Thời gian qua, do thời tiết nắng nóng cộng với xâm nhập mặn đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống người dân, gây nhiều thiệt hại trên cây trồng và vật nuôi. Theo thống kê của xã Bình Thạnh, huyện Thạnh Phú đến thời điểm này, xã có gần 60 hộ dân trồng mía với diện tích hơn 20 ha bị thiệt hại. Về cây màu có trên 10 hộ bị thiệt hại với diện tích hơn 3 ha chủ yếu trên cây dưa gang, bí đỏ, bầu và đậu bắp được người dân trồng dưới chân ruộng. Tập trung ở các ấp Thạnh An, Thạnh Quí A, Thạnh Quí B và Thạnh Bình.
Ruộng mía của ông Minh
Là một trong những xã có diện tích mía lớn trong huyện, cây mía từ lâu là cây trồng chủ lực của xã Bình Thạnh với hơn 250 ha. Tuy nhiên, thời gian gần đây các ruộng mía trồng ở vùng đất trũng, thấp hầu hết bị nước mặn xâm nhập, gây nhiều lo lắng cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Minh, 46 tuổi ở ấp Thạnh Bình, hơn 5 năm nay gắn bó với cây mía, nguồn thu nhập từ cây mía giúp kinh tế gia đình ổn định. Ruộng mía của ông ở vùng trũng nên bị nước mặn xâm nhập trong các ngày tết, cùng với nắng nóng thời gian qua, làm cho mía bị thúi gốc, các gốc có lên cũng thưa thớt, không đều như các vụ trước. Ông Minh nói về thiệt hại ruộng mía của mình: "Tôi có 5 công mía trồng mới bị thiệt hại khoảng 70% và 3 công mía gốc thiệt hại khoảng 40%".
Bình Thạnh còn là vùng chuyên canh trồng rau màu, ngoài hơn 10 ha rau màu được trồng trên đất giồng. Những năm gần đây người dân đã đưa cây màu xuống chân ruộng và đem lại lợi nhuận khá cao. Tuy nhiên, việc sản xuất của bà con nông dân vẫn không thoát khỏi tình trạng thiệt hại do hạn mặn.
Ông Hồ Văn Nhàn, 55 tuổi ở ấp Thạnh Quí A, cùng thời điểm này năm trước 4 công đất trồng bầu và dưa gang của ông trồng dưới chân ruộng, mỗi công lãi trên 5 triệu đồng. Nhưng năm nay, bao vốn liếng đầu tư coi như mất trắng do bị xâm nhập mặn. Diện tích bầu của ông hiện giờ chỉ còn sống một số dây, các dây còn sống lá vàng hoe, các dây cho trái thì trái không phát triển. Dưa gang cũng đang trong tình trạng tương tự. Ông Nhàn cho biết: "Sau khi đợt dưa gang đầu tiên bị chết do hạn mặn, gia đình tiếp tục bỏ lại giống mới nhưng do đất còn nhiễm mặn nên dây dưa và bầu không phát triển".
Ngoài ra, mô hình trồng thử nghiệm mãng cầu xiêm của hơn 10 hộ dân với diện tích 5 ha được trồng năm 2015, do nắng nóng đã chết rải rác, số cây còn sống cũng phát triển rất chậm.
Theo ông Phạm Văn Thuận - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Thạnh: Nông dân trồng mía, màu, lúa hay các loại cây trồng khác cần đảm bảo lịch thời vụ, tuân thủ các khuyến cáo của ngành chức năng để tránh thiệt hại do hạn mặn.
Phòng chống hạn mặn là một cuộc chiến lâu dài, tình trạng hạn mặn được dự báo sẽ còn diễn ra gay gắt hơn trong thời gian tới. Nhưng trước mắt chính quyền địa phương và ngành chức năng cần có chính sách hỗ trợ, đồng thời có giải pháp hữu hiệu giúp người dân vượt qua khó khăn, khắc phục thiệt hại và sớm khôi phục lại sản xuất.