Site banner

Hừng đông mặt biển

Không một tiếng động giữa chốn rừng nước lặng lẽ giữa đêm trường. Trời không trăng, nguồn sáng từ bóng đèn điện ở cổng Trạm kiểm soát biên phòng Bình Thắng (Bình Đại) phóng theo, thẳng lối một đoàn bộ đội xuống bến với những cái bóng đổ dài nhấp nhoáng chạm cầu tàu xuống tận mặt nước vàm Bình Châu đang lặng lẽ.

Đồng hồ lúc này chỉ đúng 2h45 phút và đó là một cuộc tuần tra của bộ đội biên phòng do Đại úy Đỗ Thanh Thuần - Đồn phó Đồn Biên phòng Cửa Đại (Bình Đại) chỉ huy và có sự phối hợp với Đồn Biên phòng Phú Tân (huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang).

Khẩn trương lên ca nô đến từ đồn Biên phòng Phú Tân và sau những cái bắt tay thật chặt, chúng tôi ổn định chỗ ngồi. Trung úy Nguyễn Hoàng Minh - Trưởng trạm kiểm soát biên phòng Bình Thắng phát áo phao cứu sinh cho mỗi người và dõng dạc: "Đề nghị các đồng chí mặc áo phao vào, đây là quy định bắt buộc". Chiếc ca nô xé nước phăng đi. Sau 15 phút, ca nô đã cập tàu tuần tra. Rất nhanh gọn và chuyên nghiệp, Đại úy Thuần và Đại úy Nguyễn Văn Nghiệp - Đồn phó Đồn Biên phòng Phú Tân, đã hội ý và thống nhất phương cách tuần tra. Tàu tiến ra cửa biển, đều đều tiếng máy như ru ngủ chúng tôi giữa không gian mà bốn phía nhìn chỉ trời, nước và màn đêm bao trùm.

 "Sao các anh lại chọn lúc triều xuống vào ban đêm mà tuần tra?" - tôi thắc mắc. "Mình phải đi lúc thủy triều xuống, không khác được. Ngư dân sẽ chủ yếu đánh bắt vào thời điểm này vì ban ngày tôm cá… dưới biển sẽ ít di chuyển hơn. Hơn nữa, những lúc này ngư dân sẽ bằng những công cụ đánh bắt hết sức triệt để để khai thác, bất chấp vi phạm quy định của pháp luật. Và ngăn cản, xử lý họ là cần thiết để đảm bảo nguồn lợi tự nhiên phong phú cho biển cả, đó là nhiệm vụ của chúng tôi" - Đại úy Thuần lý giải.

Rất khó khăn trong việc truy đuổi những ghe lưới te có công suất máy lớn. Ảnh: P.V

Thuyền gần cửa biển, trời vẫn chưa sáng. Nhưng biển đêm chẳng khi nào vắng vẻ bởi không biết bao nhiêu là phương tiện đánh bắt đang tác nghiệp. Tất cả những chiếc ghe, phao cắm, lưới, đục, trụ hàng đáy… mỗi loại là một ngọn đèn nho nhỏ tựa hỏa châu. Từ xa nhìn ra, cửa biển như một rừng đom đóm đang tỏa ánh sáng bị phản chiếu lấp lánh, dạ dưới một tấm gương co giãn khổng lồ là mặt nước biển. Lúc giao thời, khi mặt trời nhô ở đằng Đông, biển say mê lòng người bởi cả không gian đẹp như một bức tranh lung linh, huyền ảo và đầy sống động. Các chiến sĩ cho biết, tuy nhìn khoảng cách giữa các ghe tương đối xa trên mênh mông biển cả và bằng những phương tiện, mục đích đánh bắt loại hải sản không giống nhau nhưng giữa họ hầu như đều quen biết nhau. Tại gần khu vực cửa biển Cửa Đại, chủ yếu ngư dân đến từ 2 huyện Bình Đại và Tân Phú Đông, và đều sinh hoạt trong các nghiệp đoàn nghề biển. Đại úy Thuần nói: "Việc thường xuyên đối mặt với sóng to gió lớn thì nương tựa giúp đỡ nhau luôn là cần thiết, bà con hiểu rõ điều này. Và hơn nữa, lực lượng Bộ đội biên phòng chúng tôi luôn sẵn sàng túc trực hỗ trợ, ứng cứu khi có xảy ra bất cứ sự cố gì."

Đang chiêm ngưỡng, xuýt xoa "bức tranh", bỗng tiếng của một chiến sĩ trong tổ tuần tra cất lên: Các đồng chí, mấy chiếc ghe te (loại phương tiện có hàm cào lớn, bằng lỗ lưới rất nhỏ đánh bắt được cả những hải sản rất bé - PV) đang tháo chạy kìa! Quả thật, chếch về phía mạn phải của con tàu, nhác thấy bóng dáng của tàu tuần tra, các phương tiện khai thác thủy sản hành nghề lưới te đồng loạt thu te và mở hết tốc lực chạy thẳng ra biển. Nhận định đây là các phương tiện vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản nên Đại úy Nghiệp đã điều động 4 chiến sĩ nhanh chóng lên ca nô truy đuổi và phải hơn nửa tiếng sau chiếc ca nô mới có thể cập mạn được một phương tiện có công suất hơn 250 mã lực. Qua kiểm tra, Đại úy Thuần đã phải thốt lên: "Khai thác thế này thì tận diệt!". Những thùng xốp đầy ắp cá vụn với đủ các loài mà nếu để trưởng thành thì mỗi thùng như thế phải là một tàu đầy cá. Tôi hỏi một chủ phương tiện tên P.V.Tr. (ngụ huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang), một "lão ngư" có gần 40 năm bám biển, về việc tại sao phương tiện có công suất lớn như thế mà không ra khơi khai thác thủy sản lại đánh bắt ở ven bờ. "Lưới te là nghề truyền thống của gia đình và các chú thấy đó, mặc dù mang tiếng là công suất máy lớn, nhưng là máy cũ, vỏ ghe thì nhỏ, với lại cũng không có tiền để đóng mới hay hoán cải lại nên không thể ra xa được, đành phải đánh bắt ven bờ" - ông Trương than thở với ánh mắt đượm buồn, biết lỗi. Ông nói tiếp: "Tôi đã được các cấp có thẩm quyền, mà đặc biệt là bộ đội biên phòng tuyên truyền nhiều rồi, nhưng ra khơi xa thì không thể vì sóng to gió lớn, mà không đi khai thác thì chẳng biết làm gì để mưu sinh, bởi trót bám vào nghiệp biển nên đành làm liều".

Biển mỗi lúc mỗi rực. Vùng sáng lấp lánh đầy những tia từ "hòn lửa khổng lồ" phía đằng Đông ngời lên giữa biển. Rất nhanh. "Bầy đom đóm" biến mất nhường lại cho ánh sáng bình minh với sắc đỏ rực rỡ. Cũng là lúc triều lên. Mặt nước lấp lánh ánh bạc. Những giọt mồ hôi bắt đầu thấm ướt lưng áo và chảy dài trên những khuôn mặt của các chiến sĩ tuần tra. Chúng tôi lại tiếp tục hành trình. Và một điều đáng lưu ý rằng nếu mặt trời lên là mặt nước biển nóng rất nhanh, dù đồng hồ mới chỉ 7h30 phút sáng.

Phía xa là những phương tiện đánh bắt ven bờ đang chuẩn bị tiến vào cửa sông. Sau 3 lần phát tín hiệu kiểm tra bằng cờ của một chiến sĩ cùng đi trên tàu, lát sau, 17 phương tiện đã cập mạn tàu tuần tra, nhưng phải rất vất vả các chiến sĩ biên phòng mới hướng dẫn cho các tàu cá neo đậu hợp lý để tránh va đập, bởi lúc này trời bắt đầu có gió và những con sóng theo đó đã mạnh dần lên. Kết quả là hầu hết các ghe bị kiểm tra đều "vi phạm các quy định về điều kiện hành nghề khai thác hải sản". Các lỗi thường gặp như quá hạn đăng kiểm; đánh bắt không đúng với hải phận quy định trong giấy phép đăng ký (đăng ký đánh xa bờ nhưng lại hành nghề ở khu vực gần bờ); và tất cả ghe đều vi phạm về độ lưới đánh bắt: quá nhỏ so với lỗ lưới 1,8 phân được quy định… "Thậm chí có ghe đánh bắt bằng lỗ lưới chỉ với 0,5 phân, bằng xiệt điện. Các lỗi khác đều có thể xem xét được nhưng lỗi này là phải xử nghiêm; đồng thời tuyên truyền, vận động để bà con hiểu rõ việc tận thu mang tính hủy diệt như thế sẽ rất nguy hại đến đời sống của thế hệ ngư phủ sau này. Bởi nguồn lợi hải sản chắc chắn sẽ không thể nào còn" - Đại úy Thuần nhấn mạnh.

14 giờ, từ từ tàu chúng tôi trở về, nhưng phía sau boong bị chật chội hơn, do lực lượng đã thu nhiều lưới vi phạm… Việc phối hợp tuần tra giữa 2 đồn biên phòng đã bắt đầu từ năm 2013 đến nay. "Việc phối hợp với nhau sẽ đạt hiệu quả rất tốt trong mỗi chuyến tuần tra. Hơn nữa sẽ tiết kiệm được nhiêu liệu" - Đại úy Đỗ Thanh Thuần nói.

Mã Phương - Ngọc Bình
Nguồn: baodongkhoi.com.vn