Site banner

Bình Đại: Tập trung phát triển kinh tế mũi nhọn ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản

Huyện Bình Đại là một trong 3 huyện ven biển của tỉnh, có chiều dài bờ biển khoảng 27 km và hệ thống sông ngòi chằng chịt. Trước lợi thế đó, trong những năm qua, huyện tập trung lĩnh vực kinh tế mũi nhọn  của địa phương về phát triển ngành khai thác và nuôi trồng thuỷ sản. Qua đó, ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản đã giải quyết số lượng lớn lực lượng lao động nông thôn, giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu chính đáng, phát triển kinh tế xã hội của huyện nhà.

Trên lĩnh vực nuôi thủy sản, huyện tập trung chỉ đạo phát triển quy mô, loại hình nuôi theo quy hoạch, giử vững và phát triển loại hình nuôi tôm quãng canh và xen rừng để bảo vệ môi trường sinh thái rừng ngập mặn với diện tích chiếm khoảng 50% tổng diện tích quy hoạch nuôi thủy sản của huyện, giảm diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh để tập trung nuôi theo hướng công nghệ tiên tiến nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả bền vững. Tích cực tuyên truyền thực hiện lịch thời vụ về thả nuôi, cắt vụ theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh và hướng dẩn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, áp dụng khoa học kỹ thuật theo hướng an toàn, hiệu quả, bền vững trong nuôi tôm, tổ chức tham quan mô hình hiệu quả trong và ngoài huyện. Qua đó, giúp người nuôi tôm nâng cao kỹ thuật nuôi, giảm rủi ro trong ao nuôi và năng suất nuôi đạt cao.

Tổng diện tích thủy sản thả nuôi quay vòng trong năm đạt 2.712,26ha, đạt 129,5% kế hoạch, tăng 2.708,03ha so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích nuôi tôm 17.413 ha gồm: nuôi tôm càng xanh 110,98ha, tôm sú 9.975,52ha, tôm thẻ chân trắng 7.327 ha và các loại thủy sản khác. Nguyên nhân diện tích nuôi thủy sản quay vòng trong năm tăng so với cùng kỳ năm 2013 chủ yếu là tăng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng, do chu kỳ nuôi tôm thẻ chân trắng ngắn, thả được nhiều vụ trong năm, cụ thể từ 2-3 vụ, cá biệt có người thả nuôi 4 vụ. Tổng sản lượng nuôi thủy sản đã thu hoạch ước 62.000 tấn, đạt 124% kế hoạch năm, tăng 2,1% so với cùng kỳ. Trong đó tôm nuôi ước đạt 30.500 tấn, đạt 190% kế hoạch năm, bằng 102% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, trong năm qua, do thời tiết, môi trường nuôi không thuận lợi nên đã xảy ra dịch bệnh đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy trên tôm nuôi với diện tích bị thiệt hại 967,25ha, chiếm 11,7% so với diện tích thả nuôi .

Trong năm, huyện còn đẩy mạnh thực hiện giải quyết tình hình nuôi tôm biển chân trắng ngoài vùng quy hoạch, tổ chức thực hiện trám, lấp giếng nước mặn. Kết quả có 1.821/1.821 hộ cam kết trám, lấp giếng nước mặn, trám, thực hiện trám, lấp 1.253 cây giếng nước mặn, chiếm 89,8 % số cây giếng nước mặn, còn lại 273 giếng đang tiếp tục thực hiện để hoàn thành vào cuối năm 2014 theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tinh.

Trên lĩnh vực đánh bắt thủy sản, trong năm, huyện đã tích cực thực hiện hỗ trợ cho ngư dân đóng mới tàu, nâng cao năng suất tàu đánh bắt xa bờ, tập trung khai thác thủy sản xa bờ. Từ đầu năm 2014 đến nay, ngư dân huyện đã đóng mới 61 táu đánh bắt xa bờ, thay máy nâng công suất đánh bắt xa bờ 24 tàu,  so với năm 2013, số tàu đóng mới tăng 25 tàu. Nâng tổng số tàu khai thác hiện có 1.202 chiếc với mã lực 358.005CV, trong đó, đánh bắt xa bờ 545 chiếc. Sản lượng khai thác thủy sản trong năm ước đạt 70.000 tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, huyện tổ chức thực hiện nhiều mô hình liên kết thủy sản. Đến nay, toàn huyện hiện có 32 tổ, đội liên kết đánh bắt thủy sản xa bờ với 115 chủ tàu tham gia. Qua thực hiện mô hình này giúp ngư dân tăng cường liên kết, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác, tương trợ  khi gặp rủi ro, gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh trên biển. Dự án MOVIMAR kết nối vệ tinh lắp đặt 29 máy các tàu thuộc tổ, đội khai khai thác xa bờ, nâng tổng số đã lắp đặt 54 máy. Hướng dẩn ngư dân đóng mới, nâng cấp gia cố tàu,thay máy theo Nghị định 67 của Chính phủ, tỉnh hỗ trợ cho thuyền viên, ngư dân trực tiếp khai thác thủy sản theo mô hình tổ, đội liên kết, hợp tác tham gia bảo hiểm. Trong đợt I, có 40 ngư dân tham gia mua bảo hiểm với tổng số tiền 55,9 triệu đồng. Tổ chức họp mặt ngư dân xã Bình Thắng để thông tin chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển thủy sản; tình hình kinh tế-xã hội của địa phương, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của ngư dân để giải quyết khó khăn,vướng mắt, kiến nghị.

Bên cạnh việc đầu tư phát triển đoàn tàu đánh bắt, lĩnh vực dịch vụ hậu cần nghề cá cũng đang tập trung phát triển khá nhanh với 07 doanh nghiệp đóng tàu, công suất đóng khoảng 8-12 tàu/doanh nghiệp, 09 doanh nghiệp sản xuất nước đá, công suất 100-200 tấn/ngày. Cảng cá Bình Đại hoạt động khá hiệu quả, hàng ngày tiếp nhận từ 8 – 10 tàu cập cảng; hiện đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư mở rộng qui mô đạt tiêu chuẩn cảng cấp vùng. Làng nghề chế biến cá khô cũng được đầu tư đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, hoạt động sản xuất khá sôi nổi.

Có thể nói, năm qua, huyện đã tập trung xây dựng nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản và hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển. Qua đó, ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển và đạt được hiệu quả cao, góp phần đem lại sự ấm no cho người dân huyện nhà.

                               Tuyết Mai – Đài truyền thanh huyện Bình Đại