Những năm qua, vào các mùa khô hanh, huyện Bình Đại luôn triển khai thực hiện chặc chẽ các chương trình, dự án bảo vệ và phát triển rừng, nhất là chú trọng đến công tác tuyên truyền bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng nên nhận thức của người dân được nâng lên rõ rệt, trên địa bàn huyện chưa xảy ra tình trạng cháy rừng đáng tiếc.
Năm 2016, Bình Đại có 20ha rừng được trồng mới, nâng tổng diện tích đất rừng toàn huyện hiện có trên 2.881ha. Tập trung ở các xã Bình Thắng, Thừa Đức, Thới Thuận, Thạnh Phước. Trong đó, đất rừng phòng hộ có diện tích gần 2.246ha và đất rừng sản xuất có diện tích hơn 636ha.
Hiện nay, đang là cao điểm của mùa khô hanh, nhất là sau những cơn mưa trái mùa thì nắng nóng càng diễn biến gay gắt hơn. Do đó, nguy cơ xảy ra cháy ở những khu vực rừng phòng hộ ven biển, nhất là những khu rừng trồng cây phi lao có nhiều thực bì lá khô trên địa bàn huyện là rất lớn.
Thực hiện công văn số 543 ngày 15 tháng 3 năm 2017 của Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2017. Để chủ động phòng chống và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng cháy rừng, bảo vệ tài nguyên rừng và bảo vệ môi trường thiên nhiên mùa khô hanh năm 2017, UBND huyện Bình Đại đã và đang chỉ đạo các ngành chức năng liên quan và các địa phương có rừng tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Đề xuất thực hiện đầy đủ các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định của Nhà nước.
Thường xuyên nắm diễn biến tình hình phòng phòng cháy, chữa cháy rừng, tổ chức theo dõi, dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Rà soát, bổ sung hoàn thiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2017 và kiểm tra các công trình, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng như: chòi canh lửa, đường băng cản lửa, hồ mương trữ nước, biển báo cấm lửa, biển nội quy phòng cháy chữa cháy rừng, đồng thời kiểm tra, sửa chữa, mua sắm bổ sung các phương tiện, dụng cụ phục vụ cho công tác chữa cháy rừng phù hợp với tình hình thực tế để kịp thời xử lý các tình huống cháy rừng xảy ra theo phương châm “ 4 tại chỗ”.
Củng cố Ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng cấp xã và các tổ, đội chữa cháy, để xử lý kịp thời mọi tình huống phát sinh cháy rừng và tăng cường lực lượng bảo vệ, bố trí lực lượng tại các chòi canh, tổ chức tuần tra, canh gác nhằm phát hiện, ngăn chặn sớm.
Thống kê nắm chắc các diện tích ruộng, vườn gần rừng, dễ cháy trên địa bàn các xã của từng hộ dân và quản lý chặc các hoạt động của người dân sinh sống, sản xuất gần khu vực có rừng, để tuyên truyền, vận động, nghiêm cấm nhân dân đốt lửa trong rừng tránh xảy ra cháy rừng./.