Site banner

Bình Đại: Nông dân thu lợi hơn 600 triệu đồng mỗi năm nhờ trồng bưởi da xanh xen nhãn idor

Nhờ chịu khó nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, anh Trần Văn Sơn (ấp Hưng Nhơn, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại) đã thu lợi hơn 600 triệu đồng mỗi năm từ trồng bưởi da xanh xen nhãn idor trên diện tích 2,3ha đất vườn dừa kém hiệu quả sau 4 năm chuyển đổi.

Năm 2014, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của xã Châu Hưng. Anh Trần Văn Sơn đã đầu tư mua 2,3ha đất vườn dừa lão hóa kém hiệu quả để cải tạo trồng bưởi da xanh xen nhãn idor. Nhờ có sẵn kinh nghiệm trồng bưởi từ gia đình, đồng thời thường xuyên theo dõi, học tập kinh nghiệm và tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng, trị bệnh cho cây trồng từ các chương trình khuyến nông và trên các phương tiện thông tin đại chúng, nên anh Sơn đã thành công với mô hình trồng xen canh.

Sau 3 năm canh tác, cây bưởi và cây nhãn cho thu hoạch vụ đầu tiên và cho lãi lớn. Trong đó, bưởi da xanh cho thu hoạch hàng tháng, hiện tại mỗi tháng bưởi cho thu hoạch kéo dài từ 20 – 25 ngày, năng suất bình quân đạt 1,5 tấn trái, giá dao động từ 30 ngàn đến 50 ngàn đồng/1kg, trừ chi phí lãi trên 20 triệu đồng, riêng nhãn idor mỗi năm cho thu hoạch 1 vụ, năng suất đạt 15 tấn, giá bán 30 ngàn đến 35 ngàn đồng/1kg, sau khi trừ chi phí đầu tư phân thuốc, công lao động anh còn lãi 400 triệu đồng.

Trong quá trình trồng xen, để 2 loại cây trồng phát triển xanh tốt, chất lượng trái đẹp, vị ngọt thanh và cho năng suất cao, anh Sơn chủ động bón phân chuồng kết hợp sử dụng phân hữu cơ định kỳ 20 ngày bón 1 lần và tiến hành bồi gốc mỗi năm 1 lần cho cây trồng, đồng thời để tiết giảm các khoản chi phí ban đầu anh Sơn còn đầu tư trên 100 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới phun sương. Anh Sơn chia sẻ: “Trồng bưởi quan trọng nhất là chủ động được vùng đất, nước tưới, loại thuốc và bón phân hợp lý. Tuy nhiên, mấu chốt quan trọng mang lại thành công trong mô hình trồng xen là áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, bao gồm các bước: chọn giống cây khỏe, chú trọng bổ sung dinh dưỡng thường xuyên, hạn chế sử dụng phân hóa học...

Không dừng lại trong việc đầu tư phát triển kinh tế, anh Sơn còn mạnh dạng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật với bà con trong xã, từ chọn vùng đất trồng, nước tưới, phân bón, thuốc phun an toàn cho đến cách phun hiệu quả nhất, đặc biệt hỗ trợ, bán trả chậm cây giống cho hội viên, nông dân nghèo chịu khó cải tạo vườn tạp và có ý chí thoát nghèo, để cùng phát kinh tế gia đình. Hai năm liền, anh Trần Văn Sơn đạt danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi cấp xã và đang được đề nghị danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện năm 2018./.

Thanh Hương