Sau 3 năm thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” trên địa bàn huyện Bình Đại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã có những chuyển biến rõ nét, giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp tăng khá và bền vững. Riêng cuối năm 2016, giá trị sản xuất nông nghiệp – lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 3,17%, góp phần thực hiện đạt và vượt 20/24 chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân huyện về phát triển kinh tế - xã hội.
Ngay từ khi bắt tay vào việc, các cấp lãnh đạo huyện tích cực vận động người dân tập trung phát triển sản xuất theo hướng nâng cao hiệu quả bền vững, đảm bảo môi trường, an ninh dịch bệnh, an toàn thực phẩm và an ninh xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới.Trong đó, huyện ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp với lợi thế từng vùng theo Đề án tái cơ cấu của Ủy ban nhân dân huyện. Tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất trên cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch liên kết “ bốn nhà “ để nâng cao giá trị nông sản, bảo đảm lợi ích cho người nông dân. Qua đó, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Đối với cây lúa, bước đầu đã hình thành một số mô hình sản xuất, liên kết mang lại hiệu quả như mô hình cánh đồng mẫu lúa xã Châu Hưng, Phú Thuận; qua sơ kết mô hình đem lại hiệu quả như: ít sâu bệnh, giảm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, tăng năng xuất từ 0,5 – 01tấn/ha (năng suất bình quân đạt khá cao trên 5 tấn/ha, có hộ đạt 6,5 tấn/ha), đa số nông dân đều có lợi nhuận. Vụ lúa Đông Xuân 2016 – 2017 đã thu hoạch xong, năng xuất bình quân ước đạt 45 tạ/ha, đa số bà con đều có lãi; Vụ lúa Mùa 2016-2017, cấy sạ 1.792ha, đạt 105,5%kế hoạch.
Riêng đối với cây màu, trong 3 tháng đầu năm 2017,diện tích gieo trồng 407ha, tăng 7,1% so với cùng kỳ, trong đó, cây màu trên ruộng lúa ở các xã tiểu vùng I và II đạt 178ha, so với cùng kỳ tăng 17,1% so với cùng kỳ. Giá rau màu được giá, người trồng màu có lợi nhuận khá.
Diện tích từng loại cây ăn trái được phát triển theo hướng chuyên canh, xen canh, từng bước hình thành những vùng chuyên canh cây ăn trái, sản xuất theo hướng an toàn sinh học, tiêu chuẩn GAP phục vụ xuất khẩu.Diện tích cây ăn trái hiện có 2.472,51ha, sản lượng thu hoạch quý I/2017 ước đạt 19.200 tấn, đạt 68,6% kế hoạch năm, giá trái cây bình ổn, nhất là giá nhãn đang hồi phục trở lại, nông dân có lợi nhuận. Hình thành nhiều mô hình trồng cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao như: trồng xen canh (ổi xen nhãn; bưởi xen nhãn, dừa, ca cao …), chuyên canh (bưởi da xanh, mãng cầu xiêm).
Diện tích vườn dừa được đầu tư mở rộng theo hướng chuyên canh, diện tích trồng mới năm 2016 là 263 ha, nâng tổng diện tích lên hơn 7.163ha, trong đó diện tích cho trái là 5.855,62ha; sản lượng thu hoạch 3 tháng đầu năm 2017 đạt 26 triệu trái, đạt 39,4% kế hoạch năm(so với cùng kỳ tăng 4%), giá dừa tăng cao, nông dân phấn khởi.
Chăn nuôi từng bước phát triển theo mô hình kinh tế trang trại, đảm bảo môi trường; tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Việc đầu tư phát triển đàn bò, đàn dê được nông dân quan tâm, số đàn bò hiện có 10.500 con, tăng 1.180 con so cùng kỳ, đàn dê hiện có 12.000 con, tăng 3.500 con so với cùng kỳ.
Về nuôi thủy sản từng bước được sắp xếp theo hướng nâng cao hiệu quả, nuôi thủy sản theo quy hoạch và theo mùa vụ, nông dân mạnh dạn đầu tư đối tượng nuôi mới như nuôi tôm càng xanh thâm canh, nuôi hàu. Khu vực ngọt hóa (Thạnh Trị, Phú Long) đã có chuyển đổi được 90,75ha ao nuôi tôm biển sang nuôi tôm càng xanh, lắp ao trồng dừa, cây ăn trái…
Hiện nay, các mô hình được nông dân quan tâm nhân rộng như trồng cỏ nuôi bò, dê, tôm càng xanh toàn đực xã Thạnh Trị, Phú Vang, Thới Lai; trồng nhãn Idol quy mô 1 ha ở xã Châu Hưng, mô hình nuôi Cá nâu, cá chim vây vàng tại xã Thạnh Trị; trồng bưởi da xanh xen trong vườn dừa tại xã Lộc Thuận, Phú Long và Thới Lai. Trồng chanh xen trong vườn dừa ở xã Thới Lai. Mô hình nuôi lươn ở xã Thạnh Trị và mô hình tưới phun sương trên hoa màu ở xã Thừa Đức...
Tổng diện tích thủy sản thả nuôi quay vòng năm 2016đạt 17.772 ha, sản lượng đạt 62.2014 tấn, tăng 10% so với cùng kỳ. Hoạt động khai thác thủy sản tiếp tục phát triển, hiện tổng đoàn tàu trực tiếp khai thác trên biển hiện có 1.120 tàu (đánh bắt xa bờ 533 tàu/587.769CV). Sản lượng khai thác năm 2016 ước đạt 94.000 tấn, so với cùng kỳ tăng 6,5%.Vận động thành lập được 37 tổ, đội liên kết sản xuất trên biển với 162 chủ tàu và 469 tàu tham gia.
Bên cạnh đó, việc vận động nông dân tham gia vào tổ hợp tác sản xuất, tổ nghề nghiệp, tổ hợp tác sản xuất theo Nghị Định 151 của Chính phủ là rất cần thiết và phù hợp với điều kiện hội nhập kinh tế hiện nay của nước ta hiện nay. Từ đó huyện tập trung tuyên truyền vận động nông dân tham gia thành lập tổ hợp tác nhằm tương trợ giúp nhau trên lĩnh vực phát triển kinh tế sản xuất sản phẩm mang tính hàng hóa dễ tìm đầu vào đầu ra cho sản phẩm. Cuối năm 2016, huyện có 7 hợp tác xã,120 tổ hợp tác sản xuất với 2.174 thành viên, 28 tổ nghề nghiệp được hình thành trên nhiều lĩnh vực như: trồng rau an toàn, trồng màu, sản xuất dừa tiêu thụ, chăn nuôi, tổ may công nghiệp...
Qua thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện đã giúp cho các cấp, các ngành và nông dân trong việc tổ chức, sắp xếp, chuyển đổi sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp huyện còn nhiều hạn chế, khó khăn. Trong đó, sản xuất nông nghiệp chưa mang tính bền vững, sự liện kết 4 nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp có nơi chưa chặt chẽ, sản xuất chất lượng nông sản chưa cao nên khả năng cạnh tranh còn thấp. Lợi ích đem lại từ mô hình liên kết chưa nhiều nên chưa thu hút đông đảo nông dân và doanh nghiệp tham gia. Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất chưa nhiều. Tình hình thời tiết còn diễn biến thất thường, phức tạp làm phát sinh dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi. Giá cả đầu ra, đầu vào cho sản xuất còn biến động làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất.