Site banner

Tháo vây - Chuyển bại thành thắng

Là người trong cuộc, tôi không thể nào quên những kỷ niệm sâu sắc trong chiến tranh: đó là tình nghĩa quân - dân như cá với nước; tình đồng chí như anh em ruột thịt; cấp trên cấp dưới chân tình, tin tưởng, sống chết có nhau.

Đời chinh chiến giúp tôi nghiệm ra: Kẻ thù có thể bấm nút phát động cuộc chiến, nhưng không thể sử dụng nút bấm để điều khiển đi đến kết cục của chiến tranh theo ý muốn. Những chiến lược, chiến thuật của đối phương dù hiểm độc, tân kỳ đến đâu cũng lần lượt bị phá sản khi đối đầu với sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân chính nghĩa.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị.

Trong ký ức của tôi có cả niềm vui khi thắng trận lẫn nỗi buồn nhức nhối từ vết thương chiến tranh và rùng mình khi cùng đồng đội tháo vòng vây tử thần của đối phương.

Mặc dù "khép lại quá khứ, hướng tới tương lai", nhưng những ai đã qua hai cuộc kháng chiến thì có biết bao con người và sự kiện đáng ghi nhớ. Không thể phai mờ trong ký ức của tôi về sự đau thương của những người yêu nước trước sự khủng bố dã man của chế độ Mỹ - Diệm, về sức sống bền bỉ của Đảng bộ Bến Tre trong giai đoạn hoạt động bí mật, gian nan trong đêm tối thoái trào đã cùng với nhân dân vùng lên. "Rũ bùn, đứng dậy sáng lòa" làm nên cuộc Đồng Khởi lịch sử như có một "phép màu" của  chiến tranh nhân dân chính nghĩa.

Anh cả QĐNDVN Võ Nguyên Giáp và anh cả LLVT Bến Tre Đồng Văn Cống trong ngày họp mặt truyền thống. (Ảnh tư liệu)

Không thể phai nhòa trong tâm trí về hình ảnh những chiến binh dũng cảm đã hy sinh vì thắng lợi mỗi trận đánh và trong tôi luôn tâm niệm "Nhất tướng công thành vạn cốt khô". Riêng các chị, các mẹ chiến sĩ là hình ảnh đậm nét mà chúng tôi chịu ơn suốt đời. Nếu không có sự đóng góp vô tư, sự chịu đựng gian khổ ác liệt trong chiến tranh của các mẹ, các chị, thì chúng tôi không đủ tinh thần vượt qua những vòng vây sinh tử và con thuyền cách mạng không thể lướt qua sóng gió đến bến bờ vinh quang.

Tháo vây cấp chiến dịch - chuyển vùng thắng lợi, kết thúc chiến tranh chống thực dân Pháp

Cứ mỗi lần dòng thời gian dần đến cận ngày xuân thì mọi người chào đón kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944). Bước sang đầu năm thì những cựu chiến binh và quân nhân tại ngũ ở Bến Tre lại có thêm một ngày để tự hào. Ngày đó (12-2-1946), thủ lĩnh Đồng Văn Cống trực tiếp chỉ huy tiểu đội du kích Tân Hào với vài cây súng lửa, súng hai lòng (bắn đạn chài), năm ba quả lựu đạn có đuôi, cùng mã tấu và tầm vông vạt nhọn tập kích quân viễn chinh Pháp đến trấn thủ chợ Hương Điểm. Trận nổ súng đầu tiên ấy trở thành ngày truyền thống vẻ vang và thủ lĩnh Đồng Văn Cống được tôn vinh là anh cả của lực lượng vũ trang Bến Tre anh hùng.

Phù sa của hạ lưu sông Mê Kông bồi đắp ba dải cù lao Bến Tre trù phú nông nghiệp. Bốn trong chín dòng sông Cửu Long đã chia cắt Bến Tre thành địa bàn sông nước. Tạo hóa đã mặc định địa lý quân sự Bến Tre tách biệt trong thế chi viện liên hoàn của chiến trường Trung Nam Bộ.

Từ địa lý quân sự đặc thù của địa bàn sông nước, đối phương ra sức xây dựng lực lượng hải quân, tăng cường lính thủy đánh bộ, ưu tiên sử dụng không quân và phương tiện tác chiến hiện đại đường thủy kiểm soát các dòng sông và hình thành thế bao vây Bến Tre cấp chiến dịch (thời chống Pháp) để tiêu diệt lực lượng cách mạng và ba lần bao vây cấp chiến thuật (thời chống Mỹ) nhằm xóa sổ lực lượng vũ trang Bến Tre.

Năm 1949-1953, sau khi Trung đoàn 99 kết thúc vai trò lịch sử và thủ lĩnh Đồng Văn Cống rời khỏi chiến trường Bến Tre thì quân của Léon Leroy thừa thế phản công, đẩy lực lượng cách mạng lùi dần về phía có rừng. Cách mạng Bến Tre rơi vào tình thế thoái trào, thực hiện giản chính để bảo tồn lực lượng, phần lớn di tản vào miền Tây, số còn lại thì lẩn khuất tồn tại trong dân. Tên Tỉnh trưởng Tây lai Léon Leroy hình thành thế bao vây Bến Tre cấp chiến dịch bằng thủ đoạn cắm chốt đồn bót tận cùng ấp xóm, quản lý trên 90% đất đai, gần 80% dân số và sử dụng Tiểu đoàn UMDC liên tục càn quét gây nợ máu khắp ba dải cù lao.

Trận địa du kích Tân Hào do ông Đồng Văn Cống chỉ huy nổ phát súng đầu tiên vào quân viễn chinh Pháp đến trấn thủ chợ Hương Điểm. Ảnh TLQS. H-A cung cấp.

Tình thế cách mạng Bến Tre "ngàn cân treo sợi tóc". Thủ lĩnh Đồng Văn Cống tự nguyện rời khỏi vị trí chỉ huy quân chủ lực của Quân khu, trở về Bến Tre đảm nhiệm vai trò Tỉnh đội trưởng, kiên trì móc ráp cơ sở, khôi phục phong trào. Đối phương bao vây phong tỏa nhiều mặt. Lực lượng cách mạng chủ yếu bám vào căn cứ để tồn tại, nhưng thiếu thốn đủ thứ: lương thực, thuốc trị bệnh, súng đạn và nguồn lực bổ sung lực lượng vũ trang. Bộ đội sống kham khổ với chế độ "cơm lường, gạo đong", nên phải tự lực cánh sinh. Tỉnh đội trưởng Đồng Văn Cống nói một câu nổi tiếng, đủ sức động viên thuyết phục: "Chúng ta là quân đội của nhân dân, nhà nước ta nghèo, nhân dân ta quá đau khổ, ta phải biết tự lực cánh sinh để tồn tại mà đánh giặc, cứu nước, cứu dân tộc. Ai không biết tự lực cánh sinh thì người đó kém hơn loài vật thiên nhiên". Cán bộ, chiến sĩ đều chuyển biến, hăng hái tăng gia sản xuất, vượt qua khó khăn, bảo tồn, phát triển lực lượng, từng bước tháo nút chiến dịch bao vây nhiều mặt của đối phương.

Lực lượng do ông Đồng Văn Cống xây dựng dần dần lấy lại cân bằng ở thế thượng phong, làm nòng cốt cho chiến dịch "Trung tâm địch ngụy vận phối hợp với tác chiến" mở vùng, mở mảng năm 1953-1954 diễn ra ở Bến Tre, chia lửa với chiến trường chung. Đặc biệt, phối hợp với chiến dịch Điện Biên Phủ đã đạt được thắng lợi to lớn, toàn diện (giải phóng 3/4 đất đai, 2/3 dân số toàn tỉnh), ba dải cù lao không còn gót giày của quân đội viễn chinh Pháp.

(Còn tiếp)
Nguyễn Hữu Vị
Nguồn: baodongkhoi.com.vn