Site banner

Bình Đại: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng xây dựng chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản

Ngành nông nghiệp của huyện Bình Đại đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, với hơn 80% dân số làm kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Vì vậy, huyện xác định tái cơ cấu ngành nông nghiệp là nhiệm vụ cốt lõi trong tổng thể xây dựng nông thôn mới để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân.

Thời gian qua, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện được triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phòng trừ dịch bệnh, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả theo hướng liên kết sản xuất, tiêu thụ, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Công tác xây dựng thương hiệu các sản phẩm cũng được quan tâm. Bước đầu, huyện đã hình thành mối liên kết tiêu thụ giữa nông dân với doanh nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, từ đó tốc độ tăng trưởng kinh tế ngành nông nghiệp của huyện phát triển khá, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, trong đó huyện chú trọng đảm bảo công tác quản lý môi trường và tuân thủ tốt lịch thời vụ, các khuyến cao, giải pháp kỹ thuật của ngành chức năng. Đặc biệt, trong năm 2016, huyện đã thực hiện chuyển đổi được 272ha lúa sang trồng cây lâu năm, vận động ngư dân tham gia đánh bắt trên biển được 38 tổ, đội, tổ chức và phối hợp tổ chức 6 lớp tập huấn về quy trình ủ phân hữu cơ từ nguyên liệu tại địa phương hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học EM trong chăn nuôi thủy sản, xử lý môi trường, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất canh tác cây có múi, kỹ thuật chăm sóc dừa, ủ phân bò, dê làm phân xanh,....,v.v.

Ngành nông nghiệp Bình Đại đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện đề án vẫn còn chậm và chưa đồng bộ, còn mang tính hình thức, kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi không rõ nét, hiệu quả mang lại còn thấp, nông dân chưa liên kết tốt trong sản xuất và tìm đầu ra sản phẩm, phần lớn người dân tự sản xuất ra sản phẩm và bán ra thị trường thông qua hệ thống phân phối, bán lẻ, nên chưa tạo được nguồn hàng lớn, chất lượng và đồng nhất theo yêu cầu thị trường.

Với mục tiêu tạo ra sự đổi mới căn bản về quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh các sản phẩm nông, lâm, thủy sản có tiềm năng, lợi thế, có thị trường tiêu thụ và phát triển bền vững, để tạo việc làm ổn định, cải thiện đời sống cho nông dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của khu vực nông thôn và bảo vệ môi trường sinh thái và xây dựng nông thôn mới. Huyện Bình Đại đã đề ra kế hoạch thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng xây dựng chuỗi giá trị mặt hàng nông nghiệp từ khâu quy hoạch, cơ sở hạ tầng, tổ chức sản xuất, chuỗi cung ứng dịch vụ sản xuất, thu hoạch, thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ. Theo đó, Đề án đưa ra định hướng chung áp dụng xuyên suốt trong tái cơ cấu trên ba khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường trong từng lĩnh vực cụ thể.

Ở lĩnh vực cây trồng: tiếp tục thực hiện mô hình liên kết 4 nhà, kêu gọi đầu tư của các công ty, doanh nghiệp giúp nông dân liên kết trong canh tác và tiêu thụ. Tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc, phòng trị cho các loại cây trồng. Vận động thực hiện thâm canh vườn dừa, tỉa thưa vườn dừa trồng xen bưởi, cam, chanh, nhất là tập trung ở khu vực ngọt hóa, để nâng cao thu nhập đơn vị diện tích. Phấn đấu giảm 250ha lúa, trong đó vùng lúa 3 vụ giảm 50ha chuyển sang trồng cây ăn trái 30ha, trồng dừa 10ha, trồng cỏ nuôi giá súc 10ha, vùng lúa 1 vụ giảm 200ha chuyển sang nuôi thủy sản, tôm – lúa, trồng dừa,...,v.v. Xây dựng hợp tác xã nhãn ở xã Long Hòa, đồng thời củng cố, xây dựng chuỗi liên kết các tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ trái dừa ở xã Phú Long, Phú Vang, Thạnh Trị. Vận động thành lập mới 3 tổ hợp tác gồm: tổ hợp tác trồng dưa hấu xã Thới Thuận, tổ hợp tác nuôi bò sinh sản xã Bình Thắng và tổ hợp tác trồng rau màu thị trấn Bình Đại.

Ở lĩnh vực chăn nuôi: phát triển chăn nuôi theo quy hoạch, theo hướng trang trại với quy mô lớn, tranh thủ các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để tăng tổng đàn, nhất là đàn bò, heo, dê, khuyến khích áp dụng công nghệ cao, hỗ trợ người chăn nuôi xây dựng hầm bioga, đệm lót sinh học balasa, để xử lý chất thải, bảo vệ môi trường. Phấn đấu xây dựng chuỗi liên kết các hộ chăn nuôi heo ở các xã Vang Quới Tây, Long Hòa.  

Lĩnh vực thủy sản: tổ chức quản lý nuôi thủy sản theo quy hoạch, nâng cao ý thức cộng đồng. Tập trung nghiên cứu và nhân rộng sản xuất các đối tượng nuôi chủ lực, nhất là mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trong mươn vườn dừa và các ao vùng ngọt hóa. Tiếp tục phối hợp thực hiện Dự án xây dựng mô hình quản lý và phát triển mạnh nhãn hiệu tập thể cá khô Bình Thắng. Nghiên cứu đởi mới, đầu tư thiết bị, ứng dụng công nghệ hiện đại khai thác, bảo quản trong và sau thu hoạch, để giảm tỉ lệ thất thoát và xuất khẩu thủy sản sống có giá trị cao. Xây dựng mô hình chuỗi liên kết cung ứng con giống, thức ăn, thu mua tôm thương phẩm đối với hình thức nuôi tôm chân trắng thâm canh ở các xã Định trung, Bình Thới và tôm càng xanh ở Phú Long. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Đại cho biết: Để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả, Bình Đại đang triển khai nhiều giải pháp, cụ thể, trong đó chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động nhân dân tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, an toàn, đảm bảo môi trường, quy hoạch tổng thể ngành nông – thủy sản chi tiết đến từng vùng, từng xã, thị trấn, tổ chức có hiệu quả các cuộc hội thảo, họp mặt doanh nghiệp, để có điều kiện thực hiện tốt chính sách liên doanh, liên kết, đẩy mạnh tiếp tị, xúc tiến thương mại, dự báo thị trường tiêu thụ sản phẩm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, tham gia của các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội thực hiện mục tiêu chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả, giá trị trên đơn vị diện tích, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân và cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn đến năm 2020./.

Thanh Hương