Site banner

Đảm bảo thực hiện các quyền của trẻ em

Trẻ em luôn cần được chăm sóc, bảo vệ. Ảnh: H. Đức

Luật Trẻ em số 102/2016/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 5-4-2016, có hiệu lực kể từ ngày 1-6-2017.

Luật Trẻ em năm 2016 được ban hành thay thế Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, với nhiều nội dung mới, đề cao tầm quan trọng của việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Tại Điều 1 của Luật xác định “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”.

Tại Chương 2, Mục I của Luật gồm có 25 điều, quy định cụ thể các quyền của trẻ em. Trong đó, trẻ em có các quyền cơ bản như: quyền sống; quyền được khai sinh và có quốc tịch; quyền được chăm sóc sức khỏe; quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu; quyền vui chơi, giải trí; quyền về tài sản; quyền bí mật đời sống riêng tư; quyền được sống chung với cha, mẹ; quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục; quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động; quyền được đảm bảo an sinh xã hội...

Về bảo vệ trẻ em, Luật quy định cấp độ bảo vệ và trách nhiệm thực hiện. Trong đó, có 3 cấp độ gồm: phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp.

Điều 48 của Luật quy định về cấp độ phòng ngừa, gồm các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với cộng đồng, gia đình và mọi trẻ em nhằm nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức về bảo vệ trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em, giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị xâm hại hoặc rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Theo luật quy định, các biện pháp bảo vệ trẻ em cấp độ phòng ngừa bao gồm: tuyên truyền, phổ biến cho cộng đồng, gia đình, trẻ em về mối nguy hiểm và hậu quả của các yếu tố, hành vi gây tổn hại, xâm hại trẻ em; cung cấp thông tin, trang bị kiến thức cho cha, mẹ, giáo viên, người có trách nhiệm chăm sóc trẻ em; trang bị kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ để bảo đảm trẻ em được an toàn; giáo dục, tư vấn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em; xây dựng môi trường sống an toàn và phù hợp với trẻ em.

Về cấp độ hỗ trợ, Điều 49 của Luật quy định bao gồm các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi hoặc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhằm kịp thời phát hiện, giảm thiểu hoặc loại bỏ nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em.

Các biện pháp bảo vệ trẻ em cấp độ hỗ trợ bao gồm: cảnh báo về nguy cơ trẻ bị xâm hại, tư vấn kiến thức và kỹ năng, biện pháp nhằm loại bỏ hoặc giảm thiểu nguy cơ xâm hại trẻ; tiếp nhận thông tin, đánh giá mức độ nguy hại và áp dụng biện pháp cần thiết hỗ trợ cho trẻ; hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Luật này; tiếp cận các chính sách trợ giúp xã hội và các nguồn trợ giúp khác nhằm cải thiện điều kiện sống cho trẻ em.

Điều 50 của Luật quy định cấp độ can thiệp bao gồm các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với trẻ em và gia đình trẻ em bị xâm hại nhằm ngăn chặn hành vi xâm hại; hỗ trợ chăm sóc phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Các biện pháp bảo vệ trẻ em cấp độ can thiệp bao gồm: chăm sóc y tế, trị liệu tâm lý, phục hồi thể chất và tinh thần cho trẻ em bị xâm hại; bố trí nơi tạm trú an toàn, cách ly trẻ em khỏi môi trường, đối tượng đe dọa hoặc đang có hành vi bạo lực, bóc lột trẻ em; bố trí chăm sóc thay thế tạm thời hoặc lâu dài cho trẻ em thuộc đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 62 của Luật này.

Mặt khác, luật cũng quy định về trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em. Theo đó, Điều 51 của Luật quy định: “Cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân có trách nhiệm thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi đến cơ quan có thẩm quyền”.

H.Đức

Nguồn Báo Đồng Khởi Online