa đều tọa lạc ở ven biển. Các trung tâm kinh tế thương mại, thành phố du lịch như Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu... nằm trên tuyến du lịch quốc tế có đủ các điều kiện và khả năng để trở thành tụ điểm du lịch biển đảo.
Biển Việt Nam còn là địa bàn quan trọng để phát triển kinh tế đất nước. Hiện nay, có trên 31% dân số cả nước sinh sống ở 28 tỉnh, thành phố ven biển. Đa số các thành phố, thị xã đều nằm ở ven sông, cách biển không xa, nhất là các thành phố, thị xã ở miền Trung. Khu vực ven biển cũng là nơi tập trung các trung tâm công nghiệp lớn, có nhiều sân bay, cảng biển quan trong, các căn cứ hải quân, kho tàng, các công trình kinh tế-quốc phòng khác. Các tỉnh, thành phố ven biển có các cảng, cơ sở sửa chữa, đóng tàu, đánh bắt hoặc chế biến hải sản, làm muối... thu hút hơn 13 triệu lao động, giải quyết công ăn việc làm, góp phần to lớn vào việc ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh-quốc phòng.
Theo baoquocte.vn