Site banner

Phóng sự: Con cua lên bờ rồi lại xuống sông

Chừng 5 năm trước đây, cua biển có chiều hướng hồi sinh. Lúc đó, ngoài các cửa sông ven biển ĐBSCL, cua con xuất hiện nhiều vô kể rồi theo dòng triều tràn vào đất liền. Người ta đổ xô đi rập bắt cua con. Cua con được thả nuôi xen trong ao nuôi tôm sú thâm canh với lợi nhuận cao bất ngờ.

Hướng ra…cửa sông Hàm Luông để rập cua

Ở vùng ven biển Bến Tre, cua con còn được gọi là "cua nhướng" vì quá nhỏ phải nhướng mắt mới nhìn thấy. Thời điểm sau tết Nguyên đán cho đến đầu mùa mưa là lúc người dân đi rập cua (bắt cua). Cua lớn thì bán cho vựa, còn "cua nhướng" thì bán cho các chủ ao để nuôi. Nghề đi rập cua trên sông cũng phát triển từ đó.

Đi rập cua tập thể.

Tôi tháp tùng với anh Lê Văn Nhánh (Tám Nhánh)-ngư dân có nhiều kinh nghiệm trong nghề "rập cua", trên chiếc xuồng nhỏ thực tập chuyến đi rập cua hướng về rạch Cừ, nơi tiếp giáp ranh giữa xã An Thạnh và An Điền. Anh Tám Nhánh giới thiệu, dụng cụ rập cua được làm bằng hai thanh tre buộc chéo nhau thành hình chữ X. Dưới hai thanh tre đã uốn cong là khoảng lưới hình vuông, cạnh khoảng 45 cm và để rập cua có đủ sức nặng khi thả xuống lòng sông, người ta buộc thêm hai cục gạch cân bằng ở phía trên cái rập. Chính giữa hai gọng tre là chỗ để móc mồi. Đây cũng là một sáng kiến của ngư dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Khi chiếc rập đã được dân móc mồi (bằng con chình) ngư dân ngồi trên xuồng điều khiển kéo lên, kéo xuống chiếc rập dưới nước nhờ vào một sợi dây buộc chắc vào cái rập. Dấu hiệu của rập cua vừa được thả xuống đáy sông là một chiếc phao nhỏ nổi lều bều trên mặt nước. Thông thường các chú cua túa ra đi tìm mồi, ăn mồi vào lúc nước vừa đổ lớn và lúc nước vừa giựt ròng. Bởi vậy, để mai phục chúng, ngư dân chọn lúc nước đứng là thời điểm thả những chiếc rập cua xuống sông. Cua vào rập ăn mồi, ngư dân bất chợt giựt mạnh chiếc rập lên. Chiếc rập bị giật lên bất ngờ, cua…giựt mình rơi xuống lưới và nếu cua càng vùng vẫy thì càng rối vào lưới…        

Đêm đó, anh Tám thả 20 chiếc rập cua, đến khuya, anh lần lượt kéo rập lên bắt gần 4 kg cua trong đó có 2 chú cua gạch điều cân ngoài 1 kg. Hiện giá cua gạch điều đang ở mức 400.000 đồng/kg. Như vậy, qua một đêm đi rập, giá chót anh Tám cũng có ngót triệu bạc. Anh Tám khẽ khàng: Trước đây, cua nuôi xuất hiện nhiều hơn cua trên sông nước. Tuy nhiên, cua nuôi thịt không chắc dẻ cho bằng cua bắt được bằng rập trên sông nước, ngoài cửa biển. Nhưng đi rập cua như mò kim đáy biển, chỉ có nuôi mới sản xuất "đại trà"".

Cua nuôi mất chốn nương thân

"Ô kìa…gì vậy ta?"- tôi thốt lên khi thấy một đoàn xuồng mấy chục chiếc nối đuôi nhau dài thườn thượt đang tiếp gần về phía xuồng chúng tôi. Kéo đoàn xuồng kia là một chiếc ghe máy khá lớn. Tôi thấy ngộ nhưng với anh Tám thì không lạ gì, anh nói:"Thì họ cũng đi rập cua như mình. Mình "đánh du kích", trong đêm sẽ về còn họ thì "hành quân xa" ra biển, có khi tuần lễ mới về…". Những cuộc "hành quân xa" đó còn gọi là đi rập cua hội. Họ đi xa hàng chục cây số tính từ điểm xuất phát. Thay vì phải chèo xuồng bằng tay, để tiết kiệm sức, họ cùng chịu tiền dầu mỡ nhờ một chiếc ghe máy kéo theo hết đoàn xuồng đi rập cua. Chiếc ghe máy kia lại một công hai việc: vừa đi rập cua ngoài ven biển, vừa có người hùn vô tiền dầu… Anh Tám nhìn xa xôi ra hướng biển cả, thì thào: "Hồi đó, cua ngoài biển nhiều nhưng trong bờ thì ít (ám chỉ cua nuôi). Còn bây giờ có vẻ như đang ngược lại, người ta bung ra xa ngoài biển để hy vọng…"."Còn bây giờ vẻ như đang ngược lại"- câu nói của anh Tám làm tôi suy nghĩ vì tôi chưa hiểu hết ngọn ngành(?).

Tôi tìm gặp anh Lê Văn Thuyền, Trưởng ban Tuyên Giáo xã An Thạnh(Thạnh Phú). Anh Thuyền tuy đang làm việc Nhà nước nhưng khi về nhà, anh là một nông dân thực sự, rất am tường các "phong trào" nuôi cua, nuôi tôm sú, nuôi tôm thẻ tại địa phương. Anh Thuyền cho biết: chừng 3 năm trở lại đây Thạnh Phú đã phát triển trên 1.500 hécta nuôi tôm thẻ chân trắng. Nuôi tôm sú với nuôi cua thâm canh là chuyện…"xa rồi diễm!". Quả vậy, từ đầu năm 2014 đến nay, giá cua biển tại vùng ven biển Bến Tre liên tục lên cơn sốt, hiện đã tăng 150% so năm 2013: cua gạch điều 430.000- 450.000 đ/kg, cua thịt loại 1 (cua Y) trên 350.000 đ/kg, cua thịt loại 2 và cua gạch chấm trên 250.000 đ/kg. Nguyên nhân chính khiến cua biển tăng giá do nguồn cung khan hiếm, và do trước đây cua biển nuôi xen trong ao nuôi tôm sú thâm canh(có thời gian dài để cua phát triển cho đến cua gạch điều), nay phần đông bà con chuyển qua nuôi tôm thẻ chân trắng với thời gian nuôi chỉ 3 tháng nên không đủ thời gian cho cua "đủ độ". Nên con cua đang bươn ra sông tìm nơi vùng vẫy…

Bài, ảnh: Phan Lữ Hoàng Hà