Site banner

Thạnh Phú: Tập trung đầu tư du lịch phát triển bền vững

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thạnh Phú lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 xác định: Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, thúc đẩy du lịch phát triển bền vững. Đây có thể xem là một trong những mục tiêu quan trọng mà huyện phải thực hiện xuyên suốt trong 5 năm tới, nhằm góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Để làm được điều này, thời gian tới, huyện sẽ phải đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, những chiến lược mang tính chiều sâu, lâu dài…

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thạnh Phú lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 xác định: Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, thúc đẩy du lịch phát triển bền vững. Đây có thể xem là một trong những mục tiêu quan trọng mà huyện phải thực hiện xuyên suốt trong 5 năm tới, nhằm góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Để làm được điều này, thời gian tới, huyện sẽ phải đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, những chiến lược mang tính chiều sâu, lâu dài…

Nhìn lại chặng đường 5 năm qua có thể nhận thấy, phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được huyện chú trọng thực hiện. Trong đó, Huyện ủy, UBND huyện dành nhiều thời gian quan tâm lãnh, chỉ đạo các đơn vị có liên quan xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể gắn với khai thác tiềm năng phát triển du lịch. Đặc biệt là chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương phát triển du lịch giai đoạn 2012 – 2015 theo tinh thần Chỉ thị số 09 của Tỉnh ủy ngày 18/01/2012 và Đề án phát triển du lịch tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011 – 2015 của UBND tỉnh.

Nhà Cổ Huỳnh Phủ - một trong những địa điểm hứa hẹn sẽ thu hút du khách sau thời gian tu bổ, tôn tạo

Để thực hiện tốt chủ trương của tỉnh, huyện đã tiến hành nhiều biện pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân về vị trí, vai trò của việc phát triển du lịch. Đồng thời, tranh thủ sự quan tâm của trên để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật – một trong những vấn đề quan trọng để thu hút du khách đến với địa phương. Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa, huyện được UBND tỉnh đầu tư và đưa vào sử dụng Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích Nhà cổ Huỳnh Phủ và khu mộ ở hai xã Đại Điền và Phú Khánh với tổng kinh phí gần 26 tỷ đồng. Khởi công xây dựng Dự án Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển tại hai xã Thạnh Hải và Thạnh Phong với tổng mức đầu tư giai đoạn I (từ năm 2013 – 2017) hơn 80 tỷ đồng. Khánh thành Bia lưu niệm tưởng nhớ cuộc thảm sát của biệt kích Mỹ đối với 21 thường dân, kinh phí gần 560 triệu đồng và đầu tư 500 triệu đồng để trùng tu, tôn tạo Bia di tích đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc Nam trên địa bàn xã Thạnh Phong. Đồng thời, cho phép sửa chữa, nâng cấp một số di tích khác trên địa bàn như Nhà tưởng niệm trận đánh Đồng Khởi (xã Tân Phong), Di tích sự kiện quân sự ngày 30/10 (xã Mỹ Hưng), Chùa An Linh (xã An Nhơn), Lăng Ông (xã Thạnh Hải)… bằng nguồn xã hóa với kinh phí hàng tỷ đồng.

Bên cạnh những công trình mang dấu tích lịch sử và văn hóa, huyện còn tập trung xây dựng các công trình giao thông phục vụ du lịch. Trong đó, đã nâng cấp trải nhựa Quốc lộ 57 đoạn từ Cầu Ván (xã Giao Thạnh) đến khỏi ngã ba Cồn Chim (xã Thạnh Phong), đưa vào sử dụng đường từ Nghĩa trang Liệt sĩ Hồ Cỏ đến Cồn Bửng (xã Thạnh Hải), đường về trung tâm ba xã Thạnh Hải - An Điền - Mỹ An, nhất là thông xe Cầu Ván nối liền các xã cánh trên của huyện với ba xã ven biển, đáp ứng lòng mong đợi của người dân địa phương và du khách khi đến tham quan vui chơi tại biển Cồn Bửng… 

Để thu hút ngày càng nhiều du khách, huyện cũng đã quan tâm nhiều hơn đến hoạt động quảng bá khai thác du lịch. Phối hợp với Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch tỉnh, các cơ quan truyền thông quảng bá, giới thiệu tài nguyên thiên nhiên, các điểm du lịch trên địa bàn cũng như các vùng được quy hoạch, dự án đầu tư du lịch để mời gọi đầu tư (nhất là tại khu du lịch Cồn Bửng). Đồng thời, phối hợp với các đơn vị tổ chức một số tour tham quan du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái thử nghiệm nhằm giới thiệu đến các công ty lữ hành đưa du khách đến với huyện nhiều hơn. Song song đó, phối hợp mở các lớp tập huấn về du lịch, nấu ăn cho các cán bộ quản lý, các hộ kinh doanh cũng như chuẩn bị kinh doanh dịch vụ du lịch hai xã Thạnh Hải và Thạnh Phong, tập huấn sơ cứu đuối nước, cứu hộ, quan sát cường độ sóng biển… Mặt khác, thành lập Tổ tư vấn du lịch, đội cứu hộ, đội thu gom rác, các đoàn kiểm tra giá cả dịch vụ, kiểm tra an toàn thực phẩm… góp phần đảm bảo sự an toàn, tạo sự hài lòng đối với du khách khi đến với huyện.

Theo thống kê, lượng du khách đến với các điểm du lịch của huyện trong những năm qua tăng đều hàng năm (chủ yếu là đến với biển Cồn Bửng). Nếu như năm 2013 có khoảng 150.000 lượt người thì năm 2014 tăng lên 170.000 lượt. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2015, lượng khách đến với huyện ước đạt 55.000 lượt người. Bên cạnh khách trong tỉnh, thì số lượng khách ngoài tỉnh cũng tăng theo từng năm từ 20% lên 50% các năm 2013, 2014 và 60% ở 6 tháng đầu năm nay. Riêng Nhà cổ Huỳnh Phủ những năm qua đã có khoảng 1.200 lượt khách đến tham quan, nhất là sau khi công trình được tu bổ đưa vào sử dụng, lượng du khách đến đây ngày càng nhiều…

Như vậy có thể khẳng định, phát triển du lịch là chủ trương đúng đắn của huyện trong những năm qua, nhất là biết phát huy tiềm năng, lợi thế và bước đầu khai thác có hiệu quả. Đặc biệt là từ sau khi UBND tỉnh có quyết định số 1924 ngày 26/9/2014 công nhận Khu di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển là khu du lịch địa phương, đã góp phần thuận lợi cho huyện trong định hướng và mời gọi đầu tư du lịch trong những năm tiếp theo. Đây còn là điều kiện thuận lợi để có thể thu hút du khách trong và ngoài tỉnh. 

Du lịch của huyện tuy có những bước phát triển nhanh, nhưng nhìn rộng ra trên nhiều mặt vẫn còn những hạn chế nhất định. Trong đó, bất cập phải kể đến trước tiên là kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông, nước sạch cùng một số các công trình thiết yếu. Chẳng hạn như công trình đường từ Nghĩa trang Liệt sĩ Hồ Cỏ đến Cồn Bửng đưa vào sử dụng chưa bao lâu đã không thể đáp ứng được nhu cầu đi lại của du khách do mặt đường hẹp, cầu Cồn Tra và Cồn Bửng quá nhỏ so với tải trọng các phương tiện. Bên cạnh đó, một số điểm di tích văn hóa, lịch sử và hoạt động lễ hội gắn với du lịch chưa được nâng cấp, chưa có sản phẩm du lịch mang nét riêng của huyện để hấp dẫn khách tham quan. Các điểm du lịch chưa liên kết được để tạo thành tuyến trong huyện và nối tuyến với các huyện khu vực Cù Lao Minh. Ngân sách huyện dành cho hoạt động du lịch còn hạn chế, lực lượng làm công tác phục vụ cho du lịch cơ sở hầu hết chưa được đào tạo. Đề án phát triển du lịch xã Thạnh Phong và Thạnh Hải chậm được phê duyệt, phần nào ảnh hưởng đến việc mời gọi đầu tư. Tiến độ xây dựng di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển còn chậm, nhiều diện tích đất trong vùng quy hoạch xây dựng bị sóng biển xâm thực. Mặt khác, các dịch vụ, sản phẩm du lịch chưa đa dạng, chất lượng chưa cao; thời gian lưu trú và mức chi tiêu của khách khá thấp. Tuy lượng khách có tăng nhanh nhưng còn yếu tố tự phát là chính, chưa mang tính bền vững…

Để có thể tập trung huy động các nguồn lực đầu tư du lịch phát triển bền vững, huyện Thạnh Phú cần đề ra nhiều giải pháp thiết thực mang tầm chiến lược, lâu dài. Trong đó, phải xác định phát triển du lịch cần gắn với Dự án Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển cùng với các điểm du lịch khác trong huyện để hình thành phát triển đa dạng các loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch vui chơi giải trí, du lịch tâm linh…

Để làm được điều này, theo ông Đào Công Thương, Phó Chủ tịch UBND huyện, thời gian tới, huyện sẽ xây dựng và đẩy nhanh việc thực hiện kế hoạch xúc tiến, quảng bá du lịch từ nay đến năm 2020; chủ động nghiên cứu thị trường tiềm năng ở các địa phương và các tỉnh lân cận để xây dựng các chương trình du lịch, thiết kế các tour, tuyến liên kết với du lịch huyện. Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch gắn với công tác kiểm tra, giám sát trong hoạt động kinh doanh du lịch; đào tạo đội ngũ cán bộ và người dân làm du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ du khách.

Bên cạnh đó, khai thác tối đa các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống đặc sắc phục vụ du khách, nâng cao chất lượng tổ chức các lễ hội hàng năm tạo thành sản phẩm thu hút khách du lịch. Mặt khác, phát huy vai trò quản lý trong định hướng hoạt động du lịch, mời gọi xã hội hóa, đầu tư khai thác hoạt động du lịch, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của huyện. Cùng với đó, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về quản lý du lịch địa phương, hoàn thiện hệ thống bộ máy tổ chức quản lý Nhà nước về công tác du lịch tại huyện và các xã thị trấn. Đặc biệt, mở ra nhiều cơ hội để huy động và phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, mời gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng bền vững phục vụ du lịch. Huy động các nguồn lực của huyện và tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh để tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. 

Cùng với đó, kiến nghị cấp trên đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển; hỗ trợ các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về du lịch cho đội ngũ cán bộ, công chức và các hộ dân làm du lịch, tập huấn loại hình du lịch cộng đồng. Đồng thời, kiến nghị Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh hỗ trợ huyện tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, thử nghiệm các điểm du lịch trong huyện, nhất là các tour dài ngày. Qua đó, giới thiệu, quảng bá hình ảnh của Thạnh Phú nói riêng đến với du khách đầy đủ hơn; góp phần đưa du lịch của huyện phát triển theo hướng bền vững, trở thành thế mạnh trong cơ cấu phát triển kinh tế những năm tiếp theo, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã đề ra…

Quốc Vinh