Site banner

Ngẩn ngơ với những cánh cò

Bến Tre với hình thể ba dải cù lao, trông ra biển khơi với chiều dài 65km, đã sở hữu hai hệ sinh thái đất ngập nước điển hình là Sân chim Vàm Hồ và dải rừng ngập mặn duyên hải Thạnh Phú. Hệ sinh thái ở đây vô cùng phong phú, theo kết quả nghiên cứu được Sở Tài nguyên & Môi trường Bến Tre công bố năm 2012, riêng tại Sân chim Vàm Hồ có đến 120 loài chim thuộc 45 họ và 14 bộ. Đến với nơi đây, bất kỳ ai cũng phải ngẩn ngơ trước bức tranh tuyệt mỹ của thiên nhiên.

Sân chim Vàm Hồ - từ tên gọi đã toát lên sự thống trị nơi đây là vương quốc của các loài chim. Chiếm số lượng cực lớn, cò và vạc được xem là chủ nhân chính thức của sân chim. Thay phiên giữ nhà, cò về là vạc tiếp tục ra đi trong cuộc mưu sinh, cứ thế hoạt động của sinh thái tự nhiên vẫn tiếp diễn theo đúng qui luật của nó.

"Thân cò lặn lội bờ sông/Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non". Câu thơ gợi cho ta về một số phận đắng cay, cơ cực được ví như thân phận người phụ nữ. Không biết cò có thực sự khóc than cho thân phận của mình hay không, nhưng theo quan sát của chúng tôi, hình ảnh cò siêng năng, cần mẫn, chịu khó và đặc biệt là rất mực thương con. Để chuẩn bị đón đàn con ra đời, cò bố và mẹ trên đường mưu sinh đã không quên kết hợp mang vật liệu về để xây tổ ấm, chờ đón ngày ra đời của đàn con thơ dại.

Cò ở Sân chim Vàm Hồ có khoảng 12 loài, từ cò ngàng lớn, ngàng nhỡ, ngàng nhỏ, quắm, ruồi, cá, ma, bợ Java, trắng Trung Quốc, xanh, lửa lùn, lùn hung, lạo Ấn Độ, quăm đầu đen…. Nhưng nhìn những cánh cò chấp chới trên trời xanh, không thể nào không dõi mắt để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên đó và rất khó để người không chuyên phân loại chính xác được chúng.

Đồng hành cùng cò là vạc. Vạc là loài chim có số lượng lớn nhất ở Sân chim Vàm Hồ. Tên khoa học của vạc Nycticorax có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp nghĩa là loài quạ đêm với thói quen đi kiếm ăn ban đêm của chúng. "Con vạc mày đi ăn đêm", tục ngữ xưa đã nêu lên được tập tính kiếm ăn của loài này.

Với vạc, sự thu hút của chúng ở chỗ màu sắc thay đổi theo độ tuổi, theo từng thời gian phát triển. Qua trao đổi với những vị cao tuổi tại địa phương thường cho rằng vạc có nhiều loài dựa vào màu lông của chúng. Nhưng qua nghiên cứu, chúng tôi có thể khẳng định thực sự, Sân chim Vàm Hồ chỉ có một loài vạc Nycticorax nycticorax. Chim non màu nâu với các đốm màu trắng và xám. Bộ lông này vẫn giữ đến năm thứ ba mới trở thành 2 màu xám, trắng phân biệt. Ở nhiều cá thể thuộc đơn vị phân loại dưới loài, vẫn tiếp tục giữ lại bộ lông này ở chim trưởng thành. Do vậy, đã dẫn đến sự nhầm lẫn, cho rằng sân chim Vàm Hồ là có 2 loài vạc: vạc xám và vạc rằn.

Đến với Sân chim Vàm Hồ, hệ sinh thái vùng đất ngập nước ven biển Bến Tre để cảm nhận được vẻ đẹp mang đậm chất thiên nhiên, để cho tâm hồn tự do ngơ ngẩn, bay bổng theo những cánh cò, vạc… kể cả ngày lẫn đêm. Về đây để trải nghiệm sự giải thích ngây thơ, dung dị của dân gian về tập quán kiếm ăn trái ngược nhau của cặp đôi cò- vạc: "Ngán cho con vạc đi mò/ Bán ruộng cho  nên phải ăn đêm".

Kim Tuyến - Văn Bon