Site banner

Bến Tre: Phát triển nguồn nước ngọt

 

Bến Tre là tỉnh có 3 huyện giáp biển, nằm cuối nguồn sông Mê Công, từ nhiều năm qua, lượng nước từ thượng nguồn đổ về cửa biển rất thấp, khiến nước mặn từ biển xâm nhập sâu vào đất liền khoảng 40 - 80 km. Tình trạng xâm nhập mặn ngày càng sâu và độ mặn tăng cao đã lan nhanh trên những cánh đồng của 3 huyện biển khiến năng suất giảm, chi phí tăng cao. Hơn nữa, do thời tiết thay đổi bất thường làm cho môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng, gây mầm bệnh nguy hiểm cho các đối tượng nuôi. Mỗi năm Bến Tre mức độ sạt lở ngày càng nghiêm trọng khi triều cường dâng cao và trở thành mối nguy cơ đe dọa đến nhiều hộ dân sinh sống bên các mé sông.

 

                        Sạt lở bờ biển ở xã Bảo Thuận huyện Ba Tri tỉnh Bến Tre

Trước diễn biến ngày càng gia tăng về mức độ khốc liệt của biến đổi khí hậu, Tỉnh đang  thực hiện nhiều giải pháp nhằm ứng phó với hạn - mặn như khẩn trương chỉ đạo các địa phương sớm hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, quy hoạch lại vùng trồng lúa và có những chính sách căn bản để nền nông nghiệp phát triển bền vững, thích nghi với biến đổi khí hậu. Ðặc biệt, kết hợp với Viện lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long tiến hành nghiên cứu, nhân rộng các giống lúa chịu mặn, chịu hạn, chịu ngập úng... cung ứng cho nông dân, bố trí thời vụ hợp lý và áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, bảo đảm sản xuất đạt thắng lợi.

Tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi, hệ thống dẫn nước, cấp nước, nạo vét kênh, mương, ngăn cống đập trữ nước ngọt phục vụ sản xuất. Toàn bộ hệ thống đê bao, cống đập ngăn mặn đã được khép kín, bảo đảm dự trữ, phục vụ nước ngọt cho toàn vùng dự án.

Còn tại các vùng chuyên canh cây trái, hoa kiểng ở huyện Chợ Lách và Châu Thành để tích trữ, bảo vệ nước ngọt, phòng chống hạn mặn, nhiều hộ dân linh hoạt bằng nhiều biện pháp khác nhau như: đào ao, hồ chứa nước, túi trữ nước trên đất vườn, ngăn trữ trong kênh mương... Với mô hình này, các hộ dân, các cơ sở sản xuất nơi đây tích trữ được hàng trăm đến cả hàng ngàn khối nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô.

            Đắp đê ngăn mặn tại huyện Châu Thành tỉnh Bến Tre

Bến Tre sẽ có giải pháp cung ứng nước ngọt sinh hoạt cho dân vùng bị ảnh hưởng hạn, xâm nhập mặn và mở rộng cả tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, hệ thống thủy lợi cơ bản khép kín, đồng thời hoàn thành hệ thống dẫn nước ngọt từ Tiền Giang về để kết nối các mạng cấp nước hiện có trên địa bàn tỉnh, đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Bến Tre cũng tập trung đầu tư hệ thống nước máy để tăng tỉ lệ sử dụng nước sạch, dần thay thế nước hợp vệ sinh. Tỷ lệ dân số sử dụng nước hợp vệ sinh sẽ đạt 99%, trong đó tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch đạt 70%./.

P.TTBCXB