Tháng 9-1975, Đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng òa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị khí tượng ở Colombo tuyên bố quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam và yêu cầu Tổ chức Khí tượng thế giới (WHO) tiếp tục ghi tên trạm khí tượng Hoàng Sa của Việt Nam trong danh mục trạm khí tượng của Tổ chức Khí tượng thế giới (trước đây đã được đăng ký trong hệ thống các trạm của WMO dưới biểu số 48.960).
Về quản lý hành chính, năm 1982, Chính phủ Việt Nam đã quyết định thành lập huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, hiện nay, huyện Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng và huyện Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hoặc trong các công hàm gửi các bên có liên quan, hoặc trong các tuyên bố của Bộ ngoại giao, hoặc trong các Hội nghị của Tổ chức Khí tượng thế giới ở Genève, (tháng 6-1980), của Đại hội Địa chất thế giới ở Paris (tháng 7 năm 1980), v.v…
Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần công bố “Sách trắng” (năm 1979, 1981, 1988) về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam, Việt Nam có đầy đủ chủ quyền đối với hai quần đảo này, phù hợp với các quy định của luật pháp và thực tiễn quốc tế.
Ngày 14-3-1988, Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam ra Tuyên bố lên án Trung Quốc gây xung đột vũ trang tại Trường Sa và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Tháng 4-2007, Chính phủ Việt Nam quyết định Tô lập thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây và xã Sinh Tồn thuộc huyện Trường Sa.
Kết luận
Từ những tư liệu lịch sử rõ ràng, và căn cứ vào những nguyên tắc của luật pháp và tập quán quốc tế, có thể rút ra kết luận sau đây:
- Từ lâu, Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu thật sự quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa khi mà các quần đảo đó chưa thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào.
- Từ thế kỷ XVII đến nay, suốt trong mấy thế kỷ, Nhà nước Việt Nam đã thực hiện một cách thật sự, liên tục và hòa bình chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
- Nhà nước Việt Nam luôn luôn bảo vệ tích cực các quyền và danh nghĩa của mình trước mọi mưu đồ và hành động xâm phạm tới chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền lợi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Phụ lục
- Tuyên bố Cai-rô ngày 27-11-1943
Khi cuộc chiến tranh Thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, hội nghị tam cường Anh-Mỹ-Trung (Cộng hòa Trung Hoa, đại diện lúc đó là Tưởng Giới Thạch) đã họp và ra một bản Tuyên bố tại Cai-rô (thủ đô Ai Cập). Tuyên bố có đoạn viết: “… Nhật Bản phải bị loại ra khỏi tất cả các đảo ở Thái Bình Dương mà Nhật đã cướp hoặc chiếm đóng từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất năm 1914 và tất cả những lãnh thổ Nhật đã chiếm của Trung Quốc như Mãn Châu Lý, Đài Loan và Bành Hồ sẽ được trả lại cho Cộng hòa Trung Hoa”.
Như vậy là về phần lãnh thổ của Trung Quốc, Tuyên bố Cai-rô khẳng định ý chí của các cường quốc buộc Nhật Bản phải trao trả lại cho Cộng hòa Trung Hoa các lãnh thổ mà Nhật Bản đã chiếm của Trung Quốc gồm “Mãn Châu Lý, Đài Loan và Bành Hồ”, không có gì liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
- Hội nghị Postdam ngày 26-7-1945
Những người đứng đầu ba nước Mỹ, Anh, Trung (Cộng hòa Trung Hoa) đã lại ra Tuyên ngôn khẳng định “Các điều khoản của Tuyên bố Cai-rô sẽ được thi hành”. Sau khi tuyên chiến với Nhật Bản ở Viễn Đông, Liên Xô cũng tham gia Tuyên ngôn này.
- Hội nghị San Francisco từ ngày 4 đến 8-9-1951
Hội nghị San Francisco được tổ chức từ ngày 4 đến 8-9-1951, có đại diện 51 nước tham dự để bàn về việc ký Hòa ước Hòa bình với Nhật Bản. Điều 2, Chương II của Dự thảo Hòa ước được đưa ra để Hội nghị thảo luận có ghi Nhật Bản từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa và các đòi hỏi của mình đối với các lãnh thổ được nêu rõ trong các khoản của điều này: Triều Tiên, Đài Loan, Bành Hồ; quần đảo Kurile, phần phía Nam đảo Sakhalin;
Các đảo ở Thái Bình Dương;
Châu Nam Cực;
Các đảo thuộc các quần đảo Trường Sa (Spratly) và Hoàng Sa (Paracel).
Tại phiên họp toàn thể ngày 5-9-1951, Hội nghị đã tán thành quyết định của chủ tịch không chấp thuận đề nghị bổ sung đòi “Nhật Bản công nhận chủ quyền hoàn toàn của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đối với Manchuria (Mãn Châu), đảo Đài Loan (Formosa) với tất cả các đảo kế cận nó, quần đảo Penlinletao (Pescadores tức Bành Hồ), quần đảo Tunshtnuntao (quần đảo Pratas), cũng như đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Chu Sa (quần đảo Hoàng Sa, nhóm đảo Amphitrites, bãi cát ngầm Macclesfield) và quần đảo Trường Sa, kể cả quần đảo Trường Sa, và Nhật từ bỏ tất cả các quyền, danh nghĩa và đòi hỏi đối với các vùng lãnh thổ nêu trong điểm nay”.
Quyết định này của Hội nghị đã được thông qua với 46 phiếu thuận, 3 phiếu chống, 2 phiếu trắng. Trong các nước bỏ phiếu thuận có: Ác-hen-ti-na, Ô-xtrây-li-a, Bỉ, Bô-li-vi-a, Bra-xin, Căm-pu-chia, Ca-na-đa, Xri-Lan-ca, Chi-lê, Cô-lôm-bi-a, Cô-xta Ri-ca, Cu-ba, Đô-mi-ni-ca, Ê-cu-a-do, E-ti-ô-pi, Pháp, Hy Lạp, Goa-tê-ma-la, Ha-i-ti, Hôn-đu-rát, In-đô-nê-xi-a, I-ran, I-rắc, Lào, Li-Băng, Li-bê-ri-a, Lúc-xăm-bua, Mê-hi-cô, Hà Lan, Niu Di-lân, Ni-ca-ra-goa, Na Uy./.