Trong những năm qua, kinh tế tập thể đã thể hiện tốt vai trò của mình trong quá trình xây dựng nông thôn mới của huyện. Hiện nay, kinh tế tập thể tiếp tục được quan tâm, tạo điều kiện để phát triển đúng hướng và hiệu quả hơn.
Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 ban hành tại Quyết định 1980/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, đối với tiêu chí 13 (tổ chức sản xuất) bao gồm 02 tiểu tiêu chí: Xã có Hợp tác xã (HTX) hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX năm 2012 và xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững.
Để đảm bảo thực hiện đạt tiêu chí này trong xây dựng xã nông thôn mới cần phải tập trung phát triển kinh tế tập thể (mà trọng tâm là HTX) và thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, tăng cường liên kết trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao chuỗi giá trị. Vì vậy, xây dựng và phát triển kinh tế tập thể nhằm góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện Ba Tri trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020.
HTX thu hoạch nghêu
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 10 HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp như: 3 HTX Thủy sản (An Thủy, Tân Thủy, Bảo Thuận), HTX Rượu (Phú Lễ), HTX Nông nghiệp (Phú Ngãi), HTX Dừa (Mỹ Hòa), Nông nghiệp (Mỹ Chánh), Nuôi tôm thâm canh (Vĩnh An), Sản xuất nấm (An Phú Trung), HTX Nông nghiệp Vĩnh Hòa tổng nguồn vốn trên 5,6 tỷ đồng, với trên 10.551 thành viên; 1 quỹ tín dụng nhân dân xã An Thủy với nguồn vốn 1,3 tỷ đồng, có 754 thành viên. Trong đó, năm 2017 huyện thành lập mới 05 HTX gồm: HTX dừa xã Mỹ Hòa, nông nghiệp xã Mỹ Chánh, sản xuất nấm xã An Phú Trung, tôm thâm canh xã Vĩnh An và Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Hòa. Các HTX đang hoạt động đã làm tốt chức năng hướng dẫn sản xuất, khuyến nông và các dịch vụ cho xã viên, đóng góp tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Điển hình như xã Tân Thủy, xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Xã có HTX Thủy sản hoạt động hiệu quả, thu hút hơn 2.947 thành viên, vốn hoạt động trên 1,5 tỷ đồng. Lĩnh vực hoạt động của HTX nuôi và khai thác nghêu, với diện tích trên 200ha. Trung bình mỗi năm, HTX đã tổ chức khai thác được hơn 500.000 đến 700.000 kg nghêu thịt, đạt giá trị hơn 19 tỷ đồng. Nhờ tổ chức quản lý và khai thác nghêu hiệu quả nên hợp tác xã đã đem lại lợi ích thiết thực cho xã viên, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, góp phần đưa Tân Thủy trở thành xã đầu tiên của huyện xây dựng thành công xã nông thôn mới vào năm 2015.
Ông Dương Văn Chương – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ba Tri cho biết “ Thời gian qua, kinh tế tập thể đã thể hiện tốt vai trò của minh trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Kinh tế tập thể tiếp tục được quan tâm, tạo điều kiện phát triển đúng hướng và hoạt động hiệu quả. Hiện nay, các HTX, Tổ hợp tác trên địa bàn huyện đều thực hiện tốt việc tương trợ vốn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi…góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn, trong đó tiêu chí số 13 tổ chức sản xuất, mỗi xã phải có HTX hoạt động hiệu quả hoặc mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững. Để thực hiện được tiêu chí này trong thời gian tới, huyện sẽ triển khai thực hiện một số giải pháp sau: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân về Luật Hơp tác xã 2012 và các văn bản liên quan để người dân nhận thức một cách đầy đủ vai trò, vị trí của kinh tế tập thể trong lộ trình phát triển kinh tế thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương; Tạo điều kiện cho các HTX, Tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả, tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý, điều hành HTX, tổ hợp tác, mở rộng quy mô sản xuất và liên kết thị trường đầu ra cho sản phẩm”.
Bên cạnh phát triển HTX, Ba Tri hiện có 176 Tổ hợp tác sản xuất với 2.661 tổ viên, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Các Tổ hợp tác hoạt động theo phương thức cùng nhau tham gia sản xuất một chủng loại sản phẩm, cùng tìm doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản, hỗ trợ giúp nhau vay vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, để áp dụng vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên.