Tầm quan trọng của rừng ngập mặn đối với môi trường sinh thái đã được các nhà khoa học khẳng định từ lâu. Đặc biệt, rừng ngập mặn còn là cứu cánh của con người trong việc ứng phó với sự biến đổi khí hậu, khi mực nước biển dâng cao.Để chủ động ứng phó và hạn chế những tác động tiêu cực của thiên tai ngày càng bất thường, bảo vệ môi trường ven biển, chống sạt lở và bảo vệ nguồn thủy sản trong khu vực sông, rạch trên địa bàn huyện, huyện Bình Đại tăng cường thực hiện công tác phối hợp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nập mặnở các địa phương ven biển.
Hiện huyện Bình Đại có 2.245,51 ha diện tích đất rừng phòng hộ, 636,27hađất rừng sản xuất tập trung tại 4 xã: Bình thắng, Thạnh Phước, Thừa Đức và Thới Thuận. Trong đó, 2 xã Thừa Đức, Thới Thuận có diện tích trồng rừng nhiều nhất, chiếm 82,2% diện tích rừng toàn huyện.
Trồng rừng đước là một phương án hữu hiệu tái sinh rừng ngập mặn tại các xã biển của huyện.
Theo ý kiến phản ảnh của một số hộ dân các xã ven biển của huyện, do thời gian qua, nhiều người dân địa phương chặt phá rừng đước, cải tạo nuôi tôm, nên hệ quả là những năm gần đây, vào mùa mưa thì hồ đập nuôi tôm của người dân ở đây thường bị sạt lở. Nguồn giống thủy sản thiên nhiên giảm dần. Trước thực trạng trên, huyện đã đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm tăng và bảo vệ diện tích đất rừng. Trong đó, các ngành chức năng huyện tăng cường thực hiện công tác phối hợp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được chặt chẽ. Đồng thời kết hợp tốt giữa phát triển rừng phòng hộ với rừng sản xuất. Thường xuyên tuyên truyền, vận động, kiểm tra, kiểm soát công tác phòng chống cháy rừng. Qua đó, nâng cao kiến thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng, hạn chế được việc đào đắp đất và rừng trái phép. Tiếp tục rà soát và thực hiện công tác giao đất rừng. Xây dựng các chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng của huyện.
Bên cạnh đó, theo công bố Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng huyện Bình Đại giai đoạn 2012- 2020của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, theo Quy hoạch, đến năm 2020, diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp của huyện là 3.226,3ha. Huyện tổ chức tăng cường bảo vệ diện tích rừng hiện có theo hướng nâng cao hiệu quả của rừng trong việc phòng hộ bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xác lập ranh giới, đóng móc, lập hồ sơ, quản lý tới từng lô rừng.
Ngoài ra, huyện sẽ tiến hành trồng rừng mới tập trung trên 205 ha. Trong đó, trồng rừng trên đất trống là 103,9ha, trồng rừng trên bải cát là 44,2ha và trồng rừng trên đất mới bồi tụ 69,7 ha. Trồng rừng lại sau khai thác 387,6 ha. Hàng năm tổ chức trồng trên 35 ngàn cây phân tán. Chặt nuôi dưỡng và tỉa thưa rừng 51,3ha. Khai thác rừng hợp lý với đối tượng khai thác là rừng đước đến tuổi khai thác và dừa lá nằm trong phạm vi rừng phòng hộ, rừng sản xuất trên diện tích 387 ha. Sản xuất lâm ngư kết hợp trên 100ha và phát triển Du lịch sinh thái với diện tích là 150ha.
Các cấp lạnh đạo huyện cũng xác định rõ trách nhiệm thực hiện quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn 2012-2020 gắn với các nhiệm vụ xây dựng, thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển lâm nghiệp tại từng địa phương. Các dự án lâm nghiệp phải lồng ghép với dự án xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện.
Nhìn chung,việc khôi phục và phát triển rừng ngập mặn và bảo vệ môi trường ven biển bền vững là vấn đề hết sức cấp thiết, góp phần bảo vệ hệ thống đê biển, cơ sở ha tầng, cộng đồng dân cư, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân lâm nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và giữ an ninh quốc phòng vùng ven biển.