Toàn huyện Bình Đại hiện có hơn 422 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, với gần 4.900 lao động, có 7 hợp tác xã và 3.161 hộ kinh doanh cá thể, với tổng vốn đăng ký 512 tỷ đồng. Thời gian qua, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh không ngừng nâng lên, đóng góp chủ yếu cho thu ngân sách, giải quyết việc làm, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, góp phần giúp địa phương thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trình độ quản lý, khoa học công nghệ còn hạn chế, khả năng cạnh tranh thấp, phần lớn hoạt động trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ, khai thác thủy sản, có rất ít doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản, vai trò của doanh nghiệp trong thực hiện liên kết, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chưa được quan tâm. Bình quân hàng năm, trên địa bàn huyện có 22 doanh nghiệp được thành lập mới, nhưng hiện chỉ có 290 doanh nghiệp đang hoạt động, số doanh nghiệp còn lại tạm ngưng hoạt động và giải thể.
Thực tế, huyện đã tập trung cải thiện môi trường, đầu tư đáng kể thông qua đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển kết cấu hạ tầng, các chính sách ưu đãi kêu gọi sự đầu tư, nhưng vẫn không tạo được cơ hội, điều kiện tốt nhất thu hút người dân khởi nghiệp, lập nghiệp. Đối với hộ gia đình, thanh niên còn tâm lý an toàn, có cuộc sống ổn định, ngại thất bại nên chưa mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh, một bộ phận hộ nghèo chưa có tính chủ động thoát nghèo.
Nằm tạo dựng môi trường khởi nghiệp trong cộng đồng đầu tư, kinh doanh năng động, có năng lực sản xuất mới, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Trong đó, huyện tập trung thực hiện công tác hỗ trợ hộ kinh doanh ổn định sản xuất, nâng dần quy mô và chất lượng, phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã, hỗ trợ phát triển cho các doanh nghiệp đang hoạt động và khởi nghiệp thoát nghèo tạo sinh kế cho người nghèo, để từng bước thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội. Huyện đề ra kế hoạch từ nay đến năm 2020, phải thực hiện tốt chương trình “ Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp” có sự kết nối giữa thanh niên với nhà đầu tư trong thực hiện ý tưởng sáng tạo, sự liên kết giữa chính quyền và doanh nghiệp trong thực hiện các giai đoạn của tiến trình khởi nghiệp.
Phấn đấu mỗi năm, huyện có 500 hộ kinh doanh cá thể được thành lập mới, đến năm 2020, toàn huyện có trên 4.500 hộ kinh doanh cá thể và 430 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, từ 3% hộ kinh doanh có thể nâng quy mô thành lập doanh nghiệp.
Với kế hoạch đề ra, tùy tình hình thực tế và đối tượng của đơn vị, địa phương, các ngành, đoàn thể huyện tập trung khơi dậy, hun đúc tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh nhân năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, để làm giàu trong nhân dân, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển nhiều ngành nghề, ổn định lâu dài và từng bước xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp không ngừng lớn mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh phát triển bền vững, giữ vai trò trọng yếu trong cân đối ngân sách, trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện.
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền khởi nghiệp đến mọi người dân, chủ yếu là đối tượng đoàn viên, thanh niên trong khởi nghiệp, lập thân. Tăng cường giáo dục hướng nghiệp cho học sinh ở các trường trung học phổ thông khi ra trường, tổ chức các buổi gặp gỡ, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về đồng khởi khởi nghiệp khơi gợi tính khám phá, tư duy sáng tạo cho thanh niên, học sinh, sinh viên về phương pháp biến ý tưởng thành hiện thực, liên kết với các sở, ngành tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo mang tính cơ bản, nhằm trang bị kỹ năng, kiến thức về kinh doanh như: lập dự án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, quản lý phát triển doanh nghiệp cho các đối tượng.
Thường xuyên rà soát thống kê số lượng hoạt động, phân loại hoạt động các hộ kinh doanh trên địa bàn, xây dựng các chương trình hỗ trợ phát triển, kinh doanh cho nhóm đối tượng phù hợp với khả năng, đặc thù của huyện, đồng thời thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của nhà nước giành cho hộ kinh doanh, nhất là chính sách đầu tư vào lĩnh vực thủy sản, nông nghiệp, công nghiệp.
Mở các lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng, kiến thức về kinh doanh cho hộ kinh doanh với nhiều hình thức phù hợp, hỗ trợ năng lực sản xuất, kinh doanh, tiếp cận thị trường, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt phân tích cho hộ kinh doanh hiểu về chính sách thuế, mặt bằng sản xuất, quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, để các hộ kinh doanh có hoạt động hiệu quả.
Củng cố kiện toàn Ban chỉ đạo, đổi mới phát triển kinh tế và thực hiện chuyển đổi hoạt động các tổ hợp tác, HTX theo đúng luật HTX năm 2012. Thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, hạ tầng phát triển làng nghề, phát triển hạ tầng nuôi trồng thủy sản, lồng ghép thực hiện các dự án AMD, RADCC, các chương trình mục tiêu của tỉnh, quốc gia, chương trình giảm nghèo, khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho sản xuất, đào tạo nghề, các chương trình xã hội, nhằm phục vụ phát triển kinh tế xã hội, tạo điều kiện và tiền đề cho kinh tế tập thể phát triển.
Tiếp tục nâng cao chỉ số thành phần góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI trên địa bàn huyện, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật như: giao thông, điện, nước sạch, viễn thông,…tạo điều kiện kêu gọi nhà đầu tư và đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, trong đó chú trọng đến xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Phú Thuận, cụm công nghiệp Bình Thới, phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, phục vụ mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp đổi mới công nghệ trong chế biến, sản xuất, nhất là ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến sản phảm và đẩy mạnh gia hạn, hoặc giảm thuế giúp hoanh nghiệp giảm chi phí vay.
Xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả, giúp hộ nghèo chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Tăng cường hoạt động cho vay vốn ưu đãi, xã hội hóa công tác giảm nghèo, huy động các nguồn lực thông qua Ủy ban mặt trận tổ quốc, các hội, đoàn thể thực hiện công tác vận động tập thể, cá nhân ủng hộ “ Quỹ vì người nghèo”, để xây nhà tình nghĩa, tình thương, trao học bổng cho các em có hoàn cảnh khó khăn.
Tích cực thực hiện đồng bộ, lồng ghép nhiều giải pháp với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo và không phát sinh hộ nghèo mới, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống của người nghèo, ưu tiên cho người nghèo thuộc các xã khó khăn./.